Trong thời gian thăm chính thức Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, hội kiến Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc Trương Đức Giang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc Du Chính Thanh. 

 

 

Trong không khí hữu nghị và thẳng thắn, hai bên đã thông báo cho nhau tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm; đi sâu trao đổi về phương hướng và những biện pháp để tăng cường, thúc đẩy quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Hai bên đã nhất trí ra Thông cáo chung 9 điểm thể hiện các nhận thức chung quan trọng về truyền thống quan hệ 65 năm qua, về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, về việc tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác đầy đủ, thiết thực, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, đưa quan hệ song phương phát triển lành mạnh, bền vững.

Trên cơ sở đó, hai bên đã đề ra các phương hướng, biện pháp lớn, thiết thực, tăng cường thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Cụ thể ở mấy điểm chính sau:

 

Trước hết,hai bên đã thống nhất khôi phục đầy đủ và đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực giữa hai nước trong thời gian tới, trong đó có việc nỗ lực thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm Hợp tác Kinh tế – Thương mại Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2012-2016”, Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm và các thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại đã ký kết; thúc đẩy thương mại song phương tăng trưởng ổn định, cân bằng, bền vững; phía Trung Quốc đồng ý khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng có sức cạnh tranh của Việt Nam; ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư và sẵn sàng tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam đến Trung Quốc khai thác mở rộng thị trường.

Hai bên nhất trí tăng cường thương mại biên giới; thúc đẩy xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, các dự án kết nối cơ sở hạ tầng; thúc đẩy hợp tác trong các ngành nghề nông nghiệp, chế tạo, dịch vụ và các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, kiểm nghiệm, kiểm dịch…

 

Phía Trung Quốc đồng ý dỡ bỏ cảnh báo về du lịch đến Việt Nam. Hai bên đã chính thức tuyên bố thành lập các nhóm công tác về tiền tệ và về cơ sở hạ tầng; ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa hai nước trên một số lĩnh vực.

 

Thứ hai,hai bên đã nhất trí về các biện pháp nhằm củng cố tin cậy, tăng cường hữu nghị, duy trì ổn định và đà phát triển lành mạnh của quan hệ Việt-Trung với việc tăng cường trao đổi cấp cao, theo đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận lời sớm thăm Việt Nam. Tăng cường các cơ chế trao đổi, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.

 

Thứ ba,hai bên đã trao đổi ý kiến cởi mở, thẳng thắn về tình hình và những tồn tại của vấn đề trên biển, nhấn mạnh tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt-Trung, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên.

 

Cùng kiểm soát tốt bất đồng trên biển, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và sớm đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) trên cơ sở hiệp thương thống nhất, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; xử lý kịp thời, thỏa đáng vấn đề nảy sinh, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

 

Hai bên cũng đã nhất trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, vững bước thúc đẩy đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, sớm khởi động khảo sát chung tại vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trong năm nay.

 

Trong tất cả các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo thực hiện, bằng các hành động cụ thể, thiết thực, nhất quán, các thỏa thuận trên phương châm “nói đi đôi với làm”.

 

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung, góp phần củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, củng cố và duy trì cục diện hữu nghị và ổn định, tiếp thêm động lực mới cho việc phát triển lành mạnh quan hệ, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau những căng thẳng tại Biển Đông giữa năm 2014, tạo không khí thuận lợi để giải quyết các vấn đề tồn tại giữa hai nước.

 

(Nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp)