Chuyến thăm thể hiện sự đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam vào các thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, duy trì các cuộc trao đổi, đối thoại cấp cao nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các thành viên và đối tác EU và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

 

Thứ nhất, tuy thời gian chuyến thăm ngắn, chỉ diễn ra trong 3 ngày, chương trình hoạt động của Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam dày đặc, phong phú, bao gồm cả các hoạt động đa phương và song phương, với 3 hướng hoạt động chính quan trọng gồm: các hoạt động đa phương tại Hội nghị COP 21; các hoạt động tiếp xúc song phương với nước chủ nhà Pháp và các nước, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị; chuyến thăm làm việc Bỉ và EU.

Trong các cuộc tiếp xúc song phương với nước chủ nhà Pháp, lãnh đạo cấp cao Pháp đã dành cho đoàn Việt Nam sự đón tiếp chu đáo, trọng thị với hình thức tương tự như một chuyến thăm chính thức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc rộng rãi với lãnh đạo, đại diện chính giới, doanh nghiệp, học giả của Pháp, đặc biệt là các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc, gặp gỡ với Tổng thống Francois Hollande, Thủ tướng Manuel Valls, Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher, Chủ tịch Hạ viện Claude Bartelone, Lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, Hội hữu nghị Pháp-Việt, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.

Tại Bỉ, EU, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm và làm việc rất hiệu quả, hội đàm với Thủ tướng Bỉ Charles Michel, hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Bỉ; gặp gỡ 3 lãnh đạo cao nhất của EU là Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Nghị viện châu Âu; Nhóm nghị sĩ hữu nghị EU-Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ.

Bên cạnh đó, trong thời gian tham dự Hội nghị COP 21, Thủ tướng Chính phủ đã có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo của 26 nước, tổ chức quốc tế là đối tác quan trọng, đối tác truyền thống của Việt Nam.

Thứ hai,chuyến thăm lần này là sự kết hợp ngoại giao đa phương và ngoại giao song phương, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị.

Về chính trị,chuyến thăm thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc, EU, UNESCO, Pháp, Bỉ là những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hoá; đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác lớn, quan trọng, đối tác truyền thống thông qua một loạt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Lãnh đạo của gần 30 nước, tổ chức quốc tế như Campuchia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Cuba, Brazil, Chile, WB,…

Về kinh tế,việc Việt Nam và EU ký Hiệp định tài chính Chương trình tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, đặc biệt việc ký văn kiện Tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ mở ra những cơ hội mới về kinh tế, thương mại, đầu tư cho hai bên. Hiệp định này, cùng với Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) đang được hoàn tất phê chuẩn sẽ hoàn chỉnh khuôn khổ quan hệ bền vững, cùng có lợi, tạo bước ngoặt, đưa  quan hệ Việt Nam-EU lên tầm mức mới.

Các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu ở Pháp đã góp phần tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư với Pháp – một trong 5 đối tác chiến lược của Việt Nam ở châu Âu.

Tại Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã cùng nhau trao đổi các biện pháp để triển khai 18 dự án trong giai đoạn 2016-2018.

Về văn hóa,đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đến thăm trụ sở UNESCO đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức này. Việc ký Thỏa thuận chương trình hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2016-2020, ngay sau khi Việt Nam được bầu làm Ủy viên Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019 càng khẳng định UNESCO tin tưởng, coi trọng vị trí vai trò của Việt Nam và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Thứ ba,việc tham dự Hội nghị COP 21 là một trong những hoạt động ngoại giao đa phương nổi bật và quan trọng nhất của lãnh đạo ta trong năm 2015, năm có một chuỗi các sự kiện quan trọng liên quan các vấn đề mang tầm vóc toàn cầu như an ninh, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu, do đó, việc Thủ tướng Chính phủ tham dự và có bài phát biểu tại COP 21 có ý nghĩa quan trọng, thể hiện cam kết, trách nhiệm, nỗ lực của Việt Nam cùng đóng góp vào việc xử lý một vấn đề chung cấp bách của nhân loại.

Việt Nam tích cực ủng hộ, tham gia xây dựng, thúc đẩy tiến trình thoả thuận khí hậu toàn cầu trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc để đảm bảo sự công bằng về đóng góp giữa các quốc gia, trong đó các nước đã phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết của mình, đồng thời hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển, từ đó chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của Việt Nam, với tư cách là nước đang phát triển, duy trì không gian phát triển kinh tế.

Thông qua Hội nghị, Việt Nam mong muốn tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu.

Chủ tịch WB và Giám đốc Quỹ Môi trường toàn cầu đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, trồng rừng phòng hộ ven biển chống xói lở và nước mặn xâm thực. Lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội Bỉ quan tâm các danh mục dự án chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng để xem xét hỗ trợ cụ thể cho Việt Nam.

Thứ tư,Việt Nam đã thành công trong việc đưa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu ở Việt Nam đến COP 21, đến cộng đồng quốc tế thông qua phiên đối thoại “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại ĐBSCL” do Thủ tướng  Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì với Thủ tướng  Vương quốc Hà Lan Mark Rutte và bà Laura Tusk, Phó Chủ tịch WB về phát triển bền vững, cùng sự tham dự của Bộ trưởng và đại diện cấp cao của gần 30 nước, tổ chức quốc tế đối tác.

Phiên đối thoại đã thành công, qua đó, các nước, tổ chức quốc tế đối tác đã đề ra được nhiều giải pháp thực chất nhằm ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu tại vùng kinh tế trọng điểm này.

Nhân dịp này, tọa đàm xúc tiến hợp tác kinh tế giữa Cần Thơ, ĐBSCL với gần 50 doanh nghiệp Pháp đã được tiến hành tại Paris, tạo thêm động lực mới cùng những bước phát triển mạnh mẽ và sự tham gia ngày càng nhiều của doanh nghiệp Pháp tại thị trường Việt Nam, trong đó khu vực ĐBSCL sẽ là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn với nhiều thế mạnh. Đồng thời, quan hệ địa phương-địa phương giữa Việt Nam với Pháp và Bỉ cũng được thúc đẩy, đây cũng là một điển hình hợp tác hiệu quả giữa khu vực Đông Nam Á và châu Âu.

Thứ năm,qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi của Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam với nước chủ nhà Pháp, Bỉ, EU, các nước tham dự Hội nghị COP 21, Biển Đông đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Lãnh đạo EU đã bày tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông. Các nước bày tỏ ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam đó là tranh chấp ở Biển Đông cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), hướng tới thỏa thuận chính trị và quy tắc ứng xử chung ràng buộc giữa các bên, không sử dụng vũ lực, đảm bảo tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không, không làm thay đổi hiện trạng, không quân sự hoá Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ tình đoàn kết, sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đến Chính phủ và nhân dân Pháp, Bỉ trong các nỗ lực chống khủng bố…

Thứ sáu,lãnh đạo các nước chủ nhà Pháp, Bỉ, EU, cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị COP 21 trong các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao về những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam thời gian qua; vai trò và uy tín của Việt Nam ở châu Á-Thái Bình Dương cũng như vị thế, vai trò quốc tế ngày càng quan trọng của Việt Nam; hoan nghênh sự tham gia tích cực và đóng góp thiết thực của Đoàn Việt Nam tại Hội nghị COP 21.

 Chuyến thăm lần này của Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam tuy ngắn, song có  nhiều hoạt động, cả đa phương và song phương; toàn diện về nội dung, gồm cả chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa; đạt kết quả thực chất. Việt Nam đã thể hiện được cam kết và quyết tâm cùng chung tay với cộng đồng quốc tế xử lý thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu; đồng thời, tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đặc biệt là với khu vực ĐBSCL.

Chuyến thăm đã tạo bước  ngoặt trong quan hệ giữa Việt Nam với EU; đưa quan hệ với Pháp, Bỉ cùng nhiều đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất; đồng thời cũng cho thấy rõ quốc tế coi trọng vị thế, vai trò, đóng góp của Việt Nam vào các vấn đề toàn cầu.

(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các báo)