Mỹ, Triều Tiên chưa thống nhất lập trường về "phi hạt nhân hóa" 

Tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian gần đây đã trở thành "tiêu điểm", thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế, nhất là vấn đề "phi hạt nhân hóa". Sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27 tháng 4 năm 2018, tình hình bán đảo Triều Tiên đã lắng dịu, với kỳ vọng về những chuyển biến tích cực đối với tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới. 

Sự kiện Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bước qua đường phân định ranh giới hai miền để tham dự cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được coi là dấu ấn mang tính lịch sử trong quan hệ hai miền Nam – Bắc Triều Tiên. Tiếp theo sự kiện này là việc Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 tại Singapore. Đồng thời, Triều Tiên cũng đã quyết định ngừng thử hạt nhân, phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Đây được coi là bước đi tích cực đầu tiên của Triều Tiên trong tiến trình "phi hạt nhân hóa" mà Triều Tiên đã cam kết với Hàn Quốc trong Tuyên bố chung ngày 27 tháng 4 năm 2018.

Tuy đã đạt một số tiến triển tích cực nhưng lập trường của các bên về "phi hạt nhân hóa" chưa thống nhất. Cho đến nay, chưa có bên nào đưa ra định nghĩa rõ ràng về vấn đề "phi hạt nhân hóa" cũng như kế hoạch cụ thể để thực hiện. Cách hiểu về "phi hạt nhân hóa" giữa Mỹ và Triều Tiên cũng còn nhiều khác biệt. Mỹ yêu cầu chương trình hạt nhân của Triều Tiên phải được xóa sổ "hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược", chứ không đơn thuần là đóng cửa các cơ sở phóng tên lửa hay dừng các vụ thử hạt nhân. 

Những diễn biến mới trên Biển Đông

Gần đây, Trung Quốc và các nước ASEAN đã chính thức bắt đầu tiến hành đàm phán thực chất về Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), nhưng trên thực địa đã có những diễn biến phức tạp mới. Trung Quốc đã đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông thông qua việc diễn tập máy bay ném bom trên quần đảo Hoàng Sa, bố trí tên lửa tại các cấu trúc Trung Quốc xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vi phạm Hiến chương Liên Hiệp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN; đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc.

Hành động nói trên của Trung Quốc cảnh báo một xu hướng rất đáng lo ngại. Đó là các nước lớn sử dụng sức mạnh để gây sức ép, đe dọa các nước nhỏ, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước theo quy định của UNCLOS 1982.

Hành động đưa hàng chục tàu cá vào sâu vùng biển của Việt Nam, cách khu vực đảo Lý Sơn khoảng 40 – 50 hải lý, với sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách của Trung Quốc không chỉ vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của luật pháp quốc tế, mà nguy hiểm hơn, hành động đó đã tạo ra và nuôi dưỡng cách hành xử đơn phương vì lợi ích riêng, bất chấp lợi ích chung của khu vực, của cộng đồng quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Hành động đó sẽ làm cho tình hình Biển Đông càng nóng thêm, không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam, mà còn tác động sâu sắc đến hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển an ninh hàng hải, hàng không – những lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố

Những vụ tiến công khủng bố diễn ra gần đây ở Indonesia và Philippines cho thấy những hình thức mới của hoạt động khủng bố ở Đông Nam Á. Sau khi bị đánh bật khỏi các căn cứ ở Iraq và Syria, các tổ chức khủng bố đã có xu hướng chuyển hoạt động về Đông Nam Á – nơi có nhiều quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn như Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei… Đặc biệt, phương thức hoạt động của lực lượng khủng bố có nhiều thay đổi so với trước đây như: chiêu mộ thành viên trẻ hóa lực lượng nhằm vào thanh niên có giáo dục, tầng lớp trung lưu, phụ nữ và thậm chí là trẻ em; triệt để lợi dụng công nghệ hiện đại trong tổ chức hoạt động, nâng cao khả năng giấu kín danh tính, khó bị phát hiện và kiểm soát; xuất hiện "chủ nghĩa khủng bố gia đình", cả bố mẹ và con cái đều sẵn sàng đánh bom tự sát; Myanmar có thể là "điểm nóng khủng bố" tiếp theo ở Đông Nam Á, theo số liệu thống kê của Liên Hiệp quốc, có khoảng 100.000 người Rohingya đã rời khỏi Myanmar bằng đường biển trong vài năm gần đây, nếu không được quản lý tốt, họ có thể bị các nhóm khủng bố chiêu mộ.

Điểm mới của hoạt động chống khủng bố hiện nay là đề cao vai trò của giáo dục; bảo đảm công bằng, bình đẳng cho mọi người dân trên toàn thế giới. Xuất phát từ thực tế những người trẻ tuổi dễ bị cực đoan hóa. Ngoài việc bị lôi cuốn bởi các nội dung tuyên truyền của các tổ chức khủng bố, thì nạn nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng và thiếu nền tảng giáo dục là những nguyên nhân khiến họ đi theo các tổ chức khủng bố. Do vậy, ngoài việc đòi hỏi các nước phải có cách tiếp cận đa phương và hợp tác toàn diện, cuộc chiến chống khủng bố hiện nay không thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự, mà phải tác động vào nhận thức của mỗi cá nhân, phải dành các nguồn lực để phát triển kinh tế, bảo đảm sự công bằng, phát triển xã hội tốt đẹp. Có như vậy mới có thể ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa đang có xu hướng gia tăng của tầng lớp thanh, thiếu niên.

Nhiều nước đang chạy đua vũ trang 

Theo đánh giá của các chuyên gia, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ là khu vực có các nền kinh tế phát triển nhanh nhất, mà còn là nơi có nhiều nền quân sự lớn nhất thế giới. Trong những năm gần đây, khu vực này đã chứng kiến nhiều động thái mới liên quan đến quốc phòng, quân sự như chương trình cải cách, hiện đại hóa quân đội của một số nước theo hướng cắt giảm quân số lục quân, tăng cường lực lượng hải quân và không quân. Mặc dù kinh tế của khu vực bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu, song hầu hết các nước vẫn ưu tiên cho các chương trình mua sắm vũ khí trang bị, hiện đại hóa quân đội. Đặc biệt, xu hướng tăng ngân sách quốc phòng được coi là nguy cơ dẫn đến chạy đua vũ trang trong khu vực.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tổng chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2017 vượt 1,73 nghìn tỉ USD, tăng 1,1% so với năm 2016. Ở châu Á, Trung Quốc là nước có chi tiêu quân sự lớn nhất khu vực (228 tỉ USD), đứng thứ hai thế giới sau Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản được xếp ở vị trí thứ 8 trong danh sách các nước có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới (45,4 tỉ USD), đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp Nhật Bản tăng ngân sách quốc phòng. Ở Đông Nam Á, Singapore là nước có chi tiêu quân sự lớn nhất khu vực, lên tới 10 tỉ USD năm 2017, tiếp theo là Indonesia (8,2 tỉ USD); Thái Lan (6,1 tỉ USD); Malaysia (3,6 tỉ USD); Myanmar (3 tỉ USD) …

 

Một số dự báo trong thời gian tới

Ý tưởng về xây dựng một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” đang đứng trước nhiều cơ hội, song chặng đường phát triển sắp tới sẽ không dễ dàng. Những tồn tại do lịch sử để lại như tranh chấp, bất đồng về biên giới trên bộ và trên biển, nhất là ở biển Hoa Đông và Biển Đông là những vấn đề phức tạp, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Sự thiếu lòng tin chiến lược giữa các quốc gia tiếp tục là rào cản lớn trong hợp tác an ninh khu vực. Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn cũng là một thách thức của ASEAN và các nước trong khu vực. Sự can dự của các nước lớn vào các vấn đề an ninh khu vực ngày càng tăng, mang tính toàn diện và gay gắt hơn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.Để hợp tác khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược, thể hiện tính công khai, minh bạch thông qua những nguyên tắc cốt lõi như thiết lập cơ chế an ninh châu Á – Thái Bình Dương, khuyến khích các nước tránh hành động gây gia tăng căng thẳng trong khu vực.

 

 (Nguồn Trung tâm thông tin công tác tư tưởng Thành phố)