Cuối tháng 3/2016, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cho biết, sau đàm phán, trong khi phái đoàn chính phủ Syria tập trung vào những nguyên tắc, còn phe đối lập lại đưa ra những ý tưởng cho quá trình chuyển tiếp. Hiện hai bên vẫn còn quá nhiều bất đồng xung quanh vai trò của Tổng thống Assad, vấn đề người Kurd, Liên bang hóa…

 

 

Những rào cản cần vượt qua

Từ vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad: Trong quá trình đàm phán, phe đối lập Syria (HNC) vẫn khăng khăng yêu cầu Tổng thống Bashar al-Assad phải rời khỏi quyền lực và không có vị trí trong tiến trình chuyển giao dân chủ. Tuy nhiên, chính phủ Syria, Nga, Iran lại cho rằng không có điều khoản nào như vậy trong các điều ước quốc tế của tiến trình hòa bình, cả Liên hợp quốc và Mỹ cũng không còn đòi hỏi ông B.Assad phải rời bỏ quyền lực như là điều kiện tiên quyết cho cuộc hòa đàm.

Theo giới phân tích, kể cả sau khi Nga bất ngờ tuyên bố rút quân và chấm dứt chiến dịch không kích ở Syria thì Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang ở thế có lợi và an toàn hơn bao giờ hết trong các cuộc đàm phán hiện nay, vì quân đội nước này đang làm chủ chiến trường, buộc IS phải lẩn trốn.

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cũng cho biết, vẫn có những sự khác biệt rất lớn giữa quan điểm của phái đoàn chính phủ Syria với HNC, nhất là vai trò của Tổng thống B.Assad. Và nếu không giải quyết được sự khác biệt này, việc đạt được một thỏa thuận chung giữa các bên là việc làm vô cùng khó khăn.

Đến vấn đề người Kurd: Theo giới quan sát, người Kurd ở cả 3 quốc gia Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã có tư tưởng ly khai từ cách đây vài thập kỷ và giờ đây đang được dịp trỗi dậy. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd là thủ phạm gây ra các vụ đánh bom khủng bố đẫm máu ở Ankara trong thời gian qua thì việc Nga rút quân khỏi Syria là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd ở biên giới Syria.

Ankara chủ trương chống lực lượng ly khai người Kurd thành lập khu tự trị tại Syria, chứ không nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Bản thân ông B.Assad cũng không muốn người Kurd ở nước này thành lập khu tự trị, vì thế quân đội Syria cũng không can thiệp quá nhiều vào các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đối với người Kurd của họ ở vùng biên giới hai nước. Trong khi cả Iran và Saudi Arabia cũng không muốn người Kurd thành lập quốc gia riêng để trở thành đồng minh của Israel chống lại họ.

Giới phân tích cho rằng, khi Tổng thống Bashar al-Assad còn nắm quyền, thì việc người Kurd ở Syria đòi thành lập khu tự trị là rất khó được chấp nhận. Trong khi Mỹ và phương Tây coi người Kurd ở Syria là thành phần quan trọng trong phe đối lập, thậm chí còn là lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống IS, và nhận được sự hỗ trợ của cả Mỹ và Nga trong các chiến dịch quân sự. Tuy nhiên họ lại không có tên trong thành phần phái đoàn đàm phán với chính phủ Syria tại Geneva.

Thể chế Liên bang hóa: Trước thềm cuộc đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria, ngày 17/3 lực lượng người Kurd ở cả 3 khu vực chủ yếu đã họp ở thị trấn Rmeilan (Syria) và tuyên bố thành lập một hệ thống Liên bang ở phía Bắc nước này. Theo giới chuyên gia, sự rắc rối ở chỗ các bên tham gia đàm phán không muốn nghe ý kiến của lực lượng người Kurd. Trong khi chính quyền Damascus coi quyết định của người Kurd là bất hợp pháp, thì đại diện ngoại giao Nga lại cho rằng: “Chỉ có sự tham gia bình đẳng của người Kurd cùng với những bên khác trong các cuộc đàm phán tại Geneva mới trợ giúp cho tiến trình hòa bình ở Syria đạt kết quả”.

Đại diện thường trực Syria tại Liên hợp quốc, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Chính phủ Syria B. al Jaafari ngay lập tức tuyên bố loại trừ khả năng bàn về ý tưởng Liên bang hóa Syria, đồng thời bác bỏ việc thương thảo trực tiếp với phe đối lập chính về vấn đề này. Trong khi Mỹ cũng cho biết, không chấp nhận để người Kurd thành lập khu vực tự trị nếu chính phủ Syria không đồng ý. Vì thế, các bên đàm phán còn phải đối mặt với vấn đề người Kurd hiện kiểm soát hơn 10% lãnh thổ Syria và 3/4 biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Đây thực sự là một thách thức mới khiến hy vọng xây dựng một chính phủ thống nhất và tìm kiếm giải pháp hòa bình tại Syria trở nên khó khăn hơn.

Và sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Syria và tấn công các căn cứ của người Kurd tại đây. Ankara cho rằng hầu hết người Kurd (Syria) đều thuộc Đảng Công nhân người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố. Do các hành vi tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mà phe đối lập Syria đang bị phân tâm trong cuộc chiến chống IS đang hoành hành tại quốc gia này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn tới gia tăng căng thẳng ở khu vực biên giới với Syria. Đại diện ngoại giao Nga nhấn mạnh, các quốc gia trên thế giới hiện tại cần chú trọng tới việc giải quyết khủng hoảng tại Syria chứ không phải là làm tình hình phức tạp thêm.

 Ngoài ra, còn phải kể đến sự xuất hiện của phái đoàn thứ 3 – phe đối lập ôn hòa được Nga ủng hộ và chính quyền Assad chấp nhận, do cựu phó thủ tướng của Syria cầm đầu, cũng sẽ gây tranh cãi và ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán hòa bình cho Syria.

Cuộc nội chiến Syria kéo dài hơn 5 năm qua khiến 80% cơ sở hạ tầng của đất nước này bị phá hủy, 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa vẫn chưa có hồi kết. Các cuộc hòa đàm về tương lai Syria từng được tổ chức, nhưng không đi đến đâu. Phe Chính phủ muốn tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố, còn phe đối lập lại muốn thảo luận về một Chính phủ chuyển giao trước. Vì thế, sau 5 năm nội chiến, với sự nỗ lực của Liên hợp quốc, Mỹ, phương Tây và đặc biệt là hiệu quả không kích IS của Nga đã đưa các bên tham chiến ngồi lại đàm phán ở Geneva, khiến cánh cửa hòa bình ở Syria đang hé mở. Tuy nhiên, theo giới phân tích vẫn còn quá nhiều khó khăn đang đòi hỏi tất cả các bên cần phải nỗ lực để vượt qua. Vì thế, tương lai hòa bình cho nhân dân Syria vẫn còn đang rất khó đoán định.

 

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)