Việc chỉ rõ thực chất, tác hại, sự cần thiết phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện “đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng” và khẳng định vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những vấn đề cấp thiết nhằm góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đồng thời, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến’, “tự chuyển hóa” ở nước ta hiện nay.
Thực tiễn cho thấy, trong quá trình thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch rất quan tâm đến việc chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền, kích động, kêu gọi tán dương, cổ xúy cho quan điểm “đa nguyên, đa đảng”, “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.
Mục tiêu của những luận điệu hô hào, cổ xúy đòi "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập" không gì khác là hạ thấp và đi tới phủ nhận, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam, bằng những lời lẽ hết sức mị dân. Họ cho rằng chỉ có “thực hiện chế độ “đa nguyên, đa đảng” thì “xã hội Việt Nam mới nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo”; chỉ có "đa nguyên, đa đảng" thì xã hội mới có dân chủ thực sự… Thực chất của luận điểm trên là muốn gây ra những khó khăn trong quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, nhất là làm cho chính trị-xã hội không ổn định, kinh tế suy giảm, văn hóa xuống cấp, các mâu thuẫn và xung đột xã hội nảy sinh và ngày càng gia tăng, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” là luận điểm mang nặng tính chất mị dân, rất dễ gây nên sự ngộ nhận, nhất là đối với những người nhận thức có phần còn hạn chế, từ đó có thể gây nên sự mơ hồ, lẫn lộn, có thể dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, đối với xã hội Việt Nam; gây nên sự phân tâm trong xã hội; làm suy giảm và có thể đi đến mất dần niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực hiện chế độ nhất nguyên chính trị, một Đảng Cộng sản Việt Nam duy nhất lãnh đạo xã hội Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sự lựa chọn đúng đắn của chính nhân dân Việt Nam trong quá trình đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một hiện tượng hoàn toàn hợp quy luật, phản ánh những điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan đã chín muồi trong quá trình vận động của cách mạng Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, ở Việt Nam, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Điều đó không phải là do mong muốn chủ quan của Đảng, mà chính là sự giao phó của lịch sử, của cách mạng Việt Nam thông qua quá trình sàng lọc, lựa chọn một cách đúng đắn. Bằng sự thể nghiệm xương máu trong cuộc đấu tranh cách mạng với bao khó khăn, gian khổ, hy sinh của nhiều thế hệ người Việt Nam, mà nhân dân ta đã chọn và thừa nhận: Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo mới đảm bảo cho xã hội Việt Nam phát triển tiến bộ.
Lịch sử cách mạng Việt Nam trong hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy: Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn xứng đáng với sự lựa chọn, giao phó của lịch sử, sự tin cậy của nhân dân. Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng đã đưa dân tộc ta từ một dân tộc không có độc lập đến một dân tộc độc lập có tên trên bản đồ thế giới; đưa nhân dân ta từ kiếp nô lệ đến dân chủ, tự do, hạnh phúc. Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành, phát triển. Chính trị-xã hội của đất nước ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa-xã hội có bước phát triển. Bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định đảm bảo cho xã hội Việt Nam được từng bước phát triển bền vững vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vấn đề đặt ra đối với chúng ta hiện nay không phải là lựa chọn một đảng hay đa đảng mà là phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Để tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo đảm cho xã hội ngày càng phát triển bền vững theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cần quan tâm làm tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhất là năng lực đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo trên cơ sở trung thành và phát triển Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh nghiệm của các nước phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo. Chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, là “đầy tớ” trung thành của nhân dân. Tích cực đấu tranh ngăn ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tiếp tục thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, Đảng phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phát triển, nhất là tăng cường cải cách hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nhất là phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp, tác phong công tác, xứng đáng là “công bộc” của dân.
Ba là, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương cần kịp thời ban hành và thực hiện tốt những chủ trương, chính sách “hợp lòng dân” nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng cao, vùng xa, những căn cứ cách mạng trước đây và những gia đình, những người có nhiều công lao đóng góp cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những chế độ, chính sách phù hợp.
Bốn là, chăm lo xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh và bền vững, đi đôi với bảo đảm cho nền kinh tế phát triển đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không ngừng phát triển lực lượng sản xuất, tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là thu hẹp dần khoảng cách phân hóa giàu-nghèo.
Năm là, quan tâm giải quyết tốt những vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam, cả người Việt Nam ở trong nước và những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; tạo nên sự đồng thuận xã hội rộng lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân được thụ hưởng mọi thành quả lao động mà chính mình đã sáng tạo ra.
Sáu là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, nhất là trong bộ máy Đảng và Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm khắc, dứt điểm các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng gây hậu quả lớn nhằm củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Theo qdnd.vn