Tiếng nói chung

Tại cuộc đàm phán, đại diện Chính phủ Syria và đại diện các nhóm lực lượng vũ trang đối lập đã thảo luận về việc thực thi và thể thức giám sát lệnh ngừng bắn tại Syria. Đây cũng chính là một trong những chủ đề được dư luận quốc tế quan tâm và dõi theo. Cuối cùng, các bên liên quan đã thông qua điều khoản về nhóm hỗn hợp giám sát lệnh ngừng bắn tại Syria và đề ra các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên xung đột.

Vụ trưởng Vụ Trung Đông và Bắc Phi Bộ Ngoại giao Nga Sergey Vershinin nhấn mạnh, nhóm hỗn hợp gồm đại diện Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoạt động trên cơ sở thường trực nhằm duy trì và củng cố lệnh ngừng bắn tại Syria. Hoạt động của nhóm mang tính kĩ thuật, nhưng sẽ có hiệu quả lớn, giúp cải thiện tình hình chung, hỗ trợ các cuộc đàm phán về Syria dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ) trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Giới quan chức Nga đánh giá cuộc đàm phán ở Astana là một sự kiện quan trọng. Mặc dù giữa các bên còn thiếu lòng tin, nhưng những kết quả đem lại hy vọng và Nga cùng các bên sẽ nỗ lực để tăng cường mức độ hợp tác. Theo Trưởng phái đoàn Nga Alexander Lavrentiev, Chính phủ Syria và phe đối lập có cơ sở để thu hẹp bất đồng. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Ansari cho biết các cuộc đàm phán tiếp theo về Syria sẽ diễn ra tại Astana trong vòng 1 tháng nữa.

Vai trò của các nước trung gian

Cuộc họp về Syria tại Astana là sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm mở ra cơ hội để khuyến khích các thủ lĩnh phe đối lập Syria tham gia vào “tiến trình chính trị” tiến tới có thể chấm dứt sự đổ máu, củng cố thỏa thuận ngừng bắn vốn rất mong manh tại Syria. Cuộc đàm phán giữa đại diện chính quyền Syria và các nhóm đối lập do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm trung gian lần này cho thấy ngoài nỗ lực đem lại hòa bình cho cuộc xung đột tại Syria, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran còn tiếp tục củng cố vị thế vững chắc ở khu vực Trung Đông.

Các nhà phân tích cho rằng, trục quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ – Iran đang chiếm ưu thế trên “bàn cờ Syria” sau thắng lợi lớn ở thành phố Aleppo của quân đội Syria dưới sự hỗ trợ của lực lượng quân đội Nga. Với chiến thắng đó, Nga đã ở thế thượng phong và ngày càng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Andrey Krasov mới đây cho biết, Moscow bảo đảm sự hiện diện ở khu vực Trung Đông bằng việc mở rộng căn cứ hải quân tại thành phố cảng Tartus của Syria.

Cuộc chiến chống khủng bố mà Nga tiến hành theo đề nghị của Tổng thống Syria al-Assad đã cắt đứt chuỗi “cách mạng màu” ở Trung Đông, đồng thời mở ra tiến trình chính trị và hòa giải giữa các bên xung đột. Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi tiến hành chiến dịch không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, quân đội Nga đã thực hiện 18.800 vụ xuất kích, 71.000 cuộc không kích vào cơ sở hạ tầng của các nhóm khủng bố.., giúp quân đội Syria giải phóng 12.360km2 lãnh thổ và 499 điểm dân cư.

Trong khi đó, thất bại của phe nổi dậy Syria ở Aleppo cho thấy, sự hậu thuẫn mà Mỹ và các nước đồng minh dành cho lực lượng này không hiệu quả. Quân đội chính phủ Syria đang tận dụng lợi thế để tiếp tục mở rộng các vùng giải phóng trên toàn lãnh thổ. Với Thổ Nhĩ Kỳ, chiến lược hợp tác với Nga có thể giảm nhẹ những tổn thất của chiến dịch “Lá chắn Euphrates” mà nước này đang triển khai ở Syria. Còn đối với Iran, dựa vào việc thúc đẩy hai bên giao chiến tại Syria đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Tehran cũng đã thể hiện được quyết tâm trở thành nước lớn trong khu vực.

Trong nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, trung tuần tháng 12/2016, tại Thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã có cuộc gặp chung để tìm kiếm các biện pháp nhằm bảo đảm lệnh ngừng bắn tại lãnh thổ Syria. Kết thúc cuộc gặp, cả 3 Ngoại trưởng đều nhất trí cho rằng các biện pháp quân sự không bao giờ là giải pháp hữu hiệu nhằm đạt tới mục tiêu tối thượng là ngừng bắn tại Syria, tiếp tục tiến trình chính trị, bảo đảm để người dân được tiếp cận các hoạt động nhân đạo, cũng như phối hợp chống các tổ chức khủng bố ở quốc gia này.

Tiếp đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí với kế hoạch ngừng bắn chung trên toàn bộ lãnh thổ Syria. Kế hoạch nhằm mở rộng lệnh ngừng bắn được thiết lập tại thành phố Aleppo hồi đầu tháng 12/2016 tới tất cả các khu vực chiến sự khác trên toàn Syria, ngoại trừ các nhóm khủng bố. Điều này đã tạo cơ sở cho việc tiến hành cuộc đàm phán chính trị giữa Chính phủ Syria và các phe nhóm đối lập tại Astana cuối tháng 1/2017. Tại đây, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về cơ chế kiểm soát thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria. Ba nước cũng đồng ý thành lập một cơ chế ba bên để giám sát và bảo đảm việc thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn, ngăn chặn mọi hành động khiêu khích và xác định mọi phương thức thực hiện lệnh ngừng bắn ở Syria.

Cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng khoảng 300.000 người và khiến hàng triệu người Syria phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu.

 (Nguồn Trung tâm thông tin công tác tư tưởng Thành phố)