Tăng trưởng kinh tế ấn tượng

 

Số liệu trên cho thấy, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đã vươn lên và đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung của GDP cả nước. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2014 như: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 11,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,51%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%…

 

 

Trong khu vực dịch vụ, lĩnh vực thông tin và truyền thông đạt mức tăng cao nhất 8,1%; giáo dục và đào tạo tăng 7,25%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,15%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 7,11%…

 

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp tăng cao nhất với tốc độ 6,02%; thủy sản tăng 3,38%; nông nghiệp tăng 1,54% so với cùng kỳ năm trước.

 

Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,35%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,8%; khu vực dịch vụ chiếm 42,23%% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2014 là: 12,88%; 40,32% và 46,8% ).

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn gặp một số khó khăn, thách thức như tình hình sản xuất của doanh nghiệp còn khó khăn, tăng trưởng tại các khu vực dịch vụ và nông, lâm, thủy sản thấp hơn cùng kỳ năm 2014; thời tiết năng nóng, khô hạn tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu khu vực trong nước giảm so với cùng kỳ năm 2014, tình trạng kiểm soát an toàn lao động một số nơi còn chưa chặt chẽ, để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng…

 

Nhìn chung, tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2015 của nước ta được đánh giá là tiếp tục xu thế ổn định và tốt hơn, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, tín dụng tăng trưởng dương, thu ngân sách đảm bảo tiến độ so với dự toán mặc dù chịu tác động tiêu cực của giá dầu giảm trên thị trường thế giới… 

 

Không “ngại” xuất khẩu giảm

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2015 chỉ đạt 6,9%, trong khi nhập siêu đạt khoảng 1,8 tỷ USD (tương đương trên 5%).

 

Trước lo lắng nhập siêu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên cho rằng, không quan ngại vì 92% là nhập khẩu máy móc phương tiện phục vụ sản xuất “Nền kinh tế đang tăng tốc trở lại. Điều này cũng nằm trong dự đoán của Chính phủ sau một thời gian xuất siêu”.

 

Phân tích cụ thể hơn về sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo số liệu thống kê của ngành công thương thì quý I/2015 xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (như gạo, cà phê, cao su…) sang  một số thị trường đã giảm trên dưới 30% tùy từng mặt hàng (khoảng 500 triệu đô la Mỹ). Còn nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng suy giảm đáng kể, khoảng 1 tỷ USD.

 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này, nhưng trước tiên là áp lực cân đối cung – cầu của các mặt hàng xuất khẩu ngay từ thời điểm đầu năm 2015. Sự suy giảm về giá của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như dầu thô cuối năm 2014 đầu năm 2015, nên dù lượng xuất khẩu tăng cũng không bù được khoản sụt giảm về giá xuất khẩu.

 

Bên cạnh đó, một số thị trường truyền thống của Việt Nam như thị trường Trung Quốc đã thay đổi trong điều hành vĩ mô, cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo nhỏ giọt, nên lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này giảm tới 30%…

 

Một nguyên nhân nữa được dẫn tới sự suy giảm xuất khẩu trong quý I/2015 là vấn đề tỷ giá ngoại hối căng thẳng thời gian qua cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn.

 

Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là tìm cách thúc đẩy xuất khẩu qua tìm kiếm thị trường mới. Cùng với đó, hàng loạt Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong năm 2015 cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.

 

II. KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH QUÝ I NĂM 2015 TIẾP TỤC GIỮ VỮNG TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH

 

Quý I/2015, tình hình kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng khá cho thấy kinh tế có bước phát triển tốt, kiểm soát được chỉ số giá cả, chỉ số lạm phát, là sự khởi đầu thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho những tháng tiếp theo.

 

Nhiều chỉ số kinh tế quan trọng đều tăng

 

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 202.040 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của 3 năm liên tiếp gần đây (quý I/2012 tăng 7,4%, quý I/2013 tăng 7,6%; quý I/2014 tăng 7,7%). 

 

Trong quý I/2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 159.373 tỷ đồng, tăng 11,5%. Trong đó, doanh thu thương nghiệp chiếm 78,34%, đạt 124.855 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ;doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh bất động sản ước đạt 23.507 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

 

TP đã tích cực triển khai chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dư nợ cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) đạt 137.611 tỷ đồng, tăng 0,86% so với năm 2014, trong đó cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 65% tổng dư nợ.

 

Chỉ số phát triển công nghiệp 3 tháng đầu năm 2015 tăng 5,6% so với cùng kỳ. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp khai khoáng.

 

Bên cạnh đó, tình hình thu chi ngân sách cũng đạt kết quả tốt, hầu hết các chỉ tiêu thu đều đạt khá so với dự toán và tăng 11,79% so với cùng kỳ. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2015 TP đã thu được 68.296 tỷ đồng, đạt 25,7% dự toán và tăng 4,99% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 41.779 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 21.000 tỷ đồng.

 

Kết quả thu ngân sách khả quan thể hiện tình hình kinh tế của TP tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ổn định, các chính sách thuế mới có hiệu lực; đồng thời TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai, bồi dưỡng nguồn thu cũng như tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu, qua đó truy thu được hơn 297 tỷ đồng cho ngân sách.

 

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp

 

Những kết quả đạt được trong quý I/2015 đã thể hiện được tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP được duy trì ổn định, tạo tiền đề tốt để triển khai các nhiệm vụ trong quý II và trong năm 2015. Tuy nhiên, TP cần tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế trong năm 2015.

 

Cụ thể, TP tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời đẩy mạnh chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học và công nghệ và giá trị tăng cao.

 

Các cơ quan chức năng TP tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, thành lập doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp. 

 

Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với chính quyền TP, hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật những đổi mới về thông tư, chính sách và  đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, ngân hàng với nông dân, nông thôn, phấn đấu hoàn thành cam kết gói tín dụng hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu. 

 

Mặt khác, TP cũng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, FTA…

 

Với nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo các sở ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, xử lý giải quyết và vận hành đồng bộ các giải pháp trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. 

 

Các sở ngành như giao thông, tài nguyên môi trường cần lưu ý đến việc hoàn thành các dự án trọng điểm, tính toán phương án hợp lý để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, tiết kiệm chi phí nhiên liệu, vận chuyển để thúc đẩy kinh tế phát triển, lưu thông hàng hóa; rà soát, xử lý triệt để các dự án chậm hoặc không triển khai gây lãng phí.

 

(nguồn tổng hợp từ Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)