I. DỰ BÁO GIÁ DẦU NĂM 2016

 

Những động thái bất lợi


Tại cuộc họp tháng 12/2015 tại Thủ đô Vienna (Áo), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định chưa hành động để hỗ trợ giá dầu. Và như vậy, thị trường dầu mỏ chưa có được sự hậu thuẫn về chính sách khai thác dầu thô từ OPEC để giảm bớt sự dư thừa nguồn cung.

 


Bước sang năm 2016, thị trường sẽ phải theo sát tình hình khai thác dầu mỏ tại Iraq và Ảrập Xêút, hai nước có sản lượng tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2015, cũng như nguồn cung dầu từ Iran, sau khi các nước phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nước này. Việc Ảrập Xêút không sẵn sàng đơn phương cắt giảm sản lượng, còn Iran “từ chối” hạn chế khai thác dầu sẽ càng làm tăng sự ganh đua giữa các nước thành viên OPEC. Điều này dự báo sẽ làm gia tăng sức ép lên thị trường dầu mỏ trong năm 2016.


Thêm vào đó, việc Mỹ bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất cùng với sự mạnh lên của đồng USD là yếu tố bất lợi cho dầu thô vốn được giao dịch bằng đồng bạc xanh.


Góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung, dự trữ dầu thô tại các nước phát triển hiện ở mức cao kỷ lục gần 3 tỷ thùng, tương đương một tháng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Kho dự trữ dầu mỏ dường như ngày càng quá tải.


Chưa thể cân bằng


Trong bối cảnh cung dự báo sẽ vượt cầu trong ít nhất 6 tháng đầu năm 2016, có không ít quan ngại về trữ lượng dầu dư thừa hiện nay. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo dự trữ dầu sẽ tăng thêm khoảng 300 triệu thùng trong năm 2016, chưa kể số dầu trữ ngoài khơi hiện nay cũng là một mối lo ngại không nhỏ khi số dầu này cập cảng.


Giới giao dịch có thể mua và trữ dầu khi giá “vàng đen” ở mức thấp và kiếm lời trên các thị trường giao dịch kỳ hạn. Theo các nhà phân tích, cách duy nhất để tránh cho dự trữ dầu tiếp tục “trôi nổi” ngoài khơi trong sáu tháng đầu năm 2016 là nguồn cung dầu mỏ trên thị trường giảm mạnh.


Trong khi đó, mức tăng sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC có phần giảm trong bối cảnh giá dầu thô lao dốc. Theo IEA, sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC chỉ tăng 300.000 thùng/ngày trong tháng 11/2015, tức là chậm lại rất nhiều so với mức tăng 2,2 triệu thùng/ngày hồi đầu năm 2015.


Trong bối cảnh các công ty dầu mỏ lớn trên toàn cầu hạ sản lượng và cắt giảm hàng trăm tỷ USD tiền đầu tư trong năm nay và năm tới để hạn chế thua lỗ, thì năm 2016 sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 2008, sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC đi xuống.


IEA dự báo sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC sẽ giảm 600.000 thùng/ngày trong năm 2016, trong bối cảnh Mỹ giảm lượng khai thác dầu đá phiến. Dẫu rằng sản lượng của Mỹ giảm đáng kể, song thị trường dầu mỏ sẽ cần thời gian dài hơn nữa để có thể cân bằng trở lại.


Tờ thời báo tài chính The Financial Times của Anh dẫn nhận định của giới phân tích tại nước này cho rằng, tất cả những động thái cắt giảm sản lượng hay đầu tư đối với các hoạt động khai thác chưa thể cảm nhận rõ được trước năm 2017.


Xét từ góc độ khác, kinh nghiệm từ những đợt giá dầu lao dốc trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây cho thấy các quỹ đầu cơ thường xuất hiện và mua với khối lượng lớn nếu họ tin rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua. Giá dầu thô Brent trung bình trong năm 2015 ước tính thấp hơn 44% so với năm 2014, song các quỹ này dường như vẫn chờ giá dầu thô hạ sâu hơn nữa.


II. NƯỚC MỸ VÀ NHỮNG TOAN TÍNH


Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ vốn tồn tại suốt 40 năm qua tại nước này. Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm sâu xuống dưới 30USD/thùng, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua, quyết định được nhìn nhận là sự thay đổi lịch sử trong chính sách năng lượng của Mỹ này có vẻ như là quân bài chính trị nhiều hơn là kinh tế.


Bật đèn xanh


Dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu nằm trong gói dự luật chi tiêu và giảm thuế trị giá 1.800 tỷ USD được Thượng viện Mỹ phê chuẩn với 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống. Thượng viện Mỹ đã cho phép xuất khẩu dầu thô, đồng thời tiếp tục gia hạn quyết định giảm thuế thêm 5 năm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển nguồn năng lượng xanh nhằm thúc đẩy khai thác năng lượng tái tạo. Các động thái này đánh dấu thay đổi trong chính sách năng lượng của các nghị sĩ Cộng hòa và là một phần trong thỏa thuận “hai bên cùng có lợi” của các nghị sĩ của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.


Trước đó, dự luật ngân sách đã được Hạ viện thông qua và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngay lập tức ký ban hành sau khi có kết quả tại Thượng viện.


Luật hạn chế xuất khẩu dầu được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1975, khi Mỹ phải chịu tác động xấu do bị các nước Ảrập thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cấm vận dầu để trả đũa việc Mỹ ủng hộ Israel trong cuộc chiến Arab – Israel. Bị cấm vận, kinh tế Mỹ hứng chịu cú sốc lớn và giá dầu toàn cầu tăng vọt. Để độc lập hơn về năng lượng, Mỹ đã lập kho dự trữ dầu thô khẩn cấp năm 1975 và cấm xuất khẩu dầu thô ra thế giới. Thời gian gần đây, các công ty sản xuất dầu của Mỹ đã vận động hành lang ráo riết để Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu vì cho rằng lệnh cấm này đã lạc hậu và không cần thiết.


Bước đi nhiều toan tính

 

Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ của Quốc hội Mỹ đã vấp phải những phản ứng trái chiều. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ, việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô sẽ giúp Mỹ bảo đảm an ninh dầu mỏ, tạo nguồn cung mới cho các đối tác và đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á, giảm phụ thuộc vào nguồn cung của OPEC và Nga. Ngoài ra, nhiều công ty Mỹ cũng được hưởng lợi từ chính sách nới lỏng này, trong đó phải kể đến Exxon Mobil Corp, ConocoPhillips và Chevron. Trong khi đó, những ý kiến phản đối cho rằng động thái này sẽ ảnh hưởng đến môi trường và nguy cơ gia tăng các vụ tràn dầu.

 

Từ góc độ kinh tế, quyết định trên được xem là sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn. Các chuyên gia kinh tế lý giải, xuất khẩu dầu mỏ khởi sắc sẽ giúp thu hút đầu tư vào hoạt động sản xuất và vận chuyển mặt hàng này, tạo thêm việc làm, giúp nguồn cung dầu khí ổn định hơn, góp phần cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ. Bên cạnh đó, cũng như lập luận ở trên, việc Chính phủ Mỹ “bật đèn xanh” đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ cũng sẽ giúp các đồng minh châu Âu của nước này, vốn đang phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, có thêm lựa chọn.


Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ, chỉ có những tác động về mặt tâm lý hơn là thực sự làm thay đổi tương quan trên thị trường “vàng đen” quốc tế. Nói cách khác, mục đích chính của quyết định này nhằm phục vụ cho các ý đồ chính trị để làm giảm giá dầu trên thị trường quốc tế, qua đó gây áp lực lên nền kinh tế Nga. Trên thực tế, việc hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ sẽ khó có thể nhanh chóng được thực hiện khi Mỹ hiện không có tiềm năng xuất khẩu lớn. Mặc dù hiện sản lượng khai thác khoảng 9 triệu thùng/ngày đêm nhưng mức độ tiêu thụ nội địa của Mỹ cũng khá lớn. Ngoài ra, giá cả hiện tại cũng không thuận lợi cho việc xuất khẩu.


Trong tương lai gần, nguồn cung dầu từ OPEC sẽ tiếp tục dư thừa khi có kế hoạch sản xuất tiến tới con số 32 triệu thùng/ngày. Thế nên, kể cả Quốc hội Mỹ không bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thì giá dầu trên thị trường thế giới vẫn có thể xuống thấp kỷ lục, ở mức 20 USD/thùng. Nhận định này càng có cơ sở trong lúc thị trường chuẩn bị tiếp nhận thêm cả nguồn cung dầu mới từ Iran, sau khi Liên Hợp Quốc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Hệ quả là kho dầu toàn cầu sẽ “tràn” vào mùa Xuân tới.


Sau khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine bùng phát từ cuối năm 2013, bên cạnh các lệnh trừng phạt, Mỹ và các nước châu Âu, được cho là đã có những thỏa ước bí mật với các đồng minh trong OPEC nhằm hạ giá dầu, một đòn đánh khá mạnh vào nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ. Có thể nói, “mũi tên” do Mỹ và đồng minh bắn đi không chỉ nhằm làm suy yếu đối thủ từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà còn mang lại lợi ích không nhỏ cho Washington và nhiều thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) – những quốc gia vốn phải nhập khẩu dầu mỏ.


(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các báo)