Quan điểm khác biệt


Phát biểu tại Phiên họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Tổng thống Obama mô tả Tổng thống Syria Assad là “nhà độc tài” và là thủ phạm chính gây ra cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua ở Syria. Ông Obama cũng bác bỏ lập luận cho rằng, “chủ nghĩa độc tài” là cách duy nhất để chiến đấu với các lực lượng như IS.

 


Trong khi đó, Tổng thống Putin tuyên bố, không có cách nào khác ngoài việc phải hợp tác với quân đội của ông Assad để tiêu diệt phiến quân IS. Phát biểu tại ĐHĐ LHQ, ông Putin nói: “Sẽ là một sai lầm lớn nếu từ chối hợp tác với Chính quyền Syria và lực lượng vũ trang của nước này, những người đang phải kiên cường chiến đấu trực tiếp với khủng bố. Chúng ta cuối cùng phải thừa nhận rằng, không ai ngoài lực lượng của ông Assad và các chiến binh người Kurd mới thực sự đang chiến đấu chống IS và các tổ chức khủng bố khác ở Syria”. Ông Putin nhấn mạnh, chỉ có người dân Syria, chứ không phải Tổng thống Mỹ hay Pháp, có quyền quyết định số phận nhà lãnh đạo của mình. Ông chủ Điện Kremlin cũng không loại trừ khả năng tham gia các cuộc không kích chung nhằm vào các mục tiêu của IS. 


Ngoài ra, Mỹ và Nga tiếp tục đối đầu trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Washington chỉ trích Moscow về việc sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014 và hậu thuẫn lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, khẳng định “sự vi phạm chủ quyền” là cơ sở để Mỹ và các nước đối tác áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga chứ thực sự phương Tây không muốn quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh. Về phần mình, ông Putin cáo buộc, cuộc khủng hoảng Ukraine là kết quả của một “vụ đảo chính quân sự do bên ngoài dàn dựng”, ám chỉ tới cáo buộc của Nga mà Mỹ đã bác bỏ rằng Washington đứng đằng sau vụ lật đổ cựu Tổng thống Ukraine thân Nga năm 2014. Ông Putin cũng cho rằng, những lệnh trừng phạt đơn phương như cách mà Mỹ và Liên minh châu Âu áp dụng với Nga trong vấn đề Ukraine không chỉ bất hợp pháp mà còn là “cách thức nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh”.


Tìm kiếm đồng thuận


Bất chấp những căng thẳng ngay giữa cuộc họp của LHQ, song Mỹ đã cho thấy những dấu hiệu xuống nước rõ rệt. Trong phát biểu tại ĐHĐ, lần đầu tiên, Tổng thống Obama tuyên bố sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nước nào, kể cả Nga và Iran – hai nước hậu thuẫn cho Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, để giải quyết cuộc khủng hoảng. Điều này cho thấy, Mỹ phải công khai thừa nhận sức ảnh hưởng của hai nước này ở Syria trong bối cảnh cuộc chiến chống IS của Mỹ chưa có bất kỳ dấu hiệu khả quan nào.


Trong khi đó, khéo léo khai thác thất bại của phương Tây, Nga đang trở thành tác nhân không thể thiếu trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Điều này đã khiến mọi chú ý đổ dồn về New York sau khi đưa ra đề nghị thành lập một liên minh quốc tế rộng rãi, bao gồm cả Syria, để tiêu diệt lực lượng Hồi giáo cực đoan. Sáng kiến này của Moscow đã đẩy vấn đề chống biến đổi khí hậu xuống hàng thứ yếu tại Khóa họp ĐHĐ năm nay. Với việc lên tiếng về vấn đề khủng bố, ông Putin đã đưa nước Nga trở lại trung tâm bàn cờ chính trị quốc tế sau khi bị các nước phương Tây cô lập.


Thời gian gần đây, Nga không ngừng tăng cường sự hiện diện quân sự tại miền Tây Syria, gần Lattaquie, thành trì của gia đình Tổng thống Bashar al-Assad. Từ trước tới nay, Nga vẫn muốn duy trì vai trò của Tổng thống Assad trên sân khấu chính trị Syria. Lập trường này của Moscow ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Chính Tổng thống Mỹ trong bài phát biểu tại LHQ cũng không còn khăng khăng yêu cầu “sự ra đi của ông Assad” là điều kiện tiên quyết để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, mà chỉ khẳng định “cần có tiến trình chuyển giao chính trị phù hợp, với sự giám sát quốc tế”.


Sau khi chỉ trích Nga che chở Tổng thống Assad, Mỹ và phương Tây giờ đây phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để đón nhận sáng kiến của Moscow. Kế hoạch chống khủng bố của Nga được đưa ra trong bối cảnh liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu liên tục oanh kích các căn cứ của IS tại Iraq và Syria nhưng không ngăn được tổ chức Hồi giáo cực đoan củng cố địa bàn hoạt động cả hai quốc gia này.


Trong một diễn biến mới, ngày 30/9, các máy bay của Nga đã không kích 3 địa điểm ở Syria gồm thành phố Rastan, Talbisse ở tỉnh Homs và tỉnh Hama, mở đầu đợt không kích IS. Trong ngày đầu tiên, các máy bay tiêm kích Nga thực hiện khoảng 20 chuyến bay. 


Rõ ràng, dù chưa thật sự và cũng rất khó tìm được sự đồng thuận hoàn toàn với Nga nhưng Mỹ và phương Tây đang phải thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của Nga trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria cũng như cuộc chiến chống lại IS. Trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ thất bại, Washington sẽ buộc phải bắt tay với một nước Nga nhiều ảnh hưởng ở Syria, dù cái bắt tay còn khiên cưỡng.


 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các báo)