Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.
Tham ô, tham nhũng là tội lỗi lớn
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống, tham nhũng, lãng phí là một trong các biện pháp cơ bản làm cho bộ máy Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, đưa sự nghiệp đổi mới đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm tham ô có những nội dung rộng hơn cả khái niệm tham nhũng. Người chỉ rõ: Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công làm của tư, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế. Sâu sắc hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra một hình thức tham ô tinh vi, khó nhận thấy, đó là tham ô gián tiếp. Ví dụ: Một cán bộ, Chính phủ, nhân dân trả lương hàng tháng đều cho, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ của Chính phủ, của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tệ quan liêu và chủ nghĩa cá nhân chính là căn nguyên sâu xa và trực tiếp, là điều kiện của tham ô, lãng phí. Nơi nào có tệ quan liêu, chủ nghĩa cá nhân phát triển thì ở đó có tham ô, lãng phí; mà quan liêu và chủ nghĩa cá nhân càng nặng thì tham ô, lãng phí càng nhiều. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Những kẻ tham ô đã chiếm đoạt những nguồn lực ấy. Hậu quả nguy hại của tham ô là cản trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng, làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. “Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”, Người viết.
Chống tham ô là cách mạng, là dân chủ
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quan liêu, tham ô, lãng phí là "giặc nội xâm", "bạn đồng minh của thực dân, phong kiến", "kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ". Do đó, chống tham ô là cách mạng, là dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính – Cho nên chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ”. Sự nghiệp xây dựng xã hội mới chỉ có thể thắng lợi khi cách mạng đánh thắng được chủ nghĩa cá nhân và phòng chống có hiệu quả tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Đây là một nhiệm vụ cách mạng khó khăn.
Chống tham ô là thực hành dân chủ và xây dựng xã hội dân chủ. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Quyền lực thuộc về nhân dân. Tất cả tài sản là của nhân dân. Vì vậy, bảo vệ tài sản công, chống tham ô, lãng phí là bảo vệ tài sản của nhân dân, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công". Dân chủ tức là nhân dân làm chủ. Cán bộ là người được giao quản lý tài sản để thực hiện các nhiệm vụ do nhân dân giao phó. Vì vậy, nhân dân có quyền và nghĩa vụ giám sát, phê bình cán bộ, đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, tham ô, lãng phí. Sự tham gia của quần chúng quyết định sự thành công của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Hồ Chí Minh khẳng định: "Cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng".
Trên cơ sở phân tích sâu sắc sự nguy hiểm, chỉ ra bản chất, nguyên nhân của tham ô, lãng phí, quan liêu, Hồ Chí Minh đã nêu ra hàng loạt biện pháp nhằm đấu tranh phòng, chống chúng. Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng, phát động, chỉ đạo và hướng dẫn phong trào phê bình và tự phê bình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn ý thức tự phê bình và phê bình, không phải để đả kích nhau, mà để cùng nhau nhận rõ các sai lầm, khuyết điểm, cùng bàn cách khắc phục, sửa chữa, để thực hiện chức trách, công vụ tốt hơn. Sau khi công khai, thật thà tự phê bình và phê bình, cán bộ, đảng viên phải kiên quyết sửa đổi những sai lầm, khuyết điểm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi các biện pháp giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa là nền tảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Đồng thời, Người nhấn mạnh việc nghiêm trị các hành vi tham ô. Việc xử lý nghiêm khắc hành vi tham ô phải đúng các quy định của pháp luật, không được nể nang người có chức vụ, địa vị, với mục đích bảo vệ công lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe, làm gương cho những người đang hoặc có ý định tham ô. Người khẳng định rõ: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn soi sáng
Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp luật về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Mới đây, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng đã khẳng định một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị là phải: "Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” với 7 phương hướng, giải pháp cơ bản trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí hiện nay ở nước ta.
Đi theo con đường Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay là cuộc chiến "chống giặc nội xâm". Chống ngoại xâm đã khó, "chống nội xâm" còn khó hơn. Vì thế, "Ta phải kiên quyết, kiên trì, làm đi làm lại như đánh răng rửa mặt hàng ngày, bình tĩnh!". Khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng,Tổng Bí thư chỉ rõ: "Đảng phát lệnh là cả bộ máy phải chuyển động, những người đầu ngành phải chỉ đạo bộ máy của mình, thường xuyên có tổng kết, sơ kết". “Mong muốn là phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn, nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Và còn đạo lý của dân tộc ta là nhân ái, nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội, được tiến hành một cách có bài bản. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nói lên ý chí và xu thế tiến công quyết liệt của cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua một cách sống động: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được". Như vậy, thì dù cuộc chiến này còn có rất nhiều khó khăn phức tạp, nhưng nhất định sẽ thành công.
PGS.TS Nguyễn Thế Thắng
(nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực 1)