Xu hướng chuyển dịch quyền lực
Trong năm 2014, cuộc khủng hoảng Ukraine và tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á đã làm tăng sự nghi kỵ và căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ, Nga – EU, cũng như Trung – Mỹ và Trung – Nhật. Trên bình diện quốc tế, năm 2015 sẽ chứng kiến sự dịch chuyển quan hệ giữa các trung tâm quyền lực rõ nét hơn như sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga, còn ở phía đối diện là các nước phương Tây gồm Mỹ, EU, Canada, Australia và Nhật Bản. Thách thức lớn về kinh tế, xã hội của Nga trong năm 2015 sẽ là một nhân tố quan trọng góp phần làm phức tạp thêm quan hệ vốn đã phức tạp giữa các nước lớn.
Các tập hợp lực lượng mới giữa các trung tâm quyền lực này có một số đặc điểm. Thứ nhất, sự gắn kết cũng như phối hợp chính sách giữa các nước phương Tây trong các vấn đề kinh tế, chính trị, an ninh có xu hướng chặt chẽ hơn xuất phát từ “truyền thống” hợp tác chống Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong khi quan hệ đối tác Nga – Trung có xu hướng thực dụng và lỏng lẻo hơn. Thứ hai, các bên thiên về dùng các đòn bẩy hay sức ép “phi quân sự” như tài chính, thương mại, ngoại giao để đạt mục tiêu chính sách, trong khi cố tránh các xung đột hay đối đầu trực tiếp bằng quân sự. Thứ ba, sự dịch chuyển quan hệ này sẽ tạo ra một số sự phân chia, cũng như các lực kéo và đẩy đối với một số quốc gia và tại một số khu vực. Tuy nhiên, sự phân chia này không thể so sánh được về quy mô và mức độ so với sự phân cực trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong năm 2015, quan hệ Mỹ và EU với Nga về cơ bản sẽ không có thay đổi nhiều, ngoại trừ việc EU và Mỹ thay nhau đổi vai “kẻ đấm, người xoa” nhằm tìm cách giảm thiểu phản ứng mạnh mẽ từ Nga, tạo cảm giác “cải thiện” quan hệ bề ngoài, trong khi vẫn đạt mục tiêu là làm suy yếu và đẩy lui ảnh hưởng của Nga. Trong khi đó, khả năng cải thiện quan hệ Trung – Nhật trong năm nay khá cao do căng thẳng Trung – Nhật đã lên đến “đỉnh điểm”, cả hai bên đều thấy được quyết tâm của đối phương cũng như các hạn chế của chính sách đối đầu. Cả Trung Quốc và Nhật đều thấy, trong bối cảnh so sánh lực lượng hai bên không có thay đổi đột biến, việc tiếp tục duy trì căng thẳng chỉ làm cho cả hai “cùng thua”, trong khi đều cần đến nhau và là các đối tác kinh tế hàng đầu của nhau.
Những điểm nóng mới
Trong năm 2015, nhiều khả năng các điểm nóng khu vực như Ukraine và cuộc chiến chống IS sẽ giảm nhiệt hoặc được “khoanh lại” để không lan rộng và ảnh hưởng đến các khu vực khác, trong khi các điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên hay tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á, từ Biển Đông tới biển Hoa Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách, đặt quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng cao hơn quan hệ với các nước lớn sau Hội nghị Trung ương về đối ngoại cuối tháng 11/2014, nhưng điều này không có nghĩa Trung Quốc cam kết có hành động kiềm chế hay bớt hung hãn hơn ở Biển Đông. Do đó, ba điểm nóng ở Đông Á sẽ tiếp tục là các thách thức an ninh không chỉ đối với khu vực, mà còn trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi đó, mặc dù có một số dấu hiệu khả quan, nhưng kinh tế thế giới trong năm 2015 sẽ là một năm khó khăn.
Thứ nhất, tạp chí Economist dự báo kinh tế thế giới đạt tốc độ tăng trưởng 2,9%, cao hơn một chút so với mức 2,5% trong năm 2014. Điểm sáng nhất sẽ là châu Á (trừ Nhật Bản) với tốc độ tăng trưởng là 5,7% và Bắc Mỹ là 2,5%. Trong khi đó, hai “đầu tàu” khác là EU và Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ dưới 1%, còn kinh tế Nga có khả năng rơi vào suy thoái. Đáng chú ý là kinh tế Trung Quốc trong năm 2014 có mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 là 7,4% và dự kiến trong năm 2015 chỉ còn khoảng 7%.
Thứ hai, giá dầu và khí đốt duy trì ở mức thấp với biên độ dao động từ 35-60 USD/thùng sau khi giảm một mạch từ mức 115 USD tháng 6/2014 xuống còn chưa đầy 50 USD/thùng ngay trong tuần đầu tháng 1/2015. Việc giá dầu giảm mạnh đã giúp các nước nhập khẩu dầu lớn như Mỹ giảm nhập siêu đáng kể, và giúp kinh tế thế giới tăng trưởng thêm khoảng 0,5%. Xu hướng giảm giá chắc sẽ lâu dài do dầu rớt giá mạnh vào đúng mùa đông là thời điểm tiêu thụ dầu nhiều nhất trong năm. Việc giảm nhanh và sâu như vậy cũng có những hệ lụy tiêu cực nhất định: gây khó khăn cho phần lớn các thành viên Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC, và các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu nằm ngoài OPEC; cản trở việc đầu tư vào các mỏ mới, hoặc vào công nghệ khai thác khí đá phiến vốn giúp Mỹ tăng sản lượng khai thác dầu của mình trong năm qua.
Thứ ba,sự phục hồi mạnh mẽ của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác. Trong vòng hơn bốn tháng qua, đồng USD đã tăng giá rất mạnh, như tăng 15% so với đồng EURO, 20% so với đồng Yên Nhật Bản và đồng AUD. Dự báo trong năm 2015, đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá nhanh do: Kinh tế Mỹ tiếp tục là “điểm sáng”, phục hồi và tăng trưởng tốt hơn so với Nhật Bản và khu vực đồng Euro; Mỹ đã chấm dứt gói nới lỏng định lượng (QE) từ tháng 10/2014 và dự kiến Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất và do vậy làm cho đồng USD trở nên có giá trị hơn; và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng như Nhật Bản dự kiến đưa ra các gói kích cầu mới, mà thực chất là in thêm tiền để kích thích tăng trưởng.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Thực tế cho thấy cơ hội và thách thức luôn đan xen với nhau, trong cơ hội có thách thức và ngược lại. Nếu có cơ hội đến mà chúng ta không nhận biết, không có khả năng nắm bắt thì sự tụt hậu không chỉ là nguy cơ, mà là các thách thức, các mối đe dọa hiện hữu. Ngược lại, nếu có chính sách tốt, chúng ta có thể chuyển hóa thách thức thành cơ hội cho mình. Đứng trước tình hình chung của khu vực và thế giới như vậy, ít nhất có 3 cơ hội về đối ngoại có thể tận dụng và làm tốt trong năm 2015.
Một là,trong khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, các nước đều đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi cơ cấu và mô hình tăng trưởng. Không chỉ vậy, họ còn “nương tựa” vào nhau thông qua các thỏa thuận thương mại tự do, thỏa thuận đầu tư. Đối với Việt Nam, trong năm 2015, có 3 “cú hích” quan trọng từ bên ngoài có khả năng kết thúc đồng thời, tạo ra sự cộng hưởng mạnh, đó là việc ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU, hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành cộng đồng ASEAN. Do vậy, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân cần được chuẩn bị kỹ, có những thay đổi bên trong cần thiết nhằm tận dụng cơ hội để tạo sự phát triển cả về lượng lẫn về chất.
Hai là,xử lý tốt các thách thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ giúp củng cố khối đoàn kết toàn dân ở bên trong. Còn ở bên ngoài, đó là việc gắn lợi ích của ta với lợi ích của cộng đồng quốc tế, thông qua đó thu hút sự quan tâm của khu vực và cộng đồng quốc tế. Như vậy, từ thách thức về an ninh, chúng ta không chỉ hóa giải được nguy cơ, mà còn tăng cường sức mạnh được tạo ra sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Ba là,sự cạnh tranh giữa các nước lớn ở Đông Nam Á không đơn thuần tạo ra nguy cơ, mà ở khía cạnh khác còn giúp làm tăng vai trò của Việt Nam và của ASEAN do các nước này đều tìm cách tranh thủ phát triển quan hệ, mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Đây chính là cơ hội tốt để chúng ta mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với một số đối tác chủ chốt, củng cố ASEAN và vai trò của Việt Nam trong tổ chức này và thông qua đó để cân bằng lợi ích và hóa giải sức ép, thách thức an ninh từ bên ngoài.