I. MANH NHA MỘT CUỘC CHIẾN TIỀN TỆ
Kỷ nguyên lãi suất âm
Theo giới phân tích, sự biến động của thị trường và mối lo ngại về việc Trung Quốc có thể phá giá tiếp đồng nhân dân tệ (NDT) đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm hoãn tăng lãi suất tiếp theo và buộc các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Canada, Australia… có thể phải áp dụng chính sách linh hoạt mới.
Các chuyên gia cho rằng, chính sách phá giá mạnh đồng NDT là nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đang cố gắng để ổn định đồng NDT, trong bối cảnh thị trường nước này và thế giới đã chịu nhiều biến động tiêu cực kể từ đầu năm 2016 và thế giới đang lo ngại về nguy cơ “hạ cánh cứng” của kinh tế Trung Quốc. Thị trường chứng khóan Trung Quốc đã giảm trên 20% kể từ đầu năm 2016 trong khi giá dầu đã có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 (dưới ngưỡng 26 USD/thùng).
Phản ứng với tình trạng bất ổn của khu vực tài chính thế giới, ECB đã đề cập đến khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp các thống đốc vào tháng 3/2016 (hiện lãi suất tiền gửi của các ngân hàng tại ECB đã là âm 0,3%); Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng đã đưa ra những tín hiệu sẽ không tăng lãi suất trong các quyết định sắp tới.
Trong khi đó, chính sách lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được thực thi lần đầu tiên từ ngày 16/2, với hy vọng có thể hỗ trợ nền kinh tế đang đối mặt với mối nguy giảm phát và tăng trưởng sa sút trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Cuối tháng 1/2016, BoJ đã thông báo sẽ áp dụng mức lãi suất âm 0,1% đối với một phần các khoản tiền của các định chế tài chính gửi tại ngân hàng này, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay và khuyến khích doanh nghiệp cũng như người dân tăng cường chi tiêu và đầu tư. Trước mắt, mức lãi suất âm 0,1% sẽ được áp dụng đối với khoảng 10.000 tỷ yên (88 tỷ USD), tương đương 4% tổng số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Con số này được dự báo sẽ thay đổi thời gian tới nhưng sẽ được giữ ở mức 10.000 – 30.000 tỷ yên.
Ngoài ra, BOJ sẽ tiếp tục áp dụng lãi suất 0,1% đối với 210.000 tỷ yên được lũy tiến tới năm 2015 thông qua hoạt động mua trái phiếu Chính phủ theo chính sách nới lỏng tiền tệ. Mức lãi suất 0% cũng sẽ được áp dụng đối với 40.000 tỷ yên tiền dự trữ bắt buộc cũng như các khoản tiền cấp cho các thể chế tài chính theo chương trình của BoJ thúc đẩy cho vay – đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng và các dự án phục hồi sau thiên tai. Khoảng vài tháng, BoJ sẽ lại tăng lượng tiền được áp lãi suất 0% nhằm tránh các tác động nghịch thái quá lên các ngân hàng khi áp dụng lãi suất âm quy mô lớn.
Dư luận trên thị trường tiền tệ cho rằng, lãi suất của ECB sẽ giảm xuống âm 0,5% trong năm 2016. Các ngân hàng trung ương Australia, Canada và Thụy Điển cũng nhấn mạnh những rủi ro của thời điểm hiện nay và để ngỏ khả năng nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Tín hiệu tiêu cực
Thách thức đối với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đó là: họ không còn nhiều dư địa để can thiệp bởi đa số các nước phát triển đã trong môi trường lãi suất 0%. Các hiệu ứng của chương trình nới lỏng định lượng đang giảm, trong khi tỷ lệ lãi suất âm cao tạo ra rủi ro đối với sự ổn định tài chính (do tác động của việc lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm và sự hình thành bong bóng giá tài sản).
Sự giảm giá của hàng hóa là tin tốt cho người tiêu dùng và lợi nhuận của công ty nhưng nếu giá cả liên tục xuống sẽ là tín hiệu tiêu cực cho nền kinh tế, nhất là về tăng trưởng. Tỷ lệ lạm phát tại các nước phát triển đã trong thời gian dài ở mức thấp dưới 1% khiến giới chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách lo ngại về một chu kỳ giảm phát trở lại. Việc hạ giá tiếp đồng NDT cũng có thể thúc đẩy giảm phát do giá cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ.
Sự giảm giá của đồng tiền, “kênh truyền dẫn” lớn đối với hầu hết các ngân hàng trung ương, cũng có giới hạn của nó. Quá nhiều nước áp dụng chính sách này có thể biến thành cuộc chiến tiền tệ với những hệ lụy không nhỏ. Tác động kinh tế của đồng USD, hay đồng yên hoặc đồng euro yếu hơn là tương đối thấp, bởi đây là những ngoại tệ mạnh, có độ tin tưởng lớn đối với nhà đầu tư. Nhưng việc phá giá các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng NDT sẽ tạo ra sự bất ổn lớn trên các thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Tuy vậy, các ngân hàng trung ương vẫn buộc phải hành động theo chức năng của mình, và xu hướng hiện nay vẫn là nới lỏng định lượng và hạ lãi suất.
II. BƯỚC ĐI THẬN TRỌNG CỦA FED
Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25 – 0,5% như hiện nay đồng thời hạ dự báo triển vọng kinh tế Mỹ. Đây được coi là bước đi thận trọng của FED trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và các thị trường tài chính thế giới đang có nhiều dấu hiệu bất ổn.
Không thể mạo hiểm
Sau cuộc họp ngày 17-18/3 về chính sách, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED – đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới trong năm nay xuống 2,2%, thấp hơn 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm 2015. Bên cạnh đó, Ủy ban quyết sách của FED cũng quyết định vẫn “án binh bất động” lãi suất ở thời điểm này.
Theo FOMC, một trong những nguyên nhân khiến FED trì hoãn tăng lãi suất là do sự thận trọng về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu. Mặc dù nền kinh tế số 1 thế giới đang có những dấu hiệu tích cực như: kinh tế vẫn mở rộng với tốc độ vừa phải trong những tháng qua, thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 4,7% vào cuối năm nay từ mức 4,9% hiện nay, lạm phát giữ ở mức thấp (1,2%)… Tuy nhiên, các quan chức FED vẫn lo ngại về một số nguy cơ tồn tại có thể đe dọa nền kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây như: đầu tư doanh nghiệp và xuất khẩu của Mỹ còn khá yếu, trong khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại. Đầu tháng 1/2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải cắt giảm dự báo tăng trưởng của thế giới từ mức 3,6% xuống còn 3,4%. Nguy cơ này đã khiến các ngân hàng trung ương hoặc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ (như Trung Quốc) hoặc quyết định hạ lãi suất (như trường hợp của Ngân hàng Trung ương châu Âu – ECB).
Thực tế, sau khi tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục vào tháng 12/2015, FED đã đặt ra mục tiêu tăng lãi suất 4 lần trong năm 2016, mỗi lần tăng 0,25%. Song gần đây, FED đã khiến thị trường dần tin rằng mục tiêu này sẽ không thành hiện thực. Phát biểu sau cuộc họp của FOMC, Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết, FOMC đã chọn lựa một con đường phù hợp hơn. Tuy nhiên, bà khẳng định quyết định này một phần phản ánh tầm ảnh hưởng của nền kinh tế và tài chính toàn cầu đối với kinh tế Mỹ. Bà cũng nhấn mạnh không có dấu hiệu rõ ràng rằng lạm phát đang gia tăng.
Các nhà phân tích cho rằng, FED đã tỏ ra thận trọng khi định lượng và dự báo tình hình “sức khỏe” của kinh tế thế giới để có những bước đi đúng nhằm duy trì vị thế tiên phong của nền kinh tế Mỹ. Trước đó, tại hội nghị của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tháng 2/2016, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách tiền tệ hiện nay tiếp tục góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế và bảo đảm giá cả ổn định nhưng không thể giúp tăng trưởng cân bằng. Nếu Mỹ tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá, đồng nghĩa với việc chi phí vay cao hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, gây khó khăn cho sự phát triển kinh tế, chặn đà tăng trưởng. Chưa kể, dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi những quốc gia trên, đẩy những nước này đến bờ vực phá sản. Điều này có thể gây náo loạn kinh tế toàn cầu bởi các quốc gia đang phát triển và mới nổi chiếm từ 40% – 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Áp lực tăng lãi suất
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, kế hoạch hiện tại của FED đang đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư. Hiện chưa có dấu hiệu nào cụ thể cho thấy các bước đi sắp tới của FED, nhưng rõ ràng cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ đang chịu không ít sức ép trước cuộc họp tiếp theo vào tháng 4 hoặc tháng 6 năm nay.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng cho rằng, mức lãi suất chủ chốt siêu thấp 0,25 – 0,5% của FED sẽ không duy trì lâu dài. Esther L. George, Chủ tịch ngân hàng liên bang tại thành phố Kansas nhận định, FED sẽ tăng lãi suất thêm khoảng 0,25% trong tương lai gần khi các chỉ số kinh tế Mỹ lạc quan. Theo số liệu của chương trình FedWatch thuộc Tập đoàn CME Group, giới đầu tư đặt cược khoảng 50% khả năng FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 năm nay và 80% ngân hàng đưa ra quyết sách này vào cuối năm. Còn khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy, các nhà kinh tế dự đoán 60% khả năng Mỹ tăng lãi suất vào giữa năm nay. Trong khi, nhiều quan chức FED dự đoán, cơ quan này sẽ đẩy lãi suất lên thêm 3% từ nay cho tới cuối năm 2018.
Các chuyên gia kinh tế Mỹ lưu ý giới hoạch định chính sách tài chính – tiền tệ nước này là mặc dù các số liệu cho thấy nền kinh tế thế giới tăng trưởng vừa phải, nhưng không đồng đều, đặc biệt là thu nhập và mức sống của người dân không được cải thiện đáng kể, đã dần hình thành các cuộc khủng hoảng về chính trị bằng các làn sóng chống lại chính phủ. Báo cáo mới nhất của tổ chức Oxfam (Anh) chỉ ra rằng, số lượng tài sản của 1% người giàu nhất thế giới đã vượt qua số tài sản của 99% số người còn lại. Đây có lẽ là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại trong chính sách kích thích kinh tế, khi mà người dân bình thường không có khả năng mua sắm, trong khi tầng lớp trung lưu cũng giảm chi tiêu do thiếu niềm tin vào tương lai. Do vậy, mọi chính sách tài chính – tiền tệ cần được cân nhắc thận trọng và đặt trong một tổng thể chung để thực sự phát huy tác dụng.
(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)