Tái cơ cấu tổ chức tín dụng có nhiều bước chuyển toàn diện
Sau hơn 3 năm triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đến nay, hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm 14 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đánh giá của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Trong những năm qua, hoạt động mua bán, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng diễn ra mạnh mẽ và an toàn; không chỉ diễn ra giữa tổ chức tín dụng yếu kém với tổ chức tín dụng bình thường, mà còn diễn ra giữa các tổ chức tín dụng bình thường với nhau, hoặc giữa tổ chức tín dụng trong nước với tổ chức tín dụng nước ngoài, trên nguyên tắc tự nguyện và đúng pháp luật.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước, phấn đấu đến cuối 2015 hình thành được 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.
Về tổng thể, để thực hiện thực hiện hiệu quả quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu thì toàn ngành phải từng bước thông qua nhiều giải pháp đồng bộ.
Tạp chí The Bankercông bố: Kết quả cơ cấu lại ngân hàng đã góp phần đưa 11 ngân hàng của Việt Nam lọt vào danh sách 1.000 ngân hàng thế giới năm 2014. Ngoài ra, trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong top 10.
Đặc biệt là, theo đánh giá của cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, khối ngân hàng thương mại cổ phần đã có những chuyển biến khá toàn diện; Có nhiều thay đổi căn bản về số lượng thành viên, tình hình tài chính và thị phần hoạt động.
Cũng từ nhận định của cơ quan thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, khối ngân
hàng trên đã tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn, lành mạnh tài chính.
Tái cơ cấu ngân hàng đang đi đúng hướng
Đến nay, về cơ bản, các ngân hàng đủ số lượng và cơ cấu hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc, hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ được xây dựng, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Tính đến tháng 10/2015, ước tính trên 98% số nợ xấu xác định tại thời điểm 9/2012 đã được xử lý tương ứng với gần 458.000 tỉ đồng. NHNN đã nhận diện nợ xấu ở thời điểm đó tương đối sát (465.000 tỉ đồng). Mục tiêu năm 2015 là đưa tỉ lệ nợ xấu về dưới 3%, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, đã đưa nợ xấu về dưới 3% trước 30/9 (2,93%). Kết quả đạt được với việc xử lý nợ xấu là 45% đang ở VAMC, xử lý 28% nợ xấu nhờ dự phòng rủi ro, 27% còn lại giải pháp khác là thu nợ và xiết nợ. Tuy nhiên, tính pháp lý là rào cản việc các đơn vị nước ngoài mua lại nợ xấu theo giá thị trường.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu, nhưng ngành ngân hàng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để phát triển một hệ thống ngân hàng an toàn, lành mạnh, bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn, dich vụ ngân hàng cho nền kinh tế trong giai đoạn phát triển mới và hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng hơn.
Cần xử lý những “nút thắt”
Thứ nhất, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp NHNN thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, triển khai các biện pháp miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của TCTD được cơ cấu lại. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng sau khi thực hiện mua lại, sáp nhập, hợp nhất; miễn, giảm thuế, phí hợp lý đối với quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Thứ hai, cần có các biện pháp xử lý các nút thắt về tài sản đảm bảo, hỗ trợ các TCTD đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả xử lý tài sản đảm bảo phù hợp với các điều khoản thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong toàn hệ thống.
Thứ ba, xem xét tăng vốn cho các Ngân hàng thương mại nhà nước để tăng năng lực tài chính của các Ngân hàng thương mại nhà nước, bảo đảm đủ mức vốn tự có theo tiêu chuẩn an toàn vốn.
Thứ tư, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa tái cấu trúc các TCTD với tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, tái cơ cấu nông nghiệp.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ
các tạp chí chuyên ngành)