AIIB là sáng kiến do Trung Quốc đưa ra ngày 2/10/2013 nhân dịp ông Tập Cận Bình tham dự Hội nghị APEC-2013 tại Indonesia. Mục tiêu đưa ra là hỗ trợ các nước châu Á xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy dự án kết nối khu vực. Ngân hàng này có chức năng cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực.
Phần lớn các nước châu Á đều đang cần phát triển cơ sở hạ tầng vốn bị tụt hậu so với nỗ lực hiện đại hóa do thiếu vốn. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu càng làm cho việc khan hiếm vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng càng trở nên trầm trọng. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết trong các năm 2010-2020, nếu cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế châu Á muốn đạt trình độ trung bình thế giới, cần phải đầu tư 8.000 tỷ USD để xây dựng, nhưng nhu cầu vốn này rất khó khăn. Trung Quốc lại có dự trữ ngoại hối lớn khoảng 4.000 tỷ USD.
Theo “Bản ghi nhớ về thành lập AIIB” được ký kết tại Bắc Kinh vào tháng 10/2014 bởi 21 nước châu Á, vốn đăng ký của ngân hàng này là 100 tỷ USD. Trung Quốc cho biết vốn đầu tư của Trung Quốc có thể chiếm tới 50%. Đối với phần lớn các nước châu Á chẳng khác nào “buồn ngủ gặp chiếu manh”. Theo kế hoạch, AIIB sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015 sau khi các cổ đông sáng lập thông qua và ký kết các điều khoản thỏa thuận.
Các thành viên tham gia sáng lập gồm Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kuwait, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Uzbekistan và Việt Nam. Đài Loan cũng đăng ký làm thành viên.
“Những con ngựa thành Troa”?
Điều đáng kể là nhiều nước phương Tây (trừ Mỹ và Nhật Bản), Anh, Đức, Pháp, Ý đã đăng ký tham gia với tư cách thành viên sáng lập. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ nhiều nước phương Tây gia nhập AIIB chủ yếu vì họ nhận thấy cơ hội thương mại to lớn tiềm tàng trong xây dựng cơ sở hạ tầng châu Á.
Trái với những ý kiến phản đối mạnh mẽ ban đầu đối với việc thành lập một định chế tài chính mới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ngày cho biết, Washington ủng hộ đề xuất của Trung Quốc về thành lập AIIB với phần lớn vốn đầu tư ban đầu là của Trung Quốc. Nếu AIIB phối hợp với các định chế tài chính hiện hành để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á sẽ giúp chứng tỏ cam kết đáng tin nhất về cách thức quản lý, an ninh môi trường và xã hội, khả năng trả nợ.
Với thành công AIIB, Trung Quốc được xem là đã “cắm chốt” được vào trật tự tài chính quốc tế được thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới lần II. Đây sẽ là một đóng góp tích cực của Trung Quốc đối phát triển châu Á, một bước tiến của Trung Quốc trong việc xây dựng một khu vực ảnh hưởng kinh tế tài chính từ lâu Bắc Kinh mong đợi.
Tuy nhiên, AIIB không thể thay thế các cơ chế tài chính hiện hành khác, ngay cả Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản nắm vốn chủ đạo.
Sự gia tăng nhanh chóng số thành viên tham gia đã vượt quá sự mong đợi của Trung Quốc và giúp Bắc Kinh giành được ưu thế về ngoại giao. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự gia nhập của các cường quốc Tây Âu cùng với Hàn Quốc và Australia có thể là “những con ngựa thành Troa”, sẽ làm cho vai trò lãnh đạo của Trung Quốc bị giảm đi rất nhiều.
Mỹ và triển vọng TPP
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ về vai trò lãnh đạo tại châu Á, Bắc Kinh gần đây có vẻ đã giành được ưu thế. Nỗ lực của Mỹ nhằm vận động tẩy chay Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng đã chấm dứt với kết quả không như Washington mong đợi.
Mỹ đang tìm lại “chiến thắng” bằng cách thuyết phục 11 quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương tham gia vào một thỏa thuận thương mại được gọi là Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Được mô tả là sáng kiến thương mại quan trọng nhất kể từ khi vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra năm 2001 sụp đổ. TPP có thể kết nối 2 nền kinh tế lớn của thế giới – Mỹ và Nhật Bản – vào trong một khối chiếm 40% sản lượng hàng hóa toàn cầu. Những người ủng hộ thỏa thuận này cho rằng hiệp định này cũng là một sự tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực tại một thời điểm mà sức ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, tỷ lệ đặt cược vẫn rất cao. Nếu TPP thất bại hoặc không hoàn tất – nó sẽ là một thất bại nữa của Mỹ. TPP không có sự tham gia của Trung Quốc. Mỹ không mời Trung Quốc tham gia TPP là có 2 mục đích. Hiệp định này là một chính sách “xoay trục kinh tế” tới châu Á, cam kết thương mại của Washington nhằm duy trì sự can dự quân sự trong khu vực. Tuy nhiên, điều này dường như đã khiến các đồng minh của Mỹ không hài lòng.
Hầu hết các nước đều bày tỏ quan ngại rằng, một vài điều khoản can thiệp vào công việc nội bộ của họ. Thực vậy, TPP ngoài việc giảm thuế quan để giải quyết vấn đề “các rào cản sau biên giới” được cho là cản trở hoạt động thương mại và đầu tư , chúng bao gồm các quy trình đấu thầu, quy định tài chính, quy tắc bảo vệ dữ liệu và các luật sở hữu trí trí tuệ. Những người phản đối đến từ Australia tới Nhật Bản cho rằng, đây là một điều lệ để can thiệp vào tất cả mọi thứ từ giá dược phẩm đến quảng cáo thuốc lá.
Một lý do khác đó là, Mỹ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ bị giảm uy tín vì không được mời gia nhập TPP, có thể sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tiến hành cải cách nền kinh tế để tham gia ở giai đoạn sau. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ủng hộ một sáng kiến thương mại thay thế trong khu vực – Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Điều đáng nói đây là một câu lạc bộ mà Mỹ không được mời.
Dù sao TPP cũng được coi là một trong những bức tranh tốt nhất trong di sản chính sách đối ngoại của ông Obama. Nếu TPP được thông qua, cơ hội mà nó mang lại cũng khó làm hài lòng các đối tác Thái Bình Dương của Washington.
Đối với Bắc Kinh, chiến thắng mà AIIB mang lại thực sự đã khiến cho cuộc “tỉ thí ảnh hưởng kinh tế” với Washington tại châu Á trở nên khá thú vị.
(nguồn tổng hợp từ Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)