Đây là Hội nghị quy mô cấp quốc gia với sự tham dự của hơn 3.500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, trung ương, địa phương, đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội, nhà đầu tư nước ngoài, trong nước và nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Kết quả của Hội nghị cho thấy Việt Nam ta đã có tầm nhìn mới trong thu hút đầu tư nước ngoài và đã chủ động tạo nhiều thuận lợi cũng như nắm bắt những có hội mới trong lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng này.

FDI đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam

Bước đầu đổi mới, từ năm 1987, Việt Nam đã mở cửa nền kinh tế và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Trong hơn 30 năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tính đến tháng 8 năm 2018, đã có hơn 26.500 dự án FDI đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD; đóng góp gần 20% GDP. Đây được xem là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 58% tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, đã tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. 

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này chiếm tỷ trọng ngày càng cao, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng năm 2018; số thu nộp ngân sách tăng đều qua các năm, đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt là đã tạo ra gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp.

Trên lĩnh vực kinh tế, đầu tư nước ngoài là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam với mức đóng góp trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% vào năm 1995 lên 19,6% vào năm 2017; và đóng góp đáng kể vào việc phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao ở Việt Nam như tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục – đào tạo, y tế, du lịch… Đồng thời, đầu tư nước ngoài còn là nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Bên cạnh đó còn tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Gần đây, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng tăng nhanh, góp phần quan trọng giúp cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Trong 30 năm qua, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến ở một số ngành, lĩnh vực; tác động lan tỏa nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước, góp phần nâng cao trình độ công nghệ và quản trị của nền kinh tế.

Trên lĩnh vực xã hội, khu vực đầu tư nước ngoài góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; nhiều vị trí việc làm do chuyên gia nước ngoài đảm nhận đã được thay thế bằng lao động Việt Nam. Việc làm trực tiếp trong khu vực này tăng từ 330.000 người trong năm 1995 lên khoảng 3,6 triệu người trong năm 2017; tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 5 – 6 triệu lao động. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ, tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý; quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác. Việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước, hợp tác và hội nhập quốc tế.

Việt Nam – địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả 

Những kết quả đạt được trong 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của đất nước. Có thể nói, thu hút đầu tư nước ngoài luôn “song hành” với sự nghiệp đổi mới và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương “mở cửa” của đất nước. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo năm 2017 của Tổ chức Thương mại Thế giới ghi nhận, Việt Nam nằm trong top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài trên thế giới.

Nhìn chung, khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành cùng lớn lên với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những thành viên tích cực. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ mở theo hướng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài một bộ quan trọng của nền kinh tế. 

Đến nay, Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác đầu tư nước ngoài” với nội hàm mở rộng hơn: hợp tác đầu tư nước ngoài cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt nhấn mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Bên cạnh đó hợp tác có tính chủ động, bình đẳng, lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Việt Nam đang ở trong những năm cuối cùng thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội       giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện các mục tiêu phát triển này, đòi hỏi phải tiếp tục huy động nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển. Bên cạnh phát huy tối đa nguồn lực trong nước, cần kết hợp hài hòa sử dụng nguồn vốn nước ngoài. Trong bối cảnh huy động các nguồn vốn từ bên ngoài như vốn ODA đang giảm dần, nguồn vốn đầu tư gián tiếp chưa ổn định thì đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vai trò quan trọng. 

Để tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, trước hết phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính, tư pháp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế; bảo đảm vận hành hiệu quả các loại thị trường; thúc đẩy thị trường hóa các nhân tố sản xuất; tập trung khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước…

 

 

Trong thời gian tới, việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài phải đi vào thực chất hơn, cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng chiều sâu; đảm bảo phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và trình độ, năng lực sáng taạo của lực lượng lao động Việt Nam…

Việt Nam mong muốn hợp tác đầu tư mang lại hiệu quả hợp tác cho cả nhà đầu tư, Nhà nước, xã hội và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư nước ngoài; tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn, miền núi. Riêng khu vực thành phố, thị xã phát triển thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao… Đây là quan điểm nhân văn của phát triển bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển với mọi người dân. 

 (Nguồn Trung tâm Thông tin Công tác Tư tưởng Thành phố)