Trước đó, hồi cuối năm 2014, WB chỉ dự báo GDP của Việt Nam tăng 5,6% trong năm 2015. Trong số 9 quốc gia Đông Á được xem xét trong báo cáo, Việt Nam là nước duy nhất có dự báo GDP được điều chỉnh theo xu hướng tăng.

 

 

Lý giải về việc nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam, các chuyên gia của WB cho biết, giá dầu giảm đã có những tác động tích cực. Dù là một nước xuất khẩu dầu, Việt Nam cũng là nước có lượng tiêu thụ lớn, đặc biệt cho những ngành cần nhiều năng lượng. Bên cạnh đó, đại diện WB cũng đánh giá cao nỗ lực ổn định kinh tế và khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm qua.

 

Theo báo cáo của WB, kinh tế Việt Nam đang khởi sắc trở lại và tăng trưởng cuối năm 2014 vượt mức kỳ vọng. Đặc biệt, yếu tố thuận lợi được WB chỉ ra là các hiệp định thương mại đang đàm phán có thể đem lại cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra những thị trường bên ngoài rộng lớn và giàu có hơn. Những cải cách trong nước bao gồm việc củng cố tài khóa trung hạn, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực đổi mới khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước với quyết tâm cao hơn, rõ ràng hơn sẽ phát những tín hiệu quan trọng đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế và đặt nền móng cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong tương lai. Lạm phát của Việt Nam được WB dự báo sẽ ở mức vừa phải trong năm 2015 do giá lương thực và nhiên liệu toàn cầu ở mức thấp và cầu tư nhân trong nước phục hồi.

 

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia của WB, Việt Nam vẫn phát triển dưới mức tiềm năng. Nguyên nhân là sự ì ạch trong cải cách cơ cấu, đặc biệt trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. WB cho rằng cổ phần hóa về mặt số lượng là chưa đủ, mà cần phải tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nợ công gia tăng là một vấn đề quan ngại. Tổng dư nợ công và nợ được bảo lãnh công là 61% GDP tính đến cuối năm 2014, trong đó nợ trong nước tăng từ 23% năm 2010 lên 32% lên 2014.

 

* Chuyên gia Việt Nam hiến kế để tăng trưởng GDP 2015 đạt trên 6%

 

Theo các chuyên gia nhận định, với những kết quả sản xuất kinh doanh tốt ngay những tháng đầu năm, cũng như các giải pháp chỉ đạo điều hành kịp thời của Chính phủ trong thời gian qua, tốc độ tăng GDP năm 2015 của nước ta sẽ có khả năng vượt kế hoạch đạt từ 6,3-6,5%.

 

Trong các tháng tiếp theo năm 2015, cần phát huy mạnh mẽ một số yếu tố thuận lợi như chỉ số phát triển công nghiệp đạt ở mức cao, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện; tổng mức bán lẻ tăng ở mức cao; thu ngân sách ở mức cao; lạm phát thấp… Đây có thể là cơ hội để tiến hành điều chỉnh một số chính sách như: Giảm nhẹ lãi suất, xem xét tỷ giá theo kế hoạch và điều chỉnh cán cân tài chính tiền tệ vĩ mô khác.

 

Vấn đề đặt ra là trong năm 2015 cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt để tạo sức bật mạnh hơn cho nền kinh tế, mở thêm nhiều cơ hội để hội nhập sâu, phát triển nhanh và bền vững.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, những thuận lợi của đầu năm 2015 khó có thể duy trì được ở mức cao trong cả năm như: Tổng cầu của nền kinh tế chưa phục hồi bền vững, tính bất ổn của nền kinh tế còn tiềm tàng, nhất là khu vực kinh tế tư nhân trong nước; tốc độ xuất khẩu tăng chậm lại, nhập khẩu đang có xu hướng tăng, chỉ số phát triển công nghiệp tuy tăng khá nhưng chủ yếu do tác động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; cân đối ngân sách tiếp tục căng thẳng… Vì vậy, cần có một sự thay đổi trong định hướng điều hành tỷ giá, xét trong tầm trung hạn và trong điều kiện hội nhập sâu.

 

Trong bối cảnh lạm phát trong ngắn đến trung hạn được dự báo sẽ ở mức thấp trên thế giới và Việt Nam (một số nước có khả năng rơi vào giảm phát), chính sách tỷ giá cần chuyển trọng tâm từ hỗ trợ kiểm soát lạm phát ngắn hạn sang tầm nhìn trung hạn, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu cũng như cạnh tranh với nhập khẩu và sản xuất trong nước. Do đó, trước mắt cần tiếp tục thực hiện cam kết tỷ giá như Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố. Tuy nhiên, trong trung hạn cần có đánh giá sát hơn để có chính sách tỷ giá, cơ cấu dự trữ ngoại tệ mềm dẻo, hợp lý để có thể điều chỉnh phù hợp với thị trường và tác động tốt đối với doanh nghiệp và người dân.

 

Cũng theo các chuyên gia, 2015 là năm cuối cùng thực hiện tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên, theo tinh thần Nghị quyết TƯ 3 (Khóa XI) nên cần đánh giá kết quả so với mục tiêu đề ra. Điều này không chỉ thuần túy kinh tế mà có liên quan đến thể chế, vì phần gốc của vấn đề có liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước (thu chi nói chung và phân cấp ngân sách), Luật Tổ chức Chính phủ (liên quan vai trò của Chính phủ không chỉ là cơ quan chấp hành mà còn là cơ quan hành chính cao nhất), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám sát của Quốc hội.

 

Ngoài ra, cần lựa chọn một số vấn đề làm sớm, nhất là vấn đề đổi mới công nghệ trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến; vấn đề liên kết chuỗi giá trị toàn cầu thành mạng từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp cần là khâu cầu nối mạnh và hưởng thụ một tỷ lệ hợp lý khi liên kết giữa các đơn vị sản xuất và thị trường.

 

Đánh giá cao việc ban hành Nghị quyết 19 của Chính phủ trong tháng 3/2015, nhưng các chuyên gia cho rằng, về nhận thức, triển khai thực hiện trên thực tế so với cam kết của các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là mức độ nhận thức về Nghị quyết 19 của một số lãnh đạo bộ, ngành chưa sâu. Vì vậy cần điều tra, đánh giá độc lập, làm rõ các tác động tích cực cũng như những rào cản trong thực hiện chính sách để điều chỉnh.

 

Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các vùng biên giới, trên biển, cảng biển, cảng hàng không thời gian qua vẫn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Việt Nam, đời sống, sức khỏe của nhân dân, cũng như kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề chất lượng hàng sẽ phức tạp hơn khi thuế suất giảm về 0% với hầu hết hàng hóa của các nước tham gia FTA với Việt Nam.

 

Năm 2015, áp lực hội nhập sẽ rất mạnh mẽ. Chính phủ cần giao cho các bộ có liên quan chuẩn bị các hướng dẫn cụ thể, sát hợp với từng ngành, lĩnh vực, phù hợp với các cam kết quốc tế (như với ASEAN là tự do di chuyển hàng hóa, đầu tư, lao động có tay nghề…) để các doanh nghiệp và người dân nhận thức được các khó khăn và thuận lợi mới một cách cụ thể và hành động được chủ động hơn. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích sâu rộng và chính xác.

 

(nguồn tổng hợp từ Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)