Trong năm 2014, sự kiện nổi bật nhất của ngành đối ngoại Việt Nam có lẽ chính là cuộc đấu tranh xung quanh sự kiện giàn khoan Hải Dương – 981. Việc Trung Quốc cuối cùng phải rút giàn khoan ở một chừng mực nào đó có thể coi là một thành công đối với Việt Nam, nhưng đó cũng là một thách thức còn để ngỏ khi hàng loạt câu hỏi vẫn chưa có lời đáp: Liệu Trung Quốc có tái diễn vụ giàn khoan, nếu có thì ở đâu, và nếu không thì Trung Quốc sẽ có hành động gì trên Biển Đông? Quan trọng hơn, Việt Nam cần phải xử lý mối quan hệ với Trung Quốc ra sao trong bối cảnh rộng lớn hơn là các sóng ngầm địa chính trị khu vực đang diễn biến ngày càng phức tạp?

Trước khi đi vào vấn đề chính là quan hệ Việt – Trung, chúng ta cần điểm lại một số nét chính trong tình hình các quốc gia chủ chốt cũng như bối cảnh địa chính trị khu vực, những yếu tố vốn có tác động quan trọng tới cục diện quan hệ song phương.

Bối cảnh các quốc gia chủ chốt

Trung Quốc

Về kinh tế,sau hơn 3 thập niên phát triển liên tục với tốc độ 2 con số, hiện nay tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại ở mức khoảng 7%/năm. Do đó:

+ Trung Quốc tiến hành cải cách cơ cấu nền kinh tế theo hướng từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu sang dựa trên tiêu dùng trong nước và sức sáng tạo của các doanh nghiệp.

+ Trung Quốc cũng tiến hành cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ, vừa giúp củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình, vừa giúp loại bỏ các rào cản, các nhóm lợi ích gây cản trở cải cách kinh tế, đồng thời giúp nâng cao uy tín của Đảng trong bối cảnh trụ cột chính trong tính chính danh của Đảng là thành tích phát triển kinh tế đang gặp khó khăn.

Về đối ngoại,Trung Quốc đã thoát ra ngoài tư thế “giấu mình chờ thời”, bắt đầu công khai và mạnh mẽ cạnh tranh vị thế và ảnh hưởng với Hoa Kỳ trong khu vực và trên thế giới.

+ Trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc đề xướng mô hình “quan hệ cường quốc kiểu mới” nhằm thuyết phục Mỹ không “ngăn chặn” Trung Quốc vươn lên, vừa nhằm đạt được vị thế ngang hàng với Mỹ, qua đó phân chia khu vực ảnh hưởng với Washington.

+ Trung Quốc cũng tỏ ra hung hăng và cứng rắn hơn trong các tranh chấp biển và lãnh thổ với láng giềng. Điều này vừa phù hợp với xu thế chung trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tập Cận Bình, vừa có tác dụng giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc để củng cố sự ủng hộ của người dân trong bối cảnh tính chính danh trong nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng bị thách thức.

Trong năm 2015, Trung Quốc có thể thực hiện “ngoại giao hòa hoãn” do e dè trước phản ứng của cộng đồng quốc tế và lo sợ các nước trong khu vực sẽ nghiêng về phía Mỹ, đi ngược lại mục tiêu lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong dài hạn, với việc Trung Quốc từ bỏ chính sách “giấu mình chờ thời” để theo đuổi tham vọng siêu cường, kết hợp với khó khăn trong nước nhiều khả năng sẽ ngày càng nghiêm trọng, xu thế hung hăng, lấn lướt của Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là trên vấn đề Biển Đông, nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn.

Nhật Bản

Về kinh tế,Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành chính sách Abenomics, với ba “mũi tên” gồm kích thích tài khóa, nới lỏng tiền tệ và cải cách cơ cấu. Tuy nhiên, năm 2014 chính sách này đã bị “hụt hơi” khi nền kinh tế bị co lại 2%, trong đó một nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là việc chính quyền Abe tăng thuế tiêu dùng quá sớm (vào tháng 4/2014) từ mức 5% lên 8%, khiến lòng tin của người tiêu dùng sụt giảm, tác động tiêu cực tới phục hồi kinh tế.

Trong bối cảnh đó, ông Abe đã tuyên bố giải tán Quốc hội và bầu cử sớm vào ngày 14/12/2014. Kết quả Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã tiếp tục giành thắng lợi áp đảo, qua đó giúp ông Abe có nhiều thời gian hơn để tiếp tục thực hiện chính sách Abenomics cũng như các thay đổi về chính sách đối ngoại.

Về chính sách đối ngoại,chính quyền Abe đã diễn dịch lại hiến pháp để cho phép quân đội Nhật có vai trò lớn hơn.

+ Nhật tiếp tục đề cao hợp tác quân sự với Mỹ thông qua liên minh Mỹ – Nhật, nhưng chính quyền Abe muốn tự chủ lớn hơn và bớt phụ thuộc hơn vào Mỹ về quốc phòng.

+ Nhật cũng thể hiện xu hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc, như quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, phản đối Khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) của Trung Quốc thiết lập trên biển Hoa Đông… 

Nay với việc Abe tiếp tục khởi đầu một nhiệm kỳ mới, các chính sách đối ngoại và an ninh mạnh mẽ của ông sẽ hầu như chắc chắn được duy trì và thúc đẩy, đưa Nhật tái trỗi dậy thành một cường quốc “bình thường” với sức ảnh hưởng đồng thời cả về kinh tế lẫn quân sự trong khu vực và trên thế giới.

Nga

Về kinh tế,sau khi sáp nhập Crimea, nước Nga của Putin đã phải vật lộn trong khó khăn để đương đầu với các lệnh trừng phạt của phương Tây, bên cạnh các khó khăn kinh tế chồng chất do giá dầu thế giới giảm và tình trạng rớt giá của đồng Rúp.

Về chính sách đối ngoại,do bị phương Tây cô lập nên Nga đã tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích, bao gồm cả các quan chức Mỹ, đều cho rằng giữa hai nước vẫn còn những khác biệt lớn về sự quan tâm, mục tiêu, lợi ích… nên sự gần gũi gia tăng giữa hai nước thời gian qua chủ yếu mang tính chiến thuật chứ không phải là một liên minh chiến lược lâu dài.

Trong bối cảnh đó, mối bận tâm chính của chính quyền Putin trong thời gian qua cũng như sắp tới chủ yếu là vấn đề Ukraine và quan hệ với phương Tây chứ không phải khu vực Thái Bình Dương. Cụ thể, trước áp lực của phương Tây, Nga nhiều khả năng sẽ phải nhún nhường, tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Đông Ukraine và Crimea để dần dần bình thường hóa quan hệ với phương Tây. Vì vậy, xu hướng chính sách đối ngoại Nga trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến chính trị trong nước của Nga, đặc biệt là vị thế của Tổng thống Putin.

Mỹ

Về kinh tế,trái với các quan điểm cho rằng Mỹ đang trượt dài vào thời kỳ suy thoái, sức mạnh kinh tế và quyền lực quốc gia nói chung của Hoa Kỳ vẫn được duy trì và thúc đẩy. Cụ thể, mặc dù một vài ước tính cho rằng GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của Trung Quốc đã vượt Mỹ trong năm 2014, song trên thực tế, về cơ bản Mỹ duy trì được khoảng cách xa về kinh tế so với Trung Quốc.

Đặc biệt là ngành sản xuất dầu lửa đã phát triển mạnh nhờ vào công nghệ khai thác dầu đá phiến. Cụ thể, chỉ trong vòng năm năm, công nghệ này đã đưa sản lượng dầu của Mỹ tăng gần gấp đôi từ mức 5 triệu thùng/ngày năm 2008 lên 9 triệu  thùng vào năm 2014.

Về đối ngoại và quân sự,Mỹ đang giảm dần sự can dự vào khu vực Trung Đông, một phần do sự “mệt mỏi chiến lược” vì những can dự kéo dài nhưng kém hiệu quả ở khu vực này, một phần do tầm quan trọng chiến lược của khu vực có xu hướng giảm sút trong mắt Washington.

Trong khi vẫn phối hợp với EU và các đồng minh trong các vấn đề như Ukraine hay không kích Nhà nước Hồi giáo, Mỹ sẽ tập trung nhiều sự chú ý hơn vào khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách “tái cân bằng” sang khu vực, đồng thời thúc đẩy việc gắn kết, tăng cường sức mạnh của các nước đồng minh và đối tác, biến họ trở thành các quốc gia giàu mạnh và thực sự độc lập để có thể giúp hạn chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời giúp Mỹ có được vị thế tốt hơn nhằm đối phó với sự trỗi dậy ngày càng không êm ả của Bắc Kinh.

Xu hướng địa chính trị khu vực  

Một xu hướng địa chính trị khu vực đang ngày càng trở nên nổi trội, đó chính là việc Mỹ cùng các đồng minh ngày càng bất an trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc nước này công khai thách thức trật tự khu vực, nhất là vị thế siêu cường của Mỹ. Xu hướng này khiến cho khu vực nhiều khả năng sẽ bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong vòng khoảng 20 năm tới.

Về mặt lý thuyết,nếu Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy và thách thức Mỹ, mâu thuẫn và xung đột giữa hai cường quốc là không thể tránh khỏi. Quy luật này đã được chứng minh nhiều lần trong lịch sử, và sẽ tiếp tục là logic trường tồn của chính trị hiện thực trong quan hệ quốc tế.

Về mặt thực tế,hiện nay cục diện địa chính trị khu vực đang dần đi theo hướng dự báo của thuyết “chuyển giao quyền lực”. Cụ thể, trong khi Trung Quốc (cường quốc đang lên) tìm cách mở rộng ảnh hưởng, tranh giành quyền lực với Mỹ (cường quốc thống trị), thì Mỹ đang âm thầm cố gắng tìm cách kiềm chế Trung Quốc.

Vì vậy trong tương lai, mức độ kiềm chế của Mỹ và đồng minh đối với Trung Quốc sẽ biến chuyển tùy theo mức độ hung hăng và thách thức mà Trung Quốc theo đuổi trong chính sách đối ngoại của mình. Ngoài ra, về phía Mỹ, nếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 một ứng cử viên Cộng hòa đắc cử thì nhiều khả năng Mỹ sẽ có một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn, nhất là trong quan hệ với Trung Quốc.

Vậy xu hướng địa chính trị khu vực này sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam, và Việt Nam cần phải ứng phó ra sao?

Lựa chọn chiến lược của Việt Nam

Nếu không có tranh chấp Biển Đông thì Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi hơn nhiều để duy trì một chính sách hòa hiếu cùng mối quan hệ ổn định với Trung Quốc. Thế nhưng, với việc Trung Quốc ngày càng thực hiện các chính sách hung hăng thì việc duy trì một chính sách ngoại giao hòa hiếu truyền thống với Trung Quốc đang ngày càng khó khăn.

Dư luận quan tâm chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc phải chăng đang đối mặt với hai lựa chọn căn bản: ưu tiên quan hệ hữu hảo với Trung Quốc hay ưu tiên chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ?

Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, lựa chọn này luôn được đặt ra cho các nhà lãnh đạo Việt Nam, và câu trả lời luôn rõ ràng: Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là tối thượng. Đã có những lúc Việt Nam tỏ ra hòa hiếu với Trung Quốc, nhưng đó là khi Trung Quốc không trực tiếp đe dọa chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hoặc sau khi Việt Nam đã đánh bại các cuộc xâm lược của các đội quân phương Bắc. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại nhún nhường, mềm yếu trước Trung Quốc khi Trung Quốc tìm cách xâm lược hoặc đe dọa Việt Nam.

Chúng ta vẫn luôn coi chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích tối thượng. Vấn đề đặt ra là cần xác định Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam đến mức nào để quyết định nên hòa hiếu hay cứng rắn với Trung Quốc. Nếu mối đe dọa Trung Quốc chưa lớn mà chúng ta quá cứng rắn thì sẽ gây căng thẳng không cần thiết, ngược lại nếu mối đe dọa lớn mà chúng ta nhún nhường, mềm yếu sẽ càng khuyến khích Trung Quốc lấn tới, làm phương hại lợi ích quốc gia.

Trong tương lai gần, việc Trung Quốc đưa các giàn khoan xuống Trường Sa và bãi Tư Chính, thiết lập ADIZ trên Biển Đông, tăng cường quân sự hóa các điểm chiếm đóng, thậm chí tìm cách khống chế các tuyến đường biển của Việt Nam hay xâm lược các đảo của Việt Nam đang nắm giữ… là những khả năng không thể bị loại bỏ, nếu không muốn nói đó chỉ là vấn đề thời gian.

Trong bối cảnh đó, ngoài việc nâng cao nội lực về kinh tế, quốc phòng, xây dựng sự đoàn kết và đồng thuận trong cũng như ngoài nước, Việt Nam cần tranh thủ tận dụng các diễn biến địa chính trị khu vực để nâng cao vị thế chiến lược của mình, góp phần kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.

Tranh chấp Biển Đông hiện tại gồm ba tầng nấc, với tầng nấc ngoài cùng đang trở nên ngày càng quan trọng là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều này biến Biển Đông trở thành một trong những “chiến trường” cho sự đối đầu giữa hai cường quốc. Một câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh đó, Việt Nam có nên can dự vào cuộc đối đầu này để rồi trở thành “nạn nhân” của một cuộc đấu đá giữa các cường quốc hay không?

Với vị trí địa lý của mình, đặc biệt là do các lợi ích đan xen, chồng chéo, Việt Nam không thể đứng ngoài các diễn biến địa chính trị khu vực. Điều chúng ta có thể làm chỉ là làm sao hạn chế được tối đa các tác động tiêu cực của cuộc đối đầu này lên chúng ta mà thôi.

Để làm được điều này, chúng ta cần chủ động can dự vào các diễn biến địa chính trị khu vực, góp phần định hình các diễn biến đó (nếu có thể), hoặc ít nhất nắm bắt được các thông tin, diễn biến, can dự vào ý đồ của các cường quốc để không phải trở thành kẻ ngoài lề, bị động đối phó, và rốt cuộc sẽ trở thành “nạn nhân” trong ván cờ giữa các nước lớn.

Hiện tại, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam có hai vũ khí quan trọng có thể khiến Trung Quốc e sợ, đó là các lựa chọn pháp lý và tận dụng sức mạnh quốc tế.

 Tuy nhiên, trong khi phát súng pháp lý chưa thật sự sẵn sàng và một khi bắn ra sẽ không thể thu hồi lại, thì theo tận dụng các quan hệ quốc tế linh hoạt là một biện pháp linh hoạt và hiệu quả hơn mà Việt Nam có thể thực hiện để răn đe Trung Quốc.

Sức mạnh quốc tế đánh vào tâm lý sợ bị bao vây, “ngăn chặn” của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn Việt Nam ngã vào tay một cường quốc đối địch, vì vậy nếu Việt Nam dịch chuyển theo hướng đối ngoại linh hoạt thì Trung Quốc sẽ phải cân nhắc trong hành động để không đẩy Việt Nam ra quá xa.

Như vậy, trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các hành động hung hăng mang  tính cưỡng bức trên Biển Đông, Việt Nam cần tận dụng các biến đổi địa chính trị khu vực để giành thế chiến lược có lợi cho mình. Trong khi tìm mọi cách cố gắng duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, chúng ta cũng nên sẵn sàng theo đuổi các mối quan hệ với các đối tác ở các lĩnh vực và mức độ khác nhau để đối phó với các mối đe dọa trên Biển Đông.

(Nguồn tổng hợp từ Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố )