Cần tạo hứng khởi cho cán bộ đảng viên, người lao động khi tham gia học Nghị quyết

Báo cáo đề dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tại hội nghị cho biết, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng, các đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc Thành ủy đã từng bước đổi mới phương thức triển khai, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cơ quan, đơn vị mình, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm có tính quyết định đến hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết; xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm cùng với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nghị quyết, phục vụ đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, theo Ban Tuyên giáo Thành ủy, một số cấp ủy chưa quan tâm chỉ đạo công tác tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng, việc tổ chức còn hình thức, chất lượng chưa cao. Có nơi, Bí thư cấp ủy không chủ trì mà giao khoán cho Phó bí thư cấp ủy phụ trách chủ trì việc học Nghị quyết của Đảng, hoặc chỉ làm cho qua đợt mà chưa chú ý đi sâu vào nội dung và chất lượng. Nhiều nơi còn tình trạng sao chép nội dung, chưa thật sự đầu tư xây dựng Chương trình hành động gắn với tình hình thực tiễn của đơn vị, nội dung không có nhiệm vụ trọng tâm, thiếu phân công phân nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Phản ánh một thực tế là có nơi đảng viên cho rằng Nghị quyết của Đảng quá nhiều, nếu dành thời gian để học cho đầy đủ thì không còn thời gian để làm công tác chuyên môn, đồng chí Lê Minh Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) kiến nghị Thành ủy cần nghiên cứu giải pháp để đổi mới việc học tập, quán triệt Nghị quyết, tránh nhàm chán, tạo hứng khởi cho cán bộ đảng viên, cho người lao động khi tham gia học.

Đồng chí Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM nêu thực tế hiện nay, từ Trung ương đến cơ sở ra Nghị quyết quá nhiều. Nếu không có sự đổi mới trong việc ban hành các nghị quyết thì cơ sở rất dễ sa vào "mê hồn trận", không biết phải tổ chức quán triệt, thực hiện các nghị quyết đó như thế nào, chưa kể là việc triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng vốn là nhiệm vụ không phải dễ dàng rồi. Thêm vào đó, hầu hết các nghị quyết đều là lý thuyết chung chung nên báo cáo viên dù nói hay cỡ nào mà không nắm rõ được tình hình thực tế của đơn vị mình đến báo cáo thì cũng khó mà báo cáo hay được.

Từ thực trạng khó khăn, bất cập mà thực tế đặt ra, nhiều ý kiến đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay; đồng thời, đề đạt nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền các nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên, trong công nhân, người lao động, cho người ngoài Đảng; công tác lãnh đạo, phối hợp tổ chức quán triệt, xây dựng Chương trình hành động; những giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng vào nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên…

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng Nghị quyết của Đảng có đi vào cuộc sống hay không thì phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó một yếu tố hết sức quan trọng là phải thường xuyên đổi mới phương thức học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của các cấp ủy đảng. Từng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải coi trọng hơn nữa công tác này, đảm bảo cuộc sống được đưa vào Nghị quyết và Nghị quyết của Đảng sớm được đưa vào cuộc sống.

Tăng cường bồi dưỡng, trang bị kỹ năng truyền đạt cho báo cáo viên

Để Nghị quyết “thấm” đến người nghe, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng cần tăng cường các lớp cập nhật, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng, phương pháp, cách thức, hình thức làm sao để truyền đạt Nghị quyết của Đảng một cách tốt nhất cho Bí thư cấp ủy, báo cáo viên các tổ chức cơ sở đảng. "Thực tế cho thấy nơi nào Bí thư cấp ủy vừa là người trực tiếp tham gia soạn thảo Nghị quyết, lãnh đạo chỉ đạo đề ra Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, vừa có kỹ năng, phương pháp truyền đạt tốt thì Nghị quyết được triển khai và tổ chức thực hiện mang lại hiệu quả cao. Trong trường hợp mời báo cáo viên cấp trên thì báo cáo viên ấy phải chủ động phối hợp với cấp ủy để được cung cấp thông tin, tư liệu, tài liệu để hiểu rõ nhiệm vụ chính trị của đơn vị; về tình hình đội ngũ cán bộ đảng viên, người lao động, sau đó chủ động lên đề cương, thông qua cấp ủy mới tiến hành báo cáo. Nếu kết hợp được cả hai phía, phát huy sở trường, khắc phục sở đoản thì chắc chắn sẽ làm tốt nhiệm vụ triển khai các nghị quyết của Đảng"- TS NguyễnViệt Hùng nhấn mạnh.

 

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị

 

Đồng tình, đại diện Đảng ủy Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đề nghị cần tiếp tục củng cố và phát triển đội ngũ báo cáo viên, đặc biệt ở cơ sở, tránh tình trạng làm qua loa, thiếu tích cực, trông chờ báo cáo viên cấp trên; giao Bí thư cấp ủy chịu trách nhiệm trong việc triển khai Nghị quyết của Đảng; chú trọng tăng cường tính tự giác tự học, tự nghiên cứu trong quá trình học tập, quán triệt và thực hiện nghị quyết của cán bộ, đảng viên.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải nhấn mạnh đến vai trò của Ban Tuyên giáo Thành ủy trong việc đổi mới phương thức học tập và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng. Trong đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy phải nâng chất hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên; mở lớp tập huấn nhiều hơn cho đội ngũ báo cáo viên cấp cơ sở; phải cung cấp nhiều tài liệu hơn nữa cho đội ngũ báo cáo viên và các tổ chức cơ sở đảng.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang đề nghị cần tập trung bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên của TP, đặc biệt là ở cơ sở. Theo đồng chí Tất Thành Cang, đội ngũ báo cáo viên phải có nền tảng kiến thức chung, đầy đủ, rõ ràng; có phương pháp và kỹ năng truyền đạt, đa dạng về hình thức, phong phú, cụ thể về nội dung, làm sao phải thu hút được người nghe. "Phải nắm thật chắc, thật đầy đủ nội dung của Nghị quyết, từ đó chuyển hóa ngôn ngữ của Nghị quyết thành ngôn ngữ của đời sống, tạo sự gần gũi, dễ nghe, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng được truyền đạt. Nếu báo cáo viên chưa thẩm thấu nội dung Nghị quyết thì việc triển khai chỉ là truyền đạt lý thuyết suông, chưa đạt yêu cầu. Báo cáo viên cũng phải có vốn kiến thức trong thực tiễn đời sống, kiến thức thực tiễn càng nhiều thì báo cáo càng thành công” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang chỉ rõ.

Toàn cảnh hội nghị giao ban

 

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang yêu cầu cấp ủy các cấp cần dành thời gian thảo luận, sinh hoạt để bảo đảm tinh thần, nội dung nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn đơn vị mình thông qua những đầu việc cụ thể. Lựa chọn ưu tiên tập trung cái gì, công việc nào, từ đó đề ra chương trình hành động, trong đó nêu rõ từng đầu việc cụ thể, ai tham gia thực hiện và thực hiện như thế nào. Có chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các đầu việc đã đề ra.

“Quan điểm chung là phải xác định cái gì mới thì phải thí điểm, thấy ổn thì mới nhân rộng. Trong điều hành chỉ đạo tổ chức thực hiện phải đầy đủ, không nhẹ việc này, nặng việc khác, như vậy mới đảm bảo việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng một cách toàn diện, hiệu quả” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang lưu ý.

Thiên Linh