Phép thử chiến lược của Tổng thống Nga Putin
Giáo sư Ivan Tsvetkov tại Trường Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia St. Petersburg (Nga), đồng thời là chuyên gia về chính sách đối ngoại, lịch sử và xã hội Mỹ cho rằng, chính sách đối ngoại của Nga năm 2014 đã được định hình bởi một loạt các cuộc thử nghiệm địa chính trị được thực hiện bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đối phó với phong trào Maidan ở Ukraine.
Phép thử này là một cơ hội để ông Putin kiểm nghiệm quan điểm của mình về các mối quan hệ và vị thế của Nga trên trường quốc tế-một tầm nhìn mà ông đã phát triển trong những năm đầu trên cương vị Tổng thống.
Ban đầu, chính sách đối ngoại của ông Putin đã không vượt ra ngoài ranh giới phản ứng với những thách thức từ bên ngoài. Trong năm 2014, ông Putin cuối cùng đã quyết định so sánh quan điểm của mình về thế giới mà ông đã hình thành trong đầu, với thực tế khách quan. Đánh giá của ông Putin về thế giới hiện nay có một vài điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, phương Tây không thừa nhận Nga như là một đối tác bình đẳng, bên cạnh đó, phương Tây đang sử dụng một loạt các biện pháp nhằm vô hiệu hóa tiềm năng quân sự chiến lược của Moskva;
Thứ hai,xã hội dân sự phương Tây đang rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu rộng và trong thực tế, họ đã mất vai trò như là một nhà lãnh đạo toàn cầu;
Thứ ba,thông qua các biện pháp ngoại giao khéo léo và linh hoạt, Nga đã thành công trong việc xây dựng các mối quan hệ đối tác với hầu hết các nước “không thuộc phương Tây”;
Thứ tư, nếu Nga công khai thách thức phương Tây, nước này sẽ nhận được sự ủng hộ lớn trên thế giới bởi vì phương Tây và đặc biệt là Mỹ kích động một phản ứng tiêu cực gần như ở khắp nơi;
Thứ năm,trong một cuộc đối đầu công khai giữa Nga và phương Tây, sự chia rẽ kéo dài giữa Mỹ và phương Tây càng trở nên sâu sắc hơn; châu Âu thậm chí có thể đứng về phía Nga;
Thứ sáu, khi kết thúc cuộc khủng hoảng, Nga có thể sẽ trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu như là một cường quốc duy nhất mà có thể công khai thách thức quyền bá chủ của Mỹ;
Thứ bảy, sự yếu kém của nền kinh tế Nga sẽ được bù đắp bởi ảnh hưởng chính trị ngày càng tăng của mình.
Những sự kiện trong năm 2014 đã cho thấy rằng nhiều trong số những quan điểm trên bề ngoài có vẻ không thuyết phục khi đối mặt với thực tế. Mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ chứng tỏ vẫn còn rất khăng khít hơn những gì được dự đoán, trong khi sự ủng hộ Nga từ các nước không thuộc phương Tây vào thời điểm này hoàn toàn không có gì nổi bật.
Tuy nhiên, việc thử nghiệm chính sách đối ngoại của Nga có thể không kết thúc một cách đơn giản. Đánh giá từ bài phát biểu hàng năm mới đây của vị Tổng thống Nga có thể thấy niềm tin về thế giới quan của ông ngày càng mạnh mẽ hơn, và những khó khăn của Nga hiện nay chỉ là một kết quả tạm thời.
Vì vậy, chính sách ngoại giao của Nga năm 2015 sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu phù hợp với thực tế khách quan này. Trước hết, Nga có thể tiếp tục những nỗ lực của mình trong việc xây dựng mối quan hệ với từng nước châu Âu riêng lẻ để phá vỡ sự thống nhất của khối phương Tây, đặc biệt là về chính sách các biện pháp trừng phạt. Thứ hai, Nga sẽ tiếp tục đưa ra những sáng kiến táo bạo trong các hội nghị của khối BRICS, SCO, G20 và các nhóm “không thuộc phương Tây” khác. Cuối cùng, Moskva nên đưa ra những dự báo về các thủ đoạn ngày càng tăng kiểu Chiến tranh Lạnh của phương Tây.
Chính sách đối ngoại của Mỹ 2014: Một năm bị động
Năm 2014 là năm thử lửa chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cuộc khủng hoảng Ukraine, căng thẳng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, Iraq… khiến nước Mỹ rơi vào mặt trận đối ngoại vô cùng phức tạp và phản ứng khá bị động.
Sau tuyên bố khẳng định chính sách “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã thực thi những động thái nhằm khẳng định cam kết của mình. Năm qua, ông chủ Nhà Trắng đã nỗ lực siết chặt lại quan hệ với châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh các đồng minh của Mỹ hoài nghi khả năng hiện thực hóa chính sách đối ngoại hướng về khu vực này. Tuy nhiên, sự chú trọng vào châu Á tạo ra ấn tượng rằng Nhà Trắng đang lơ là các khu vực khác.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine với việc Crimea sáp nhập vào Nga đầu tháng 3/2014 đã đặt ra thách thức không nhỏ cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Các chuyên gia cho rằng chính sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa Mỹ và EU thời gian qua đã khiến các đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương bị đẩy vào thế yếu trước một nước Nga ngày càng mạnh mẽ và quyết đoán của Tổng thống Vladimir Putin. Sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga khiến châu Âu và Mỹ ý thức hơn về sự cần thiết phải làm mới lại quan hệ đồng minh, củng cố sức mạnh nội tại để có vị thế mạnh hơn trong các tình huống bất ngờ. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến Mỹ phải nhìn nhận lại những lỗ hổng trong chính sách đối ngoại của mình.
Trong năm qua, Washington còn đối diện với thách thức mang tên IS. Sự lớn mạnh của lực lượng Hồi giáo cực đoan dòng Sunni này đe dọa sự tồn vong của nhà nước Iraq và đẩy Mỹ vào tình thế khó xử. Kể từ khi phát động cuộc chiến tranh lật đổi chế độ của Tổng thống Saddam Hussein dưới danh nghĩa chống khủng bố cách đây hơn 10 năm, Washington được xem là chiếc ô bảo đảm an ninh cho các chính thể tại Baghdad ngay cả khi đã rút toàn bộ binh lính về nước. Vì thế, Mỹ không thể đứng ngoài những diễn biến ngày một xấu đi tại quốc gia Vùng Vịnh này. Trong cuộc khủng hoảng an ninh tại Iraq và đã lan sang Syria, Mỹ không có nhiều lựa chọn và buộc phải can dự (hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp). Washington một lần nữa buộc phải điều động hàng trăm cố vấn quân sự và phát động cuộc chiến mới, miễn cưỡng đóng vai trò dẫn dắt một liên minh chống khủng bố mới tại Trung Đông.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng Iraq và Syria chỉ là một phần trong bức tranh Trung Đông nhiều màu xám và những nỗ lực ngoại giao của Washington đối với khu vực này vẫn còn bế tắc. Sau các nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine vẫn trì trệ. Trong khi đó, các nỗ lực của Mỹ và Nhóm P5+1 để đạt được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng được gia hạn sang năm 2015.
Có thể nói toàn cảnh chính sách đối ngoại của Mỹ trong nửa đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama đang bị “sa lầy”. Chính sách “xoay trục” sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vốn được Tổng thống Obama đưa ra trong nhiệm kỳ đầu, hiện vẫn chưa có những bước tiến rõ rệt. Trong bối cảnh đó, những động thái thách thức của Trung Quốc ở khu vực như thiết lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông, hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông đã trực tiếp thách thức vai trò của Washington ở khu vực.
Thực tế không mấy dễ chịu trên ít nhiều cho thấy trong năm 2014, chính quyền Mỹ khá bị động trong chính sách đối ngoại của mình khi nguồn lực bị dàn trải trên nhiều mặt trận. Điều đó dẫn tới hệ lụy tất yếu là suy giảm ảnh hưởng của Mỹ trong cộng đồng quốc tế và khiến hình ảnh của Tổng thống Obama trong con mắt người dân bị méo mó. Khó khăn có nguy cơ gia tăng khi trong hai năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội Mỹ hoàn toàn rơi vào sự kiểm soát của đảng Cộng hòa. Và phải đối mặt với một năm 2015 không dễ dàng là khó tránh khỏi đối với chính quyền Obama.
Trung Quốc nỗ lực theo đuổi chính sách “ngoại giao nước lớn”
Ngoại giao của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ xu hướng chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang “tích cực thể hiện”. Năm 2014, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thực hiện 12 chuyến công du nước ngoài, đặt chân tới trên 30 quốc gia, gặp gỡ hàng trăm lượt lãnh đạo các nước trên thế giới, chủ động đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác và tích cực tham gia giải quyết các “điểm nóng” quốc tế.
“Ngoại giao nước lớn đặc sắc riêng có”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc cần có nền “ngoại giao nước lớn đặc sắc riêng có” và “công tác đối ngoại phải mang đậm sắc thái Trung Quốc, phong cách Trung Quốc và khí phách Trung Quốc”. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, cụm từ “đặc sắc” mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập có nghĩa là: Trung Quốc sẽ đi trên con đường của một cường quốc, nhưng khác với con đường mà các nước lớn truyền thống đã đi qua.
Ngoại giao nước lớn của Trung Quốc sẽ kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ Xã hội Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, phục vụ đắc lực nhiệm vụ hàng đầu là phát triển đất nước Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc khẳng định theo đuổi chính sách “ngoại giao nước lớn”, được dư luận đánh giá là bước điều chỉnh lớn trong tư duy đối ngoại, dần từ bỏ phương châm “giấu mình chờ thời” được nêu ra cách đây hơn 30 năm để chuyển sang thời kỳ “hành động thể hiện” và “ngoại giao nước lớn”.
Tham gia các sự vụ quốc tế
Trong năm 2014, lãnh đạo Trung Quốc chủ trì và tham dự hàng loạt hội nghị quốc tế lớn, đưa ra nhiều khái niệm và đề xướng nhiều sáng kiến hợp tác như: Tại Hội nghị xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA) đưa ra khái niệm “giấc mộng châu Á- Thái Bình Dương” và “Quan điểm an ninh mới ở châu Á”, Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC đưa ra khái niệm “Cộng đồng vận mệnh” với các nước láng giềng và đề xuất thành lập Khu mậu dịch tự do châu Á -Thái Bình Dương…
Trung Quốc cũng chủ động tham gia giải quyết nhiều “điểm nóng” quốc tế như: viện trợ tái thiết Afganistan, viện trợ đối phó dịch Ebola, tham gia đàm phán hiệp định toàn diện vấn đề hạt nhân Iran, đưa ra đề xuất của Trung Quốc về tiến trình hoà bình Trung Đông…
Việc Bắc Kinh chủ động tham gia các sự vụ quốc tế và đề xuất các sáng kiến của mình nhằm tăng cường tiếng nói trên trường quốc tế, thể hiện vai trò và vị thế của một “nước lớn có trách nhiệm”, tạo lập nền tảng để Trung Quốc triển khai nền “ngoại giao nước lớn”.
Rạch ròi trong xử lý quan hệ với nước lớn
Năm 2014, Trung Quốc tiếp tục coi trọng xử lý quan hệ với các nước lớn, song có sự phân định rạch ròi hơn đối với từng đối tượng cụ thể. Trung Quốc chủ trương siết chặt quan hệ với Nga, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn Nga cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trong năm 2014, nguyên thủ hai nước có ít nhất 6 lần gặp mặt ở các diễn đàn khác nhau trong năm qua… thể hiện rõ sự coi trọng của Trung Quốc đối với Nga, đưa quan hệ song phương lên mức “thân thiết nhất từ trước tới nay” theo cách nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trung Quốc cũng coi trọng xử lý quan hệ với Mỹ, mời Tổng thống Mỹ Obama thăm chính thức Trung Quốc nhằm triển khai mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” trên thực tế. Tuy nhiên, quan hệ hai nước vẫn diễn biến không thuận lợi với xu hướng cạnh tranh và đối đầu ngày càng rõ nét.
Với Nhật Bản, Trung Quốc thể hiện rõ chủ trương cứng rắn trong xử lý tranh chấp chủ quyền và vấn đề nhận thức lịch sử, khiến quan hệ song phương diễn biến căng thẳng phức tạp. Theo Tờ Đại Công báo của Hong Kong, sự phân biệt rạch ròi cách ứng xử của Trung Quốc với các nước lớn đã hình thành cục diện “thân Nga, phòng Mỹ và xa Nhật”.
Cứng rắn và phi lý trong đòi hỏi chủ quyền
Có thể nói, ngoại giao của Trung Quốc năm 2014 gặt hái được nhiều thành công, góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy ngoại giao Trung Quốc cũng còn nhiều những hạn chế.
Mặc dù Trung Quốc và Mỹ nhất trí xác lập khung quan hệ “nước lớn kiểu mới”, nhưng va chạm vẫn thường xuyên diễn ra với xu hướng phức tạp hơn, khiến quá trình triển khai mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Cách hành xử cứng rắn và thậm chí phi lý của Trung Quốc trong đòi hỏi chủ quyền khiến quan hệ giữa Trung Quốc với hàng loạt nước láng giềng chủ chốt xấu đi.
Trong năm 2014, quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản luôn trong tình trạng căng thẳng phức tạp. Mặc dù lãnh đạo cấp cao hai nước có cuộc gặp ngắn bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, song điều đó chưa đủ để giúp hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ song phương.
Trung Quốc và ASEAN cam kết tăng cường quan hệ kinh tế thương mại, thúc đẩy đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), song trên thực tế Trung Quốc vẫn có những hành xử bất chấp luật pháp quốc tế khiến tình hình anh ninh Biển Đông diễn biến căng thẳng.
Trung Quốc tiếp tục phớt lờ không tham gia vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông, trong khi vẫn đẩy nhanh các hoạt động san lấp cải tạo các đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014 khiến tình hình an ninh Biển Đông diễn biến căng thẳng.
Kiểm chứng bằng thực tế
Khép lại năm 2014 với những thành công nhưng cũng còn nhiều hạn chế, lãnh đạo Trung Quốc khẳng định trong năm 2015 sẽ thực hiện “ngoại giao nước lớn đặc sắc riêng có” và “kiên định đi trên con đường phát triển hoà bình”.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định “Năm 2015, Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ nền hoà bình và phát triển của thế giới, tích cực tham gia xây dựng một nghị trình về sự phát triển chung, trong đó quan tâm hơn tới lợi ích các nước phát triển…”.
Trên thực tế, cộng đồng quốc tế luôn đặt nhiều kỳ vọng vào sự đóng góp của Trung Quốc cho hoà bình và phát triển trên thế giới đúng như những gì lãnh đạo nước này tuyên bố. Tuy nhiên, đóng góp của Trung Quốc đến đâu, việc Trung Quốc triển khai “ngoại giao nước lớn đặc sắc riêng có” sẽ tác động ảnh hưởng như thế nào đến hoà bình và an ninh trong khu vực? Tất cả những vấn đề trên cần phải chờ kiểm chứng qua hành động thực tế của Trung Quốc trong thời gian tới