Theo thỏa thuận này, số trái phiếu quốc gia Ukraine trị giá 3 tỷ USD niêm yết trên sàn giao dịch Ireland từ tháng 12/2013 đã được Nga mua bằng tiền lấy từ Quỹ phúc lợi quốc gia của Nga. Mặc dù Kiev đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về việc tái cơ cấu lại khoản nợ, nhưng Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã nhiều lần tuyên bố Moscow sẵn sàng đề nghị Tòa Trọng tài Quốc tế, cũng như trực tiếp đề nghị IMF can thiệp nếu vào tháng 12/2015 Ukraine không thanh toán khoản nợ cho Nga. Lần thanh toán một phần khoản nợ gần nhất đã được thực hiện hồi tháng 6/2015.

 


Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa bất ngờ tuyên bố đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3 tỷ USD mà Nga cho Ukraine vay trong vòng 3 năm với sự bảo lãnh của các đối tác có uy tín. Giải thích về “đề xuất bất ngờ” này, nhà lãnh đạo Nga nói rằng Moscow muốn bảo đảm nhận lại được tiền và không đẩy Ukraine vào tình thế khó khăn.


Tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng cho phép Ukraine trả nợ từng bước, với điều kiện phải có sự cam kết bảo lãnh của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) hoặc một trong những định chế tài chính quốc tế. Theo đó, Moscow không buộc Kiev phải trả luôn trong năm nay mà cho phép trả dần mỗi năm 1 tỷ USD trong giai đoạn 2016 – 2018. Theo lý giải của chủ nhân Điện Kremlin, do các đối tác của Nga tin tưởng rằng khả năng tài chính của Ukraine sẽ được cải thiện nên không có lý do gì để hoài nghi rằng Nga sẽ nhận được thậm chí cả 3 tỷ USD vào năm sau và các đối tác của Nga cũng không ngại bảo đảm cho các khoản nợ trên. Ông cũng hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết trước tháng 12/2015.


Hiện chưa rõ nguyên nhân sâu xa khiến Nga thay đổi lập trường. Bởi trước đó, họ kiên quyết từ chối tái cơ cấu nợ cho Ukraine, bắt Kiev phải trả đủ 3 tỷ USD trong năm nay, kể cả lãi. Thậm chí, giới chức Nga còn dọa sẽ tuyên bố Ukraie phá sản nếu Kiev không trả đủ nợ. Khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ phải đình chỉ mọi khoản vay cho nước này, điều đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của nền kinh tế Ukraine.


Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ Nga đồng ý giãn nợ cho Ukraine với điều kiện phải có sự cam kết bảo lãnh của Mỹ hoặc EU, vì trong trường hợp Ukraine không trả được nợ, Mỹ và phương Tây sẽ phải trả nợ hộ cho Kiev. Trước đây Mỹ và EU “đứng ngoài” khoản nợ của Ukraine, nhưng giờ đây họ bị Nga “ép” phải có chân trong khoản nợ này. Nếu đúng vậy, có thể nói đây là một nước cờ cao của Tổng thống Nga Putin, khi vừa tránh cho Nga một sự “tráo trở” của chính quyền Kiev, đồng thời cho thế giới thấy Nga không muốn đẩy Ukraine vào chân tường.


Tái cơ cấu nợ cho Ukraine là điều cần thiết giúp ổn định tình hình ở quốc gia Đông Âu đang rơi vào khủng hoảng này. Theo giới phân tích, bằng cách ủy thác tài chính khoản nợ của Ukraine cho Mỹ và EU, Nga đã ràng buộc trách nhiệm cho hai đối tác này, và như vậy Nga sẽ có cơ hội thương lượng với “những người thực sự làm chủ cuộc chơi”. Trên thực tế, khoản vay 3 tỷ USD được ký trước khi cựu Tổng thống Yanoukovich bị phế truất. Nhưng do cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã đẩy kinh tế nước này vào tình cảnh kiệt quệ, nên Chính phủ Kiev phải đàm phán cơ cấu lại nợ như nhiều quốc gia từng làm khi đứng trước nguy cơ vỡ nợ.


Tháng 9/2015, Ukraine đã khởi động đàm phán về việc tái cơ cấu các khoản nợ công của nước này, trong đó có cả khoản trái phiếu quốc gia của Ukraine niêm yết tại sàn châu Âu mà Nga mua trị giá 3 tỷ USD. Trước đó, Moscow đã cương quyết bắt Kiev trả nợ trong tháng 12/2015, nhưng đáp lại Ukraine đã ra “tối hậu thư” cho “chủ nợ” phải chấp nhận đề xuất của họ về tái cơ cấu các khoản vay. Thậm chí Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk còn dọa sẽ đình chỉ thanh toán khoản nợ 3 tỷ USD nếu Moscow không ngồi vào đàm phán, với lý do Kiev “không thể đối xử với Nga khác với những chủ nợ quốc tế khác”.


Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Moscow không có sự lựa chọn nào khác. Ukraine gần như chắc chắn không thể thanh toán nợ cho Nga trong khi các khoản nợ cũ trước đó vẫn chưa được trả xong, bản thân kinh tế Nga cũng đang gặp khó khăn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nếu Nga không chấp nhận giãn nợ cho Ukraine, Nga cũng không thể đòi được khoản nợ này, và hình ảnh của Nga còn có nguy cơ xấu thêm trong con mắt các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.


(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các báo)