Các chiến sĩ phân đội 1 và 2 quân Giải phóng Trị – Thiên – Huế nghiên cứu sa bàn trước khi tấn công trung đoàn 7 thiết giáp Ngụy. Ảnh tư liệu: Nguyễn Hồng Sáu/TTXGP

 

Đại tá Phan Anh Tuấn (sinh năm 1930), nguyên Phó Chỉ huy trưởng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai từng tham gia Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ông trực tiếp tham gia trận đánh trên đường 19. Khi đó, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 15, Tỉnh đội Gia Lai. Sau này, khi đất nước giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, ông là người đã chắp bút cho cuốn sách “30 năm chiến tranh giải phóng” trên chiến trường Gia Lai. 

Theo Đại tá Phan Anh Tuấn, thời đó, Ban Chỉ huy chung của tỉnh Gia Lai mang mật danh “Mặt trận 300” do đồng chí Nguyễn Văn Trân, Tham mưu phó Mặt trận Tây Nguyên làm Chỉ huy trưởng. Các mệnh lệnh được cấp trên chỉ đạo từ trên xuống và các nhóm, đội chỉ biết nhiệm vụ của từng đơn vị, còn kế hoạch tiến công được giữ bí mật đến phút cuối. Trong Cuộc Tổng tiến công, các đơn vị đều được bổ sung quân số. Ngoài lực lượng bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các huyện lân cận, còn có 40.000 nhân dân của các huyện 3,4,5,6 (vùng ven thị xã Pleiku, nay là thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) và 10.000 quần chúng trong nội thị sẵn sàng nổi dậy khi thời cơ đến. 

Đại úy Dương Công Hoan, nguyên Trợ lý cán bộ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai cho biết: Hòa cùng không khí đón Xuân 1968, trên các thao trường lúc đó, các chiến sĩ rèn luyện chờ ngày xuất quân. Tại khu rừng bên suối đá thuộc xã Đăk-sơ-mei (huyện Đăk Đoa ngày nay), hơn 200 cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn đặc công 408 gấp rút tiến hành công tác chuẩn bị, nghiên cứu các mục tiêu được phân công, sẵn sàng hành quân tiến về thị xã Pleiku. Các bàn đạp vùng ven đã cùng nhân dân chia từng tốp nhỏ, từng hướng khác nhau cải trang làm người đi mua sắm Tết để ra vào thị xã, nghe ngóng tình hình và kịp thời báo cáo lại. Thời điểm đó, ông Hoan mang quân hàm Chuẩn úy, Trưởng ban chính trị Tiểu đoàn Đặc công 408 (tiểu đoàn chủ lực của bộ đội địa phương tỉnh Gia Lai). 

Ngày 29/1/1968, toàn quân, toàn dân trong và ngoài thị xã Pleiku đều ở vị trí xuất phát. Đúng 0 giờ 55 phút ngày 30/1/1968 (Giao thừa Tết Mậu Thân), các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công địch. Lực lượng ta đã chia làm nhiều hướng đột nhập vào nội thị. Đại tá Phan Anh Tuấn cho biết, Tiểu đoàn 15 bộ binh do nhận lệnh chậm nên phải cấp tốc hành quân. Vào 4 giờ sáng, đơn vị đã gặp và đánh địch từ Trà Bá, phát triển đánh một số mục tiêu ở nam chợ Thuần Phong (gần cầu Hội Phú, thành phố Pleiku). Do địch ngăn chặn quá mạnh, đơn vị tổ chức làm công sự trụ bám, ở nhờ nhà dân. Suốt ngày 31/1 (mùng 1 Tết Mậu Thân), đơn vị liên tục chiến đấu, giữ vững đội hình. 

7 giờ ngày mùng 1 Tết Mậu Thân, địch bắt đầu phản kích quyết liệt. Hàng trăm quả đạn đại bác từ các căn cứ pháo binh địch nã vào trung tâm thị xã. Máy bay trực thăng vũ trang từ Sư đoàn 4 Mỹ, Cơ TyPrông đổ về, từng tốp dàn hàng ngang phóng từng chùm rốc-két xuống các khu vực Thuần Phong, Hội Phú, Sư Vạn Hạnh. Suốt ngày mùng 1 Tết, trận địa không ngớt tiếng súng, khói lửa mịt mù. Ta đã diệt được nhiều sinh lực địch, bắn cháy hàng chục chiếc xe tăng, xe cơ giới của địch.   

Liên tục từ ngày 30/1/1968 đến 6/2/1968, quân và dân tỉnh Gia Lai, trọng điểm là thị xã Pleiku đã đồng loạt tiến công, đánh trúng nhiều mục tiêu của địch một cách bất ngờ, khiến quân địch trở tay không kịp, đối phó một cách yếu ớt. Chỉ trong một thời gian ngắn, chiến thắng của ta đã tạo ra một cục diện mới trên chiến trường hoàn toàn có lợi cho ta, đẩy địch lún sâu vào thế phòng ngự bị động. 

Cùng với nhiều địa phương trong nước, vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 trên địa bàn thị xã Pleiku, quân ta đồng loạt tổ chức các trận đánh vào các cơ quan đầu não, kho tàng kiên cố của địch như: Nhà lao Pleiku, Đại đội Bảo An, Ty Ngân khố, Tỉnh đoàn Bảo An, Tòa hành chính… Đặc biệt, quân ta đã đánh vào Nhà lao Pleiku giải phóng hơn 2.000 cán bộ và nhân dân ta. Những trận đánh giữa ta và địch diễn ra giằng co, ác liệt. Ta giành nhiều thắng lợi vẻ vang nhưng cũng chịu nhiều tổn thất, hy sinh. 

Trong chiến dịch Tết Mậu Thân, quân và dân tỉnh Gia Lai (chủ yếu là Mặt trận thị xã Pleiku) đã diệt 3.500 tên địch, trong đó có 1.300 lính Mỹ; phá hủy, phá hỏng 580 xe quân sự, 35 pháo và một số máy bay các loại; đốt cháy hàng triệu lít xăng dầu của địch. 11.000 quần chúng đã xuống đường biểu tình đấu tranh chính trị. Chính quyền một số ấp, xã ở các huyện 3, 4, 5, 6 được thành lập. Hơn 14.000 đồng bào phá “ấp chiến lược” trở về làng cũ; 11 làng ven thị xã được giải phóng. 

Chiến thắng trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân Gia Lai đã góp phần cùng quân dân toàn miền giáng đòn quyết định vào kẻ thù, buộc Mỹ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris, tạo thế và lực mới cho cách mạng để tiếp tục công cuộc “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 

Hồng Điệp (TTXVN)