WB: Tăng trưởng 2014 sẽ đạt 5,6%

Ngày 03/12/2014, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, ghi nhận: nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ cải thiện từ mức 5,4% (năm 2013) lên mức 5,6% (năm 2014). Đạt được kết quả này, theo đánh giá của WB là do Việt Nam đã ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động có hiệu quả tốt hơn của các ngành chế biến chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực cũng giúp cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về rủi ro quốc gia, giúp Chính phủ phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế, huy động được 1 tỷ USD với điều kiện khá hợp lý.

Theo báo cáo, trong đà phục hồi kinh tế chung thì khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là nguồn tăng trưởng quan trọng, trong khi các doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn, số DN phải đóng cửa hay tạm ngừng hoạt động vẫn còn gia tăng.

Triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam là tương đối tích cực, trong đó GDP sẽ tăng khiêm tốn và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố. Tuy vậy, triển vọng này vẫn chịu tác động của hai rủi ro: thứ nhất, tiến độ tương đối chậm trong việc cải cách DN nhà nước và ngân hàng có thể gây tác động bất lợi với tình hình tài chính vĩ mô; thứ hai, định hướng xuất khẩu mạnh của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi những diễn biến bất lợi của kinh tế toàn cầu.

ICAEW: AEC giúp Việt Nam phát triển mạnh hơn

Báo cáo Tầm nhìn kinh tế Đông Nam Á (Economic Insight: South East Asia), được thực hiện bởi CEBR – Trung tâm Kinh tế và Nghiên cứu Kinh doanh, một trong những đối tác và là nhà dự báo kinh tế của ICAEW (là thành viên sáng lập của Liên minh Kiểm toán toàn cầu) vừa được công bố.

Báo cáo nhận định, việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, với mục tiêu lâu dài sẽ thúc đẩy sự luân chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề cao, cùng dòng vốn tự do hơn sẽ tạo ra cơ hội giúp cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Việt Nam hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài: 44 tỷ USD đến từ ASEAN

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các đối tác đến từ ASEAN đã đầu tư 44 tỷ USD vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2014. Trong đó, Singapore dẫn đầu với 1.344 dự án, tổng vốn đầu tư là 32,7 tỷ USD, chiếm 60,8% tổng vốn đăng ký. Tính trong năm 2014, các nhà đầu tư ASEAN đã bỏ vốn vào 55 tỉnh thành trong cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 1.065 dự án với tổng số vốn đăng ký là 14,9 tỷ USD. Bên cạnh đó là kế hoạch đầu tư với cam kết gắn bó lâu dài của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, hay Microsoft.

Năm 2014, cả nước xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD

Theo báo cáo được đưa ra ngày 9/12/2014 của Bộ Công thương, tính chung 11 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất siêu xấp xỉ 2,1 tỷ USD, trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 13,5 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 15,5 tỷ USD.

Từ tình hình thực tế 11 tháng năm 2014, Bộ Công thương đưa ra dự báo dự báo xuất khẩu năm 2014 đạt khoảng 150 tỷ USD, nhập khẩu đạt 148,5 tỷ USD, xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.

Thủ tướng Chính phủ: “Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng giảm xuống dưới 3% vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi”

Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2014 ngày 02/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, nền kinh tế đã trải qua một năm đầy thử thách. Bước sang năm 2015, Chính phủ cam kết sẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, lạm phát sẽ được kiểm soát ở 5% để tạo điều kiện phát triển kinh tế, bội chi ở mức 5% GDP, tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%.

Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng là nhiệm vụ cần phải đột phá trong năm 2015. “Việc giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi, tức là hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ trở lại mức bình thường, đảm bảo an toàn”, Thủ tướng chính phủ nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cam kết trong thời gian tới sẽ phấn đấu đưa nợ xấu về 3% tổng dư nợ. Việc ban hành Thông tư 36 về các tiêu chuẩn an toàn cũng nhằm gia tăng tính vững chắc của hệ thống, giảm sở hữu chéo và giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội mới trong lĩnh vực ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng 2014 dự báo tăng 13%, đạt mục tiêu đề ra

Ngày 01/12, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 11 năm 2014. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng theo dự báo có khả năng đạt 13%, nằm trong mục tiêu đề ra là từ 12-14% . Tính đến ngày 27/11 tăng trưởng tín dụng đã tăng 10,22% so với năm 2013. Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế – xã hội từ đầu năm 2014 tới nay đã có chuyển biến tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng phục hồi trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng về lượng.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: Niềm tin đầu tư và tiêu dùng đã trở lại

Trong báo cáo thường kỳ tháng 11 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, người dân và doanh nghiệp đã mạnh dạn hơn trong đầu tư và tiêu dùng do kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp và thị trường tài chính tiền tệ ít biến động. Qua các cuộc khảo sát thường xuyên trong gần ba năm lại đây, số liệu cho thấy khu vực hộ gia đình đang có xu hướng tăng đầu tư vào sản xuất, nhằm nắm bắt cơ hội trong giai đoạn kinh tế phục hồi.

Trong cuộc khảo sát tiến hành vào tháng 8/2014 ở các thành phố lớn, với 1000 người được hỏi, có 24% bày tỏ ý định tăng đầu tư vào sản xuất. Con số này tăng 18% so với cuộc khảo sát hơn một năm trước đó và tăng 7% so với lần đầu năm. Tương tự, tỷ lệ người được hỏi đang có dự định đầu tư cung cấp dịch vụ cũng có xu hướng tăng. Điều tra độc lập của ANZ cùng Tập đoàn nghiên cứu thị trường Roy Morgan ở 7 thành phố lớn cũng cho thấy mức độ lạc quan của người tiêu dùng (CCI) trong 2 hoạt động này tăng ấn tượng. Theo đó, CCI tháng 11/2014 ở mức 141 điểm – cao nhất kể từ đầu năm, cao hơn 6 điểm so với cách đây 4 tháng.

Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”của Việt Nam sẽ kéo dài đến năm 2040

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho biết, với hơn 90 triệu dân, trong đó, hơn 62 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 69% dân số. Việt Nam đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, là cơ hội có một không hai trong lịch sử để đẩy mạnh và phát triển kinh tế – xã hội. Thời kỳ “dân số vàng” (độ tuổi từ 10 – 24) sẽ kéo dài đến năm 2040, đây là nguồn nhân lực to lớn cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự nghiệp bảo vệ, xây dựng, bảo vệ đất nước.

 Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện: nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính

Nhiều thủ tục hành chính như kê khai hải quan, kê khai và nộp thuế đang được cải cách theo hướng giảm thiểu chi phí cho hoạt động kinh doanh. Hệ thống khai thuế qua mạng đã cung cấp dịch vụ được cho hơn 409.468 người nộp thuế thực hiện khai thuế điện tử, đạt trên 84% số doanh nghiệp đang hoạt động. 100% thủ tục hành chính thuế cũng sẽ được đơn giản hóa, trong đó có việc: cho phép doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in; giảm tần suất kê khai thuế GTGT từ khai theo tháng (12 lần/năm) sang khai theo quý (4 lần/năm); áp dụng rộng rãi kê khai thuế điện tử; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đơn giản hồ sơ đề nghị xóa nợ… sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của doanh nghiệp.

(Nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)