Điều chỉnh để phù hợp

Tổng thống Putin nhấn mạnh, sự đa dạng và phức tạp của các vấn đề quốc tế, những thách thức và nguy cơ mà Nga đang phải đương đầu đòi hỏi phải thường xuyên điều chỉnh chính sách ngoại giao liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân đạo và thông tin. Theo ông, Chiến lược Đối ngoại có điều chỉnh của Nga sẽ hướng tới việc bảo đảm hòa bình quốc tế và ổn định, thiết lập trật tự thế giới công bằng và dân chủ trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Về an ninh, Tổng thống Putin nhấn mạnh nguy cơ xung đột trên thế giới không giảm mà đang gia tăng, chỉ có thể tránh được xung đột bùng phát trên cơ sở đối thoại và hợp tác. Cộng đồng quốc tế cần phải tiến tới xây dựng trật tự thế giới công bằng hơn dựa trên các nguyên tắc trách nhiệm tập thể và an ninh thống nhất không chia cắt. Thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau và thách thức trước các quốc gia phần lớn là thách thức chung. Chỉ có hợp tác, nhân nhượng lẫn nhau mới có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp. Tổng thống Putin cho rằng nguy cơ khủng bố là nguy cơ chính của an ninh quốc tế. Các tổ chức khủng bố đã tìm cách sở hữu vũ khí hóa học và mở rộng hoạt động.

Về quan hệ của Nga với phương Tây, ông Putin tuyên bố khuynh hướng chống Nga của NATO đang nổi lên, NATO đang có những hành động thực tế đối đầu với Nga. Số cuộc tập trận gia tăng, đặc biệt ở khu vực Biển Đen và Biển Baltic. Các hành động của NATO nhằm phá vỡ thế cân bằng chiến lược, song ông Putin khẳng định nước Nga sẽ không để bị cuốn vào chạy đua vũ trang.

Cứng rắn và linh hoạt

Nhìn lại cách thức Điện Kremlin xử lý các mối quan hệ với phương Tây thời gian qua, dễ dàng nhận thấy những điều chỉnh, sự cứng rắn một cách linh hoạt xuyên suốt chính sách đối ngoại của Nga.

Trong quan hệ với châu Âu, đầu năm 2014, nước Nga phải đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế do việc sáp nhập trở lại bán đảo Crimea. Để đối phó với áp lực từ phương Tây, Nga đã hướng sự chú ý của dư luận về phía Đông, đặc biệt là Trung Quốc, với chính sách “xoay trục sang châu Á”. Nga cũng đã ký kết một loạt hiệp định song phương với Trung Quốc, bao gồm thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn dầu được gọi là “Sức mạnh của Siberia”, với mục đích xuất khẩu hơn 38 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc mỗi năm.

Mặc dù quan hệ Nga – Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua không ít biến cố nhưng về lâu dài các nhà phân tích cho rằng, cả EU và Nga sẽ vẫn cần nhau, nhất là để bảo đảm những lợi ích kinh tế. Các nước EU muốn giữ chân Nga, một trong những đối tác thương mại lớn nhất trong nhiều năm qua, đồng thời bảo đảm nguồn cung năng lượng cho thị trường châu Âu. Ngược lại Nga cũng đang rất cần thu hút đầu tư nước ngoài và công nghệ cao, vốn là thế mạnh của các nước Tây Âu, đồng thời thâm nhập nhiều hơn vào thị trường hàng hóa rộng lớn của khu vực này. Đây là lý do mà Tổng thống Putin đã tuyên bố sẵn sàng tìm kiếm thỏa hiệp trên cơ sở song phương để cải thiện mối quan hệ đang xấu đi với EU. 

Trong cuộc chiến chống khủng bố, mặc dù quan hệ  NATO – Nga chưa bao giờ “xuôi chèo mát mái” do tham vọng mở rộng về phía Đông của NATO, Nga luôn chứng tỏ họ có trách nhiệm trong cuộc chiến này. Việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria đã tạo ra những thay đổi về so sánh lực lượng trên thực địa và tác động đến chính sách của các nước trong khu vực. Việc tiến hành chiến dịch không kích IS tại Syria và những kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng không chỉ xác lập lại vị trí không thể thay thế của Nga ở Trung Đông mà còn tạo bước khởi đầu quan trọng cho việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Mỹ và EU, đưa Nga thoát khỏi tình trạng bị cô lập do khủng hoảng Ukraine.

Trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ – một người chơi chính tại chảo lửa Trung Đông – nhà lãnh đạo Nga đã thể hiện sự mềm dẻo cần thiết. 7 tháng sau khi đóng băng quan hệ với Ankara liên quan vụ máy bay quân sự của Nga bị bắn rơi trên vùng trời Syria, trước lời xin lỗi chính thức từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Nga đã nhanh chóng khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Moscow có lý do để việc chấm dứt căng thẳng với Ankara. Một mặt, Nga muốn thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt sự ủng hộ đối với các nhóm phiến quân ở Syria. Mặt khác, quan trọng hơn Nga muốn hạn chế sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ trong các kế hoạch tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực gần biên giới Nga.

Trong một thế giới luôn biến động, đan xen chồng chéo lợi ích giữa các mối quan hệ, một sách lược ngoại giao linh hoạt, đan xen giữa cứng rắn và mềm dẻo để tối đa hóa các lợi ích quốc gia luôn là lựa chọn số một của các nước. Và Nga không phải là một ngoại lệ.

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)