1. Kinh tế thế giới

 

– Kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp: Kinh tế Mỹ, ASEAN-5 tăng trưởng trong lúc nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm tác động mạnh tới kinh tế thế giới.

 

– Giá dầu suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008: dầu WTI xuống mức khoảng 38USD/thùng ngày 24/8, dầu Brent là 42USD/thùng. Nguyên nhân chủ yếu được đánh giá vẫn cung vượt cầu khoảng hơn 1,5 triệu thùng/ngày. Ngày 28/8, giá dầu thế giới có sự hồi phục mạnh mẽ, tăng hơn 10% trong vòng 1 ngày lên mức 42USD/thùng đối với dầu WTI và 47USD/thùng đối với dầu Brent.

 

– Việc điều chỉnh giảm giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đã có tác động đến việc giảm giá mạnh của đồng tiền của nhiều nước (Ringgit của Malaysia; đô la của Australia và New Zealand; Won Hàn Quốc, baht Thái Lan, đồng Việt Nam…) Tuy nhiên một số đồng tiền chủ chốt có xu hướng tăng giá so với đồng USD tháng 7/2015 như Euro và yên Nhật. Dự báo trong thời gian tới đồng USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác do thị trường tiền tệ thế giới đang có biến động lớn sau sự kiện Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phá giá đồng NDT khiến các nhà đầu tư có thể có những điều chỉnh sang lựa chọn các đồng tiền có mức độ ổn định hơn như USD.

 

– Thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc tiếp tục giảm điểm (tính đến cuối tháng 8/2015, so với cuối tháng 7/2015, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 19,32%).

 

*Những yếu tố làm thị trường toàn cầu bất ổn

 

Trong thời gian gần đây, thị trường toàn cầu trở nên bất ổn, nhà đầu tư tại các trung tâm tài chính Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã chứng kiến thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, sau đó phục hồi một phần, mặc dù vẫn giảm đáng kể so với trước đó.

 

Theo các chuyên gia, có một số điều cần lưu ý khi xem xét những vấn đề này. Đầu tiên là việc thị trường chứng khoán phương Tây được định giá cao trong một thời gian không phải vì các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt. Thay vào đó, nó là kết quả của một thời gian kéo dài nhiều năm các ngân hàng trung ương đã bơm tiền vào thị trường toàn cầu thông qua các chính sách nới lỏng tiền tệ, trong đó nổi bật nhất là chính sách nới lỏng định lượng. Việc “tạo” ra tiền theo cách này đã dẫn đến dư thừa vốn, do đó các loại tài sản như chứng khoán và bất động sản đã bị “thổi” giá. Một chiến dịch nới lỏng tiền tệ chưa từng thấy được áp dụng và nhiều người suy đoán rằng những hậu quả tiếp theo sẽ nghiêm trọng khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất và giảm lượng cung tiền. Vì vậy, ở góc độ nào đó, thị trường chứng khoán giảm được coi là tác động thực đến nền kinh tế ngay cả khi các cổ đông không muốn điều đó.

 

Ngoài ra, những yếu tố có thể làm thay đổi định giá thị trường đã xuất hiện, nhưng hầu hết không phải là mới. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã sụt giảm liên tục trong nhiều năm, và số liệu xuất khẩu yếu hơn dự kiến trong tháng 7/2015 cũng không phải xu hướng mới. Sự giảm cầu đã làm hàng hóa không tiêu thụ được và tình hình này có xu hướng diễn ra theo một chu kỳ dài. Các nước xuất khẩu hàng hóa (thường ở các thị trường mới nổi) bị tác động do giá cả hàng hóa giảm cũng đang phải đối mặt với dòng vốn chảy ra ngoài, chuyển đến Mỹ trong kỳ vọng lãi suất được nâng lên.

 

Những vấn đề mà Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt như mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc đã bị gián đoạn vào năm 2008, khi tất cả các khách hàng của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Kể từ đó Trung Quốc đã chuyển hướng thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Vấn đề là để phát triển thành một nền kinh tế hiện đại, theo phong cách phương Tây với thị trường vốn phức hợp, Trung Quốc sẽ cần thuyết phục được các nhà đầu tư phương Tây đầu tư vào một thị trường đang bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã phải đối mặt với “bong bóng” thị trường chứng khoán và nhà đất, cùng với một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và mức nợ cao. Có lẽ là mọi hành động trực tiếp can thiệp để giải quyết những khó khăn này có thể đẩy Trung Quốc xa rời hơn khỏi mô hình thị trường mà Trung Quốc hy vọng có thể giúp họ có được tương lai phát triển, ổn định.

 

Nền kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi. Các thị trường mới nổi cuối cùng cũng đang phải đối phó với những mặt trái luôn song hành cùng mục tiêu tăng trưởng bền vững. Các nền kinh tế khác hiện vẫn đang hy vọng Mỹ sẽ tạo ra đủ lực cầu để giúp họ thoát khỏi khó khăn một lần nữa. Việc chuyển đổi có thể sẽ ảnh hưởng tới không chỉ các thị trường mới nổi mà với bất kỳ quốc gia phương Tây nào liên quan như Tây Ban Nha và Hy Lạp. Một giai đoạn chuyển tiếp như vậy hoàn toàn có khả năng cao tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn, đặc biệt với giá tài sản đã được định giá quá cao.

 

2. Kinh tế trong nước

 

Kinh tế vĩ mô tháng 8/2015 tiếp tục duy trì đà phục hồi ở hầu hết các chỉ số, cụ thể:

 

– Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2015 tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2014 tăng 6,3%).

 

– Nhập khẩu tăng cao nhất từ năm 2011 tới nay: 8 tháng đầu năm tăng 16% so cùng kỳ 2014, trong khi xuất khẩu tăng thấp (chỉ tăng 9% so với cùng kỳ 2014); nhập siêu ước khoảng 3,3 tỷ USD.

 

– Trong 8 tháng đầu năm 2015, thu hút và giải ngân FDI đều tăng trưởng mạnh, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2015 (tăng lần lượt ở mức 30,4% và 7,6% so với cùng kỳ năm 2014). Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng đạt khá, ở mức 132 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2014.

 

– CPI tháng 8/2015 giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 0,61% so với thời điểm tháng 12/2014, tính chung 8 tháng CPI đã tăng 0,83% so với cuối năm 2014.

 

– Tỷ giá VND/USD trong tháng 8/2015 được NHNN điều chỉnh khá mạnh, tổng cộng điều chỉnh thêm 1% tỷ giá tham chiếu, nâng biên độ giao dịch lên 3%, như vậy đã vượt qua mục tiêu phá giá 2% từ đầu năm 2015. Trên thị trường những ngày cuối tháng 8/2015, tỷ giá gần như được giao dịch ở mức trần 22,800VND/USD, tạo sức ép lên chính sách duy trì tỷ giá của NHNN.

 

– Cùng chung xu hướng với TTCK thế giới, TTCK Việt Nam đã giảm mạnh trong tháng 8. Tính đến ngày 28/8/2015, chỉ số VN-Index đạt 568,14 điểm, giảm 8,5% so với cuối tháng 7 và tăng 11,5% so với cuối năm 2014. Mức vốn hóa thị trường đến cuối ngày 24/8 đạt khoảng 1.151 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với cuối tháng 7 và tương đương 29,2% GDP năm 2014.

 

Bên cạnh các yếu tố tích cực, cũng đã và đang xuất hiện một số nhân tố có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thời gian tới, đó là: áp lực tăng giá của đồng USD và sự giảm mạnh của giá dầu thế giới; nhập siêu tăng. Đồng thời, sự biến động của kinh tế tăng và chính sách tài chính tiền tệ của Trung Quốc (giảm giá NDT, hạ lãi suất và dự trữ bắt buộc, bơm tiền vào thị trường tài chính,…) cũng có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư và người dân ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và tài chính trong nước.

 

* Tăng trưởng GDP năm 2015 có thể đạt 6,4%

 

Con số trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015. “Theo tính toán của các chuyên gia, tác động của việc đồng NDT giảm giá và biến động giá dầu như vừa qua là không lớn, dự báo tăng trưởng năm 2015 vẫn có thể đạt ở mức 6,4%”.

 

Trên thực tế, sau động thái Trung Quốc giảm giá đồng NDT, cũng như việc giá dầu giảm sốc xuống dưới 40 USD/thùng, nhiều ý kiến lo ngại việc kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế đã thống nhất quan điểm rằng, những động thái này, cộng thêm việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh tỷ giá VND/USD, thậm chí còn có lợi cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã khẳng định, việc tỷ giá bị đẩy lên sát trần trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, các dấu hiệu căng thẳng về lãi suất ở một số thời điểm và hiện tượng một số doanh nghiệp mua găm ngoại tệ chủ yếu là yếu tố tâm lý. Vì thế, với việc thực hiện các giải pháp ứng phó chủ động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỷ giá và thị trường ngoại tệ sẽ sớm ổn định trở lại.

 

Bên cạnh đó, việc đồng NDT giảm giá, tuy có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, song theo tính toán sơ bộ, thì tác động tổng thể chỉ ở mức thấp. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có thể tăng thêm 0,04% trong năm 2015 và tăng thêm 0,08% trong năm 2016. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do Việt Nam đã chủ động điều chỉnh giảm giá VND, tác động tích cực hỗ trợ xuất khẩu.

 

Giá dầu giảm sẽ tác động giảm chi phí đầu vào của hầu hết các sản phẩm và dịch vụ, vì vậy có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động kiểm soát lạm phát.

 

Tất nhiên, thu ngân sách sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều này đã được dự báo trước và ngay từ cuối năm 2014, Tổ điều hành kinh tế vĩ mô đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp chủ động ứng phó, kể cả với kịch bản giá dầu giảm xuống dưới 40 USD/thùng. Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm, thu từ dầu thô chỉ đạt 50,7% kế hoạch. Tuy nhiên, về tổng thể, tổng thu ngân sách nhà nước trong 8 tháng qua vẫn ước đạt 618.140 tỷ đồng, bằng 67,8% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014.

 

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vẫn giữ nguyên dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 vẫn đạt và vượt mục tiêu (6,2%) đề ra, tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô. Các thành viên Chính phủ, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2015, cũng có chung nhận định như vậy về những động thái tích cực của nền kinh tế.

 

Nhiều số liệu thống kê cũng đã góp phần quan trọng để chứng minh điều này. Chẳng hạn, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước giảm 1,3% so với tháng trước, nhưng tăng 9% so với tháng 8/2014. Tính chung 8 tháng đầu năm, IIP ước tăng 9,9%, cao hơn cùng kỳ các năm trước (năm 2013: 5,3%; năm 2014: 6,3%). Kinh tế rõ ràng đã phục hồi rõ nét hơn.

 

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 8 tháng đầu năm ước tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2014; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua và tổng cầu đang có chuyển biến phục hồi khá tích cực. Sức mua hồi phục sẽ tạo động lực thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, qua đó tác động tới tăng trưởng kinh tế.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định: “Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng về tổng thể, chúng ta vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, nền kinh tế vẫn tiếp tục phục hồi và đạt nhiều kết quả tích cực”.

 

(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp

từ Bộ Tài chínhvà các tạp chí chuyên ngành)