Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

 

 

Trách nhiệm tài chính

 

Khi ông David Davis, Bộ trưởng phụ trách đàm phán Brexit của Anh và Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier mặt đối mặt trên bàn thương lượng, khá nhiều tranh cãi kịch liệt đã nảy sinh. Có lẽ trong bất kỳ cuộc “li hôn” nào, vấn đề gây tranh cãi nhất vẫn là tiền nong. EU muốn Anh giải quyết trách nhiệm tài chính bao gồm các khoản nợ và những khoản chưa thanh toán được tích lũy trong 44 năm làm thành viên. Khoản tiền trên được ước tính là vào khoảng 75 tỷ euro, mặc dù ông Michel Barnier chưa xác nhận bất kỳ  con số nào và không ép xứ sở sương mù phải ký kết về số tiền này cho tới giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán. Thay vào đó, EU muốn Anh nhất trí về phương pháp tính tổng. Theo các nhà phân tích, EU chưa đưa ra số tiền cuối cùng là vì muốn để ngỏ một biên độ đàm phán với nước Anh và không muốn dồn ép chính phủ của bà May vào thế khó ngay trong giai đoạn đầu đàm phán bởi tại nước Anh, chủ đề phải trả khoản tiền khổng lồ khi rời Liên minh châu Âu vẫn tương đối nhạy cảm.

 

 

Tòa án Công lý châu Âu

 

 Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) là một trong 7 thể chế chính trị chính của EU có thẩm quyền tư pháp đối với các vấn đề liên quan đến luật pháp của Liên minh. Vì vậy, không có gì lạ là EU và Anh đang phải đàm phán căng thẳng về nó. Vai trò của tòa án trong đời sống Anh sau Brexit đã chứng tỏ đây là một vấn đề chia rẽ sắc nét nhất cho đến nay. Thủ tướng Theresa May đã thề sẽ chấm dứt thẩm quyền của ECJ, vốn là chủ đề quan tâm của phái Bảo thủ ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, EU cho rằng ECJ là cần thiết để đảm bảo quyền của 3,5 triệu công dân EU đang sống ở Vương quốc Anh sau Brexit. Ông Barnier nói: “Chỉ có tòa án mới có thể giải thích luật của EU. Nó không phải là lựa chọn mà là nghĩa vụ. Chúng tôi muốn công dân của mình được bảo vệ theo luật của EU”. EU cũng muốn tòa án đóng vai trò giải quyết bất kỳ tranh chấp nào đối với hàng hóa quá cảnh khi Brexit chính thức hoàn tất, dự kiến vào cuối tháng 3 năm 2019, cũng như bảo đảm rằng các vụ kiện đang chờ giải quyết của Anh sẽ được kết luận trước tòa.

 

Quyền đi lại của công dân

 

Cả EU và Anh đều nhấn mạnh đến việc muốn có một thỏa thuận sớm và chi tiết để bảo vệ quyền của gần 5 triệu công dân chịu ảnh hưởng từ Brexit. Đó là 3,5 triệu người EU đang sống và làm việc tại Anh cũng như 1,2 triệu người Anh đang sống rải rác ở các quốc gia thành viên EU khác. Trong đó, quyền đi lại khắp châu Âu sau Brexit được quan tâm nhất.

 

Theo đề nghị của EU, các công dân Anh sống tại Pháp sẽ không thể đi lại mà không được phép đến Đức, Tây Ban Nha hoặc bất kỳ nước EU nào khác. Còn theo đề nghị của Vương quốc Anh, những người có quốc tịch EU sống ở Anh sẽ rất khó khăn để trở về xứ sở sương mù sau hai năm vắng mặt, trừ khi họ có thể chứng minh mối quan hệ khăng khít. Cả hai bên vẫn đang găng nhau về vấn đề này và còn phải xem xét thêm ở các vòng đàm phán tiếp theo.

 

Hồ sơ hình sự và thẻ y tế

 

Anh muốn tiến hành kiểm tra hồ sơ hình sự đối với mọi công dân EU nộp đơn xin “định cư” để ở lại Anh. Đây là một ý tưởng khiến nhiều người phản đối. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, các công dân chỉ nên bị kiểm tra nếu có nghi ngờ hợp lý. Luật hiện hành của EU cho phép các chính phủ trục xuất công dân châu Âu nếu có vấn đề về sức khỏe hoặc gây mất an toàn công cộng, cho dù hành vi phạm tội đã được thực hiện trước hay sau khi họ tới nước đó. Anh muốn các tội phạm EU phải tuân theo quy định nhập cư của Anh sau Brexit, có nghĩa là họ có thể bị trục xuất theo luật của Anh.

 

Về vấn đề thẻ bảo hiểm y tế châu Âu (EHIC), Anh hy vọng thuyết phục EU cho phép công dân Anh giữ thẻ này. Hiện nay, khách du lịch Anh có thẻ có thể yêu cầu chăm sóc sức khỏe miễn phí hoặc có chi phí thấp khi đến thăm các quốc gia thành viên khác trong khối, giúp họ tránh phải mua bảo hiểm y tế. Ước tính 27 triệu người Anh hiện đang có thẻ EHIC. Tuy nhiên, EU vẫn đang xem xét và chưa có kết luận.

 

 Nguồn Trung tâm thông tin công tác tư tưởng Thành phố