Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang – một “điểm nóng” của dư luận trong những ngày gần đây
Ngân sách dành cho phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có giao thông ở TPHCM thường chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Ở nhiều địa phương khác, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều. Do vậy, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách vào đầu tư là giải pháp khả thi trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là ngành chức năng phải sớm khắc phục bất cập, hoàn thiện nhanh bộ quy tắc quản lý theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.
Cải cách thủ tục, minh bạch hóa dự án
Theo một lãnh đạo của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, tùy theo quy mô của dự án mà thời gian thực hiện thủ tục đầu tư thực tế khác nhau. Các dự án nhóm A và các dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Chính phủ xem xét, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư trong đó có việc tổ chức đấu thầu, thường phải kéo dài 3-5 năm. Những dự án nhóm B có quy mô trung bình, nhóm C có quy mô nhỏ thời gian thực hiện thủ tục từ 2-3 năm. Thời gian thực hiện thủ tục đầu tư như vậy, trong nhiều trường hợp, không đáp ứng được tính cấp bách của công trình, đặc biệt các công trình giao thông.
Chia sẻ quan điểm với người cán bộ này, một chuyên gia về giao thông đô thị cũng cho rằng, những công việc như phê duyệt thiết kế công trình đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nên giao về cho các địa phương. TPHCM và nhiều địa phương khác hoàn toàn đủ nhân lực có trình độ để thực hiện các khâu này. Các bộ ngành chỉ nên tập trung quản lý việc lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Việc phân quyền hợp lý không những giúp tiết giảm thời gian làm thủ tục mà còn góp phần làm giảm chi phí đầu tư. Một nhà đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tư nhân đã tính toán, nếu không phải “bay đi bay lại” giữa TPHCM và Hà Nội để trình duyệt thiết kế, ít nhất họ đã tiết kiệm được cả trăm triệu đồng chi phí đi lại/dự án.
Quan trọng hơn nữa, rút ngắn được thời gian thực hiện thủ tục đầu tư sẽ làm cho các cơ quan chức năng “hết đường” biện bạch cho việc chỉ định thầu vì tính cấp bách thay vì đấu thầu-Nút thắt quan trọng trong việc minh bạch hóa các dự án đầu tư.
Cũng theo vị chuyên gia về giao thông đô thị, cùng với việc cải cách thủ tục đầu tư, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng hoàn thiện các quy định về đấu thầu. Hiện tượng “thông thầu”, “quân xanh, quân đỏ”… tiêu cực trong đấu thầu đã từng xảy ra ở nhiều dự án. Nên công khai các tiêu chí chọn nhà thầu theo hướng khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành xây dựng (không phải hạ giá bằng mọi giá để được trúng thầu như trước kia).
Cương quyết không cho “mượn đầu heo nấu cháo”
Tình trạng “ghép việc cải tạo đường hiện hữu với đầu tư xây dựng đường mới thành một dự án rồi đặt trạm thu phí thu cả hai tuyến đường, không cho người dân có quyền lựa chọn” cần phải chấm dứt. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, đây thực chất là kiểu mà dân gian thường nói: “mượn đầu heo nấu cháo” để trục lợi. Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng đường mới vòng ra ngoài khu dân cư hiện hữu – các loại đường tránh kiểu như đường tránh thị xã Cai Lậy, không quá tốn kém bởi chi phí đền bù đất nông nghiệp không lớn. Nhiều đường tránh ở một số địa phương còn có chi phí xây dựng thấp hơn chi phí sửa chữa, mở rộng đường hiện hữu. Vì vậy, không có lý do gì để tiếp tục cách làm này.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cách nay hơn 10 năm, ngành giao thông đã có chiến lược phát triển giao thông khá hợp lý. Đó là hạn chế mở rộng, làm đường tránh quốc lộ 1 hiện hữu. Dùng quỹ bảo trì đường bộ và các nguồn vốn ngân sách để duy tu, bảo dưỡng tuyến đường này. Dồn lực làm đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Những đoạn cao tốc có lưu lượng xe cao, được đầu tư bằng trái phiếu chính phủ hoặc vốn ODA, PPP sẽ tiến hành thu phí để hoàn vốn và trả nợ. Tiếc rằng, vì nhiều lý do, chủ trương này đã không được triển khai thực hiện.
Theo một giảng viên khác của Đại học Fulbrihgt Việt Nam, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, để thực hiện các dự án BOT thành công, cần chuẩn bị kỹ các điều kiện sau: lập kế hoạch kỹ càng; ước tính chặt chẽ chi phí và các nguồn thu; xem xét khả năng chi trả của người sử dụng; tuân thủ các điều kiện trong hợp đồng đã ký; xây dựng khung pháp lý và thể chế phù hợp; quá trình đấu thầu phải cạnh tranh và minh bạch.
Riêng hình thức đầu tư BT, nên cân nhắc kỹ giải pháp trả chi phí cho nhà đầu tư bằng đất. Hiện nay TPHCM đã có chủ trương không giao đất cho nhà đầu tư mà chủ động bán đấu giá đất, thu tiền và trả cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn áp dụng hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Giải pháp này theo nhiều chuyên gia: tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Đối với Nhà nước, rất khó xác định giá trị đúng của đất để “đổi” bình đẳng với nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư, nếu không giải tỏa được mặt bằng, vốn bị “chôn” trong dự án, sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ngân hàng cho nhà đầu tư vay vốn để làm dự án bất động sản mà dự án không triển khai được sẽ phát sinh nợ xấu…
Vẫn nên tiếp tục thực hiện xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách vào đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhưng phải siết chặt quản lý. Lợi ích từ việc làm này phải được cân đối, hài hòa cho người dân, Nhà nước và nhà đầu tư.
NGUYỄN KHOA (sggp.org.vn)