Chiến thuật hoàn hảo


Bằng cách hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến tại Syria, ông Putin đã đưa nước Nga trở lại trung tâm của cuộc chơi lớn ở Trung Đông.

 


Nga có lợi ích rõ ràng trong khu vực. Đầu tiên, đó là lợi ích dài hạn của Nga ở các vùng biển và cảng nước ấm. Thứ hai, như ông Putin đã chỉ ra, ở trong nước, Nga có vấn đề về khủng bố Hồi giáo riêng của mình tại vùng Caucasus, và nhiều kẻ khủng bố Hồi giáo Nga đã tham gia IS. Thứ ba, Nga đang cạnh tranh ảnh hưởng địa chiến lược với Mỹ – nước đã có sự thống trị chiến lược ở Trung Đông. Giờ đây, dưới con mắt của các chính phủ trong khu vực, Nga có vẻ trở nên đáng tin cậy hơn so với Mỹ.


Nga vẫn có quan hệ chặt chẽ với Iran, mặc dù mối quan hệ này bị yếu đi sau khi Tehran đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ. Trong khi đó, Iraq đã đồng ý chia sẻ thông tin tình báo với Nga và đã đồng ý để các máy bay trinh sát Nga bay trên không phận của mình. Quan hệ quân sự giữa Iraq và Nga lại càng được cải thiện. Năm ngoái, Nga đã bán nhiều chiến đấu cơ cho không quân Iraq để ném bom IS, sau khi Mỹ không giữ lời hứa cung cấp F-16 cho Iraq. Baghdad đang đàm phán với Moskva để có thể mua thêm nhiều loại vũ khí hiện đại do Nga sản xuất. Giờ đây, Nga đang có sự hiện diện mạnh mẽ ở phía bắc Trung Đông, một khu vực gần vùng Caucasus và Trung Á, nơi Nga có lợi ích chiến lược quan trọng.


Ông Putin khi đã khai thác được những sai lầm của Mỹ. Mỹ và các nước phương Tây đang có xu hướng gây sức ép và cô lập Nga trong nhiều vấn đề, từ cuộc chiến Ukraine, cho tới các khía cạnh kinh tế, và điều này làm lung lay vị thế cường quốc mà Moskva dày công xây dựng. Việc suy giảm tầm ảnh hưởng và phải ở vào thế đối đầu với các quốc gia khác khiến Nga, đứng đầu là Tổng thống Vladimir Putin – người được mệnh danh là có “nắm đấm thép”- trở nên cương quyết và cứng rắn hơn. Rõ ràng chiến dịch không kích mà Nga tiến hành tại Syria buộc Mỹ phải cân nhắc chìa cành oliu về phía Moskva. Về mặt quân sự, điều mà Washington cần làm là theo dõi và cân nhắc các diễn biến cũng như kết quả của chiến dịch không kích tại Syria. Về mặt ngoại giao, Mỹ nên bắt đầu ngồi xuống đàm phán với Nga. 


Chiến dịch không kích mà Nga quyết định triển khai tại Syria đang làm rung chuyển trụ cột chính trong nỗ lực mà Mỹ thực hiện tại quốc gia Trung Đông này – hỗ trợ lực lượng nổi dậy được cho là ôn hòa – đồng thời cản trở ý định của Chính quyền Obama là loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Moskva. Mỹ và nhiều nước phương Tây cho rằng tương lai của Syria không thể có sự hiện diện của ông Assad, còn Moskva cho tới nay dường như vẫn phớt lờ những lời kêu gọi chấm dứt sự ủng hộ đối với nhà lãnh đạo này.


Ngoài ra, Nga đang nỗ lực cho thấy hình ảnh của một quốc gia lãnh đạo thế giới, một chủ thể quốc tế có trách nhiệm và không chịu "lép vế" trước Mỹ. Việc xác định các mục tiêu không kích là minh chứng rõ ràng cho luận điểm này. Nga đã tiến hành các hành động đơn phương và để Mỹ cũng như các đồng minh NATO và Arập của Washington đứng ở ngoài cuộc. Moskva thậm chí thể hiện điều này một cách rõ ràng hơn bằng việc đưa ra quan điểm rằng Nga là quốc gia duy nhất hành động đại diện cho chính phủ hợp pháp của Syria, và theo đó đã tuân thủ luật pháp quốc tế. 


Theo cách lập luận của Nga thì liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành các cuộc tấn công chống IS ở Syria là một liên minh xâm lược. Cho đến nay, Nga dường như đang đi đúng hướng để đạt được hầu hết những mục tiêu của mình, và các chiến dịch quân sự của nước này có vẻ như đang mang lại lợi ích cho ông Assad và tạo cho Nga một lợi thế ở bàn đàm phán về cuộc xung đột Syria ở cấp khu vực và quốc tế. 


Theo các chuyên gia phân tích, hành động can dự vào Syria của ông Putin chính là "một mũi tên trúng hai đích", khi nó không chỉ giúp Nga có một chỗ đứng vững chắc để yểm trợ về mặt quân sự cho chính quyền của Tổng thống Assad, mà còn có thể tạo điều kiện cho điện Kremlin tiếp tục có ảnh hưởng đến việc lựa chọn người kế nhiệm ông Assad trong trường hợp ông này buộc phải từ bỏ quyền lực. Emile Hokayem, chuyên gia về Syria tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho rằng Nga muốn duy trì chính phủ của ông Assad ở Syria, hoặc ít nhất là có tiếng nói trọng lượng trong việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp thời kỳ hậu Assad. Điều này cũng đã được thể hiện trong bài phát biểu của Tổng thống Putin trước Liên hợp quốc, khi ông khẳng định rằng Tổng thống Assad là một nhân tố không thể thiếu trong giải pháp chính trị cho Syria.


Các nhà ngoại giao Ả rập thì đánh giá, những động thái gần đây của Nga ở Syria đã nâng cao đáng kể tầm ảnh hưởng về chính trị và quân sự của nước này tại khu vực Trung Đông, đồng thời làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với những sự kiện diễn ra trên mặt đất. Bằng cách can thiệp ngày càng sâu hơn vào tình hình Syria và thậm chí là Iraq, ông Putin đang thách thức trực tiếp hai mục tiêu cốt lõi trong chính sách đối ngoại của ông Obama trong năm cuối của nhiệm kỳ, đó là tìm một giải pháp cho cuộc xung đột phức tạp ở Syria, và điều chỉnh cuộc chiến chống IS thóat khỏi thế bế tắc.


Cuộc khủng hoảng Syria là một vấn đề đau đầu của ông Obama trong chính sách đối ngoại. Ông thường bị chỉ trích là "thiếu đầu tư" trong nỗ lực tiêu diệt IS do ông tin rằng sẽ không có giải pháp nào mà không kéo Mỹ lún sâu vào một cuộc chiến chưa nhìn thấy hồi kết. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Obama tuyên bố "Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Nga và Iran, để giải quyết xung đột". Khi bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Iran và Nga, ông Obama đã công khai thừa nhận ảnh hưởng của họ ở Syria.


Đến nay, sau 2 tuần thực hiện nhiệm vụ không kích tại Syria, các máy bay chiến đấu của Nga đã xuất kích 64 lần, phá hủy 55 mục tiêu của IS, khiến nhóm phiến quân này thiệt hại đáng kể cả về cơ sở vật chất, phương tiện vũ khí và quân số.


Tương lai nào cho Ukraine khi Nga can dự sâu vào Syria?


Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria đang khiến nhiều người Ukraine lo sợ rằng phương Tây sẽ hợp tác với Nga và giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine. Một số khác thì hy vọng nước Nga, do phải chiến đấu trên cả hai mặt trận, có thể sẽ có sự thỏa hiệp nào đó đối với các khu vực miền đông Ukraine.


Tờ "Người Hướng dẫn Khoa học Cơ đốc giáo" (Mỹ) dẫn lời nhiều nhà phân tích ở Kiev cho rằng chiến dịch của Moskva ở Syria đã dẫn đến một sự thay đổi đáng kể tại miền Đông Ukraine. Một tháng trước, khi Nga bắt đầu triển khai quân tới Syria, tiếng súng ở miền Đông Ukraine đột ngột im ắng. Nhiều người Ukraine, tuy hoan nghênh lệnh ngừng bắn này, song lo ngại khả năng có sự dàn xếp ngầm nào đó giữa Nga và phương Tây xung quanh cuộc chiến Syria, bởi lẽ cuộc chiến này đang đe dọa những lợi ích chiến lược của phương Tây.


Vadim Karasyov, Giám đốc Viện Chiến lược Toàn cầu độc lập ở Kiev, nói: "Lệnh ngừng bắn này có vẻ được đi kèm với lập trường có tính xây dựng hơn của Nga. Do đó, người Ukraine đặt câu hỏi: phải chăng phương Tây đã giảm bớt sự ủng hộ đối với Ukraine để đổi lấy sự hợp tác của Nga trong vấn đề Syria?"


Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) nhằm mục đích tập hợp một liên minh chống khủng bố ở Syria, phái đoàn Ukraine đã bỏ ra ngoài phòng họp. Vladimir Panchenko, chuyên gia chính trị của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế ở Kiev, cho biết nhiều người Ukraine nhất trí rằng cần phải tập hợp một liên minh ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố tại Trung Đông, song lại bất đồng không biết sự can dự của Nga tại Syria sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến đất nước của họ. Ông nói: "Có thể người Nga càng can can dự sâu vào Trung Đông, họ sẽ gặp càng nhiều rắc rối. Tuy nhiên, tất cả mọi người ở đây đều nghĩ rằng đã có sự hợp tác giữa Nga và phương Tây ở Syria, và điều này bất lợi cho Ukraine".


Ngày 2/10, các nhà lãnh đạo của 4 nước bảo trợ hiệp ước hòa bình Minsk-II (gồm Ukraine, Nga, Đức và Pháp) đã nhóm họp ở Paris để phác thảo bản hướng dẫn thực hiện cuối cùng cho hiệp ước này. Hiệp ước 12 điểm yêu cầu các bên chấm dứt mọi hoạt động quân sự và tiến tới xác định rõ quy chế của những khu vực đang do quân nổi loạn kiểm soát. Nga cho biết sẽ hối thúc đồng minh của họ ở miền Đông chấp nhận một thỏa thuận mới với Kiev, theo đó khu vực này sẽ nắm quyền tự trị trong khuôn khổ một Ukraine được phi tập trung hóa. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây có vẻ quyết tâm thúc giục Kiev đàm phán trực tiếp với các đại diện quân nổi loạn, ban lệnh ân xá cho các tay súng li khai và khôi phục các mối liên kết kinh tế với các khu vực đòi độc lập.


(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các báo)