Những câu hỏi đó một lần nữa lại làm cho những người tham dự buổi tọa đàm "Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp nhằm nâng cao sức mạnh nội lực của Doanh nghiệp" chiều 22/7 trăn trở.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc – Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội cho rằng: "Chúng ta đang hội nhập rất mạnh mẽ, đang định hướng xây dựng một nền văn hóa cho doanh nhân, điều đó là hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta không chịu hiểu mình là ai, không chịu thấy các đặc thù riêng của mình mà chỉ vay mượn hoặc sao chép cách làm của thiên hạ, thì chúng ta sẽ gặp phải cú vấp rất lớn".
 
 
Trong khi đó, PGS TS Nguyễn Thị Thu Linh – Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề phát triển nhận định "chúng ta đang xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong bối cảnh thuận lợi và thách thức là 50/50". Bà cũng cho rằng "văn hóa cá nhân của người lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành văn hóa doanh nghiệp".
 
Một đại biểu đưa ra ý kiến "liệu có phải các doanh nghiệp nhà nước khó xây dựng được văn hóa doanh nghiệp?" và "Nếu như chúng ta chưa xác định được cụ thể văn hóa doanh nghiệp là gì, xây dựng nó bắt đầu từ đâu, thì liệu chúng ta có xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp không?".
 
Bà Phạm Thu Hà đến từ tập đoàn công nghệ CMC đặt vấn đề: "Nếu văn hóa cá nhân của người lãnh đạo có ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp, thì liệu những khiếm khuyết của người lãnh đạo có tạo nên một hệ thống khiếm khuyết cho cả doanh nghiệp hay không?"
 
Trước những băn khoăn này, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Linh cho rằng: "Văn hóa doanh nghiệp là màu xanh hay màu đỏ, chứ không phải là tốt hay xấu".
 
Ông Nguyễn Cảnh Bình – Giám đốc công ty sách Alphabooks đưa ra quan điểm: "Văn hóa doanh nghiệp là những thứ vô hình, nằm ngoài văn bản giấy tờ và mọi người ngầm hiểu với nhau".
 
PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân – Phó trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: "Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, triết lý, hành động và cách vận dụng vào việc ra quyết định trong thực tiễn được xây dựng nhằm mục đích hướng tới sự đồng thuận về nhận thức và sự đồng tâm, nhất trí trong hành động".
 
Ông cho rằng, "những câu hỏi cơ bản mà tổ chức, doanh nghiệp ngày nay phải thường xuyên đối đầu là: (1) Những giá trị nào được coi là quan trọng hay có ý nghĩa nhất với tổ chức, công ty; (2) hình ảnh mà tổ chức, công ty muốn tạo ra trong "mắt" những người hữu quan và xã hội về bản thân mình là như thế nào; và (3) tổ chức, công ty phấn đấu vì cái gì, để trở thành cái gì?. Ông khẳng định "chính bản sắc văn hóa tạo ra thương hiệu cho doanh nghiệp".
 
(Theo website lanhdao.net)