Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ước khoảng 1%, là mức thấp trong 10 năm trở lại đây. Ngoài ra, những lĩnh vực khác cũng cho thấy kết quả tích cực, như: trong lĩnh vực tài khóa, thu và chi ngân sách đều hoàn thành kế hoạch, vượt mức dự toán; lĩnh vực tiền tệ đã ổn định được thị trường tiền tệ, thị trường vàng, lãi suất và tỷ giá; cán cân thương mại được cải thiện với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hơn năm trước trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, đồng thời an sinh xã hội được duy trì ổn định.
Nguyên nhân
Để đạt được những thành tựu nêu trên, có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể kể đến 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất, sự quyết tâm và quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế – xã hội dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. Thứ hai, phải kể đến vai trò giám sát của Quốc hội đã được đề cao và tăng cường. Thứ ba, là vấn đề lập pháp. Năm 2015, có rất nhiều luật mới được Quốc hội thông qua và triển khai thực hiện, trong đó có một số luật được điều chỉnh và ban hành theo xu hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam và được cả trong nước và dư luận quốc tế đánh giá cao như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi)… cùng với việc triển khai nhiều nội dung của Hiến pháp mới đã tạo động lực cho kinh tế – xã hội thuận lợi hơn các năm trước. Thứ tư, sự nỗ lực và chủ động hơn của doanh nghiệp (DN). Năm 2015, bên cạnh việc rút kinh nghiệm từ các bài học kinh nghiệm và giải pháp khắc phục, DN của Việt Nam đã phát huy tính chủ động, sáng tạo và tích cực chuẩn bị cho thời kỳ tiếp theo.
Khó khăn và hạn chế
Tuy đạt được những thành quả nhất định, song kinh tế Việt Nam năm 2015 vẫn bộc lộ nhiều khó khăn và hạn chế.Trước tiên là tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ hầu như không thay đổi và chậm lại, trong nông nghiệp (giảm từ 2,94% của năm 2014 xuống còn 2,08% năm 2015). Dấu hiệu chững lại của lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ không chỉ cho thấy khó khăn của lĩnh vực này, mà còn cho thấy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam rất khó khăn, vẫn phải tiếp tục dựa vào công nghiệp. Bên cạnh đó, một số vấn đề về tài khóa như nợ công, bội chi ngân sách và nghĩa vụ trả nợ so với thu ngân sách đều tăng. Mặc dù được coi là vẫn trong giới hạn an toàn nhưng tốc độ tăng nợ công nhanh và đã đến ngưỡng an toàn theo tính toán của các tổ chức quốc tế. Mục tiêu đưa nợ xấu xuống dưới 3% theo Nghị quyết của Quốc hội đã hoàn thành, tuy nhiên còn một số khoản vẫn cần xử lý tiếp. Cùng với đó, trong lĩnh vực DN, nhất là các DN vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn (trong năm 2015, phần lớn DN phải dừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản là DN quy mô nhỏ, có số vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng), trong khi quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn còn chậm.
Dự báo kinh tế 2016 và những giải pháp cần tập trung thực hiện
Năm 2016 sẽ là năm hội nhập quốc tế tích cực với những hiệp định đã ký và chuẩn bị ký kết. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động lớn hơn từ bối cảnh kinh tế thế giới. Vì vậy, có 4 vấn đề của kinh tế thế giới cần lưu ý. Thứ nhất, sự biến động của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng dự báo có thể giảm và những thay đổi trong chính sách kinh tế của Trung Quốc. Thứ hai, là những thay đổi chính sách kinh tế của Mỹ, nhất là chính sách tiền tệ. Mới đây, việc đồng nhân dân tệ được đưa vào rổ các đồng tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); Trung Quốc tiếp tục giảm giá đồng nhân dân tệ và Mỹ nâng lãi suất đồng USD đang tác động tới kinh tế thế giới và sẽ có ảnh hưởng nhất định tới kinh tế Việt Nam. Thứ ba, biến động của giá dầu cũng là yếu tố cần được xem xét và cập nhật. Hiện giá dầu đang biến động rất lớn, trong những ngày gần đây đã thiết lập mức đáy mới. Với việc Quốc hội Mỹ cho phép xuất khẩu dầu mỏ thì khả năng nguồn cung về dầu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng. Với tổng cầu của kinh tế thế giới được dự báo tăng ở mức khiêm tốn thì khả năng giá dầu đi xuống là tương đối cao. Thứ tư, đó là những bất ổn về chính trị – xã hội ở một số nước và khu vực cũng có khả năng tác động tới kinh tế của nước ta.
Xuất phát từ những yếu tố trên cùng với những kết quả đạt được trong năm 2015, có thể dự báo kinh tế của nước ta sẽ tiếp tục phát triển. Các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội được Quốc hội thông qua có thể cơ bản được hoàn thành. Như vậy, năm 2015, cần tập trung vào một số giải pháp mang tính định hướng sau:
Thứ nhất,năm 2016 sẽ là năm triển khai các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII, một trong những vấn đề trọng tâm sẽ là tạo môi trường phát triển thuận lợi và phát triển được nguồn lực một cách hợp lý, hiệu quả là hết sức quan trọng, tạo tiền đề cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Thứ hai,cần cụ thể hóa những quy định đã có trong Hiến pháp và trong các luật mới ban hành, đặc biệt là ưu tiên những quy định tác động tích cực tới sự phát triển của DN càng sớm càng tốt.
Thứ ba,phải duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, đây chính là tiền đề cho tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội nói chung và là môi trường bảo đảm thực thi có hiệu quả các chính sách kinh tế – xã hội.
Thứ tư,tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó nòng cốt vẫn là ba lĩnh vực trọng tâm là đầu tư, tài chính và DN. Để tái cơ cấu nền kinh tế tốt hơn, cần nghiên cứu và xây dựng những mục tiêu cụ thể với lộ trình rõ ràng hơn trong từng lĩnh vực gắn với tái cơ cấu ngành và tăng cường giám sát việc thực hiện mục tiêu và lộ trình này.
Thứ năm,đối với lĩnh vực tài khóa, cần tận dụng cơ hội hiện tại để cơ cấu lại các nguồn thu và khoản chi, bảo đảm chi tiêu ngân sách tiết kiệm và hiệu quả hơn, đồng thời tăng cường công tác quản lý thu thuế. Về vấn đề nợ công, bên cạnh giảm dần tốc độ tăng nợ công, cần phải giảm dần mức bội chi ngân sách, đồng thời xử lý tốt các khoản nợ còn tồn đọng.
Thứ sáu,đối với lĩnh vực tiền tệ, cần tiếp tục điều hành một cách linh hoạt hơn, đồng thời với việc xử lý nợ xấu và quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Bên cạnh việc xử lý nợ xấu cũ, cần chú ý hạn chế phát sinh thêm nhiều khoản nợ xấu mới. Trong tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, cần chú trọng nâng cao chất lượng quản trị nội bộ.
Thứ bảy,đẩy mạnh hơn nữa quá trình cổ phần hóa DNNN và quan tâm nhiều hơn nữa đến sự phát triển của các DN, nhất là DN vừa và nhỏ và DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ tám,phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp cải cách hành chính. Cần nghiên cứu tăng cường hơn vai trò giám sát, cơ quan giám sát, những thiết chế độc lập để thực hiện giám sát với việc tách biệt giữa chức năng quản lý và giám sát và giữa chức năng hoạch định chính sách với chức năng quản lý, thực thi chính sách.
Thứ chín,quan tâm và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, nhất là các chính sách liên quan đến người lao động và nông dân. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển ở mức cao hơn, phải luôn quan tâm tới những vấn đề an sinh xã hội (đặc biệt là ở nông thôn) với chất lượng tốt hơn là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố lược ghi từ bài phỏng vấn Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn)