Qua các vụ án lớn ở Trung Quốc thời gian gần đây cho thấy 3 vấn đề:

 

Thứ nhất, trong quá trình cải cách thể chế, Trung Quốc còn nhiều “lỗ hổng”. Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, trải qua nhiều thời đại, chế độ tập quyền ở Trung ương không đủ sức vươn đều tới mọi vùng xa xôi hẻo lánh. Chính vì vậy, dẫn tới tình trạng “trên có chính sách, dưới có đối sách”. Nếu không cảnh giác loại trừ thì Trung Quốc khó mà thành công trong quá trình phát triển của mình.

 

Thứ hai, muốn cho đất nước giàu mạnh thì Chính phủ phải dựa vào đội ngũ cán bộ và phải có cơ chế quản lý cán bộ. Trải qua mấy chục năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế – xã hội, nhưng thiếu quan tâm chính sách tiền lương, thiếu bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ nên đã hình thành thế “mất cân bằng”, khiến nảy sinh tham nhũng. 

 

Thứ ba, qua các vụ án lớn, ngoài việc nghiêm trị, loại bỏ một số cán bộ thoái hóa, biến chất, nó còn để lại nhiều “di chứng” không thể coi nhẹ làm cản trở sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế tài chính, gây thất thu ngân sách, làm chậm bước tiến của Trung Quốc trên con đường hội nhập thế giới.

 

Thực tế tệ nạn tham nhũng những năm gần đây ở Trung Quốc cho thấy những đặc điểm cơ bản sau:

 

– Quy mô tham nhũng trong bộ máy quan chức của Đảng, Nhà nước đang có xu hướng gia tăng. Hình thức biểu hiện của tham nhũng cũng đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

 

– Những kẻ tham nhũng phần lớn là “các cán bộ chủ chốt” trong Đảng và Chính quyền, phần lớn các vụ án tham nhũng nếu phát hiện thường kéo theo một vụ án khác, nếu bắt một người sẽ dẫn tới nhiều người khác.

 

– Quan chức tham nhũng “người trước ngã, người sau tiến”. Thực tế cho thấy, những kẻ đi sau không phải rút kinh nghiệm chuyện vi phạm kỷ cương, luật pháp của những kẻ đi trước để răn mình, mà họ rút kinh nghiệm để lại “dấn sâu” vào tội lỗi. Điều đó chứng tỏ tính tham lam của những phần tử thoái hóa, biến chất.

 

– Chợ đen quyền lực, bán quan có giá. Hồ Kiến Học – nguyên Bí thư Thành ủy Thái An (tỉnh Sơn Đông), trong nhiệm kỳ 5 năm của mình đã lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ tổng cộng trên 600.000 nhân dân tệ từ việc “phong quan, bán chức”. Trịnh Nguyên Thịnh – Nguyên Bí thư huyện Quảng Phong (tỉnh Giang Tây) chỉ trong vòng 3 năm, bằng việc “phong quan, bán chức” đã thu của cấp dưới trên 300.000 Nhân dân tệ… Nguyên tắc trao đổi hàng hóa trong nền kinh tế thị trường đã xâm nhập vào đời sống chính trị và tổ chức của Đảng, Nhà nước làm cho một số cán bộ lãnh đạo mờ mắt vì tiền, ngang nhiên vi phạm nguyên tắc tổ chức cán bộ.

 

Nhận thức rõ về sự nguy hiểm của tham nhũng đối với sự tồn vong của Đảng và Nhà nước, kể từ sau Hội nghị Trung ương 3 Khóa XI, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng quan tâm đến công tác cải cách chế độ cán bộ và phát triển nó theo chiều sâu, coi đây là một trong những giải pháp có tính chất quyết định về phòng, chống tham nhũng.

 

Một số nội dung cơ bản về cải cách chế độ cán bộ ở Trung Quốc như: Nâng cao trình độ dân chủ và công khai trong công tác tuyển chọn, đề bạt cán bộ; từng bước hoàn thiện công tác sát hạch cán bộ lãnh đạo; mở rộng phạm vi và mức độ giao lưu cán bộ;tăng cường giám sát công tác cán bộ và cán bộ lãnh đạo.

 

Đặc biệt, là phương châmcán bộ lãnh đạo “có lên cũng có xuống”, đầu tiên là quan tâm đến khâu đề bạt, cất nhắc cán bộ, tức là phải chọn người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc, sau đó việc bãi miễn cũng là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Có 4 tình huống “xuống” của cán bộ: một là, cán bộ đến tuổi nghỉ hưu; hai là, cán bộ hết nhiệm kỳ; ba là, cán bộ vi phạm kỷ luật hoặc vì một lý do nào đó; bốn là, những cán bộ không đảm đương được nhiệm vụ, phải điều chỉnh thường xuyên. Đối với ba trường hợp đầu đã có chế độ quy định rõ ràng, riêng trường hợp thứ tư phải điều chỉnh kịp thời những cán bộ lãnh đạo không đảm đương được nhiệm vụ vẫn còn đang là một vấn đề khó khăn, phức tạp hiện nay.

 

Để “khai thông đường xuống” của cán bộ, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp “sáng tạo” như:

 

– Chế độ thử việc: Đối với cán bộ mới được đề bạt quy định thời gian thử việc từ 1 – 2 năm. Sau khi hết hạn thử việc phải thông qua thi tuyển hoặc dân chủ bình chọn lại để xem xét quyết định.

 

– Chế độ đào thải: Bất cứ ai, hễ qua thi tuyển hằng năm mà không đạt, hoặc nhiều năm liền thi tuyển chỉ được xếp hạng thấp, làm việc bê bối, không đảm nhiệm được nhiệm vụ thì phải hạ chức, miễn chức, thay đổi chức vụ lãnh đạo hoặc xử lý kỷ luật.

 

– Chế độ chờ nghỉ công tác: Trong thời gian triển khai nghị quyết về xây dựng hai nền văn minh (văn minh tinh thần và văn minh vật chất), thành phố Kim Đàn (tỉnh Giang Tô) đã xử lý giáng chức và chờ nghỉ công tác đối với 9 cán bộ đã từng là cán bộ chủ chốt.

 

– Chế độ từ chức: Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã động viên, cổ vũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành gương mẫu đệ đơn xin từ chức nếu thấy không đảm đương được nhiệm vụ.

 

Đồng thời với việc quan tâm đến chuyện “xuống” của cán bộ, Trung Quốc luôn chú ý đến cả vấn đề đề bạt lại những cán bộ xét thấy có biểu hiện vươn lên rõ ràng nổi bật được quần chúng công nhận.

 

Ở Việt Nam, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nạn tham nhũng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Tham nhũng đã trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng hiện nay. Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã chỉ rõ: “…Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”. 

 

Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, cũng chỉ rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng, ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

 

Thông qua thực tiễn của Trung Quốc, kinh nghiệm này phần nào cũng có ý nghĩa đối với nước ta trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chúng ta có thể nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tế trong nước. Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam kiên quyết chặn đứng, đẩy lùi và từng bước loại trừ tệ nạn tham nhũng, làm cho Đảng trong sạch, Nhà nước vững mạnh, giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

 

(nguồn Tạp chí Cộng sản)