Mục tiêu kiểm soát Ấn Độ Dương

Lầu Năm Góc mới đây đã tiết lộ, Trung Quốc tiếp tục tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng biển, tàu ngầm và năng lực không quân, nhằm mở rộng phạm vi tấn công của tên lửa ở Ấn Độ Dương. Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội về các hoạt động quân sự của Trung Quốc năm 2016 cho biết, bên cạnh việc mở rộng tầm bắn của các tên lửa hành trình chống hạm, Trung Quốc có thể sẽ phát triển năng lực nhằm trang bị tên lửa hành trình đối đất cho tàu khu trục tên lửa lớp Luyang III mới, qua đó cho phép PLA-N tiến hành các cuộc tấn công đất liền từ biển. Theo Lầu Năm Góc, đây là một phần của chiến lược triển khai sức mạnh quân sự ở Ấn Độ Dương, bất kể việc thiếu sự hỗ trợ về hậu cần và tình báo của các nước trong khu vực.

 

 

Một số nhà phân tích cho rằng, bằng cách mở rộng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương, Bắc Kinh muốn kiểm soát vùng biển quan trọng, nơi có tới 70% tuyến vận tải thương mại thế giới đi qua; đồng thời giúp Trung Quốc thuận tiện hơn trong việc thách thức đối thủ của nước này trong khu vực là Ấn Độ.

Chiến lược toàn cầu

Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh của lực lượng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA-N) bên ngoài khu vực Biển Đông và mở rộng tới Ấn Độ Dương là một phần trong tham vọng của hải quân Trung Quốc trở thành lực lượng quân sự toàn cầu.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á Abraham M. Denmark cho biết, ví dụ nổi bật nhất về tham vọng mở rộng sức mạnh PLA-N là việc Bắc Kinh tháng 11/2015 đã tuyên bố thiết lập một cơ sở quân sự ở Djibouti, vùng Sừng châu Phi. Đây sẽ là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài, đánh dấu bước tiến lớn của quân đội Trung Quốc. Lầu Năm Góc còn cho hay, Trung Quốc có thể sẽ thiết lập thêm các trung tâm hậu cần cho hải quân ở những nước mà Bắc Kinh có quan hệ lâu dài và tương đồng về các lợi ích chiến lược, chẳng hạn như Pakistan. Thời gian gần đây, Bắc Kinh tích cực đẩy mạnh quan hệ với Islamabad, trên cả lĩnh vực thương mại và quốc phòng. Pakistan vẫn là khách hàng hàng đầu của Trung Quốc đối với các loại vũ khí thông thường. Trung Quốc cũng đang tham gia bán vũ khí, hợp tác công nghiệp quốc phòng với Pakistan, trong đó có các dự án hợp tác sản xuất hệ thống tên lửa đất đối không LY-80, tàu khu trục F-22P, tên lửa hành trình chống hạm và các xe tăng hiện đại. Mục tiêu của hải quân Trung Quốc trong những thập kỷ tới là trở thành lực lượng hải quân hùng mạnh, tăng cường hiện diện ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đáp ứng các hoạt động quân sự cường độ cao kéo dài vài tháng.

Theo Rick Fisher, thành viên cấp cao của Trung tâm Đánh giá và chiến lược quốc tế, có trụ sở tại Washington, Mỹ, việc Trung Quốc theo đuổi tham vọng quân sự toàn cầu sẽ tạo ra những thách thức mới đối với Mỹ vào giữa những năm 2020. Trong vòng 15 năm qua, Trung Quốc không ngừng xây dựng, củng cố sức mạnh kinh tế và quân sự, được nhìn nhận là cách tiếp cận của Trung Quốc nhằm mở rộng sức mạnh quân sự và ảnh hưởng ra toàn cầu. Ông Fisher cho rằng, Lầu Năm Góc chậm trễ trong việc cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Mỹ về tham vọng chiến lược toàn cầu của Trung Quốc. Với những căn cứ quân sự, cảng nước sâu ở nước ngoài, từ Sri Lanka tới Djibouti, cùng các chương trình đóng tàu sân bay và mở rộng phạm vi tấn công tên lửa, Trung Quốc đang thực hiện tham vọng kép: mở rộng sức mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự trên toàn thế giới, nhằm rút ngắn khoảng cách với Mỹ.

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)