Kết quả không như mong đợi

 

Kêu gọi bầu cử sớm từng được cho là bước đi chiến thuật của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm gia tăng quyền lực cho chính phủ Bảo thủ trước khi bước vào cuộc đàm phán Brexit, bởi bà cho rằng việc đảng Bảo thủ chỉ nắm thế đa số khá mong manh tại Hạ viện như trước đây có thể khiến tiến trình đàm phán Brexit bị đe dọa. Song, kết quả bầu cử lần này là bước “thụt lùi” đối với đảng Bảo thủ khi họ để mất tới 12 ghế so với kỳ bầu cử trước. Trong khi đó, tuy về thứ hai, nhưng Công đảng lại được coi là thắng lợi khi gia tăng được 30 ghế tại cơ quan lập pháp lên 262 ghế. “Nước cờ” của Thủ tướng Anh Theresa May trong việc tiến hành tổ chức bầu cử trước thời hạn dường như đã phản tác dụng, khi đảng Bảo thủ của bà không thể giành được đa số ghế quá bán tại hạ viện. Cuộc bầu cử mà bà May kỳ vọng tạo ra một “chính phủ mạnh và ổn định” này sẽ chỉ đem lại bất ổn và tạo cơ hội cho một cuộc bầu cử sớm khác. Mặt khác, kết quả của cuộc bầu cử cũng gây ra những nghi ngờ về vị trí của bà trong vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ, cũng như tạo sức ép từ chức lên nữ chính khách này.

 

 

Có thể nói, Thủ tướng Anh Theresa May và đảng Bảo thủ đã đi một nước cờ sai trong cuộc bầu cử trước thời hạn mà ban đầu tưởng chừng nắm chắc phần thắng, khi chỉ giành được 318 ghế, không đủ đa số cần thiết (326/650) để đứng ra thành lập chính phủ. Không chỉ giáng “một đòn đau” vào uy tín của Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền, kết quả này còn báo hiệu nước Anh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước khi khởi động tiến trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit – dự kiến diễn ra vào ngày 19/6. Một kịch bản ngoài dự kiến có thể đẩy nền chính trị nước Anh rơi vào rối loạn, thậm chí cuộc đàm phán Brexit có thể bị trì hoãn vô thời hạn.

 

Kết quả bầu cử cho thấy sự tín nhiệm của cử tri đối với hai chính đảng lớn nhất tại Anh đã thay đổi nhiều so với gần 2 tháng trước, thời điểm bà May bất ngờ kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm hơn lịch trình tới gần 3 năm. Vào thời điểm đó, đảng Bảo thủ được tin tưởng sẽ dễ dàng thắng áp đảo để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới. Tới tận cuộc bầu cử địa phương đầu 5 vừa qua, đảng Bảo thủ vẫn chiến thắng vang dội, khiến bà May càng tự tin vào quyết định của mình.

 

Tuy nhiên, 3 vụ tấn công khủng bố liên tiếp trong vòng 2 tháng, trong đó có 2 vụ ngay tại London, thậm chí vụ mới nhất xảy ra chỉ 5 ngày trước cuộc tổng tuyển cử, được xem là một trong những nguyên nhân làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử tại Anh. Những sự kiện đó giáng đòn đau vào uy tín Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền.

 

 

Bà May từng phụ trách vấn đề an ninh và giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trước khi trở thành Thủ tướng, bị chỉ trích là đã không đưa ra được những biện pháp cụ thể để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Đây là điều khiến cử tri Anh dần mất lòng tin vào Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền. Từ mức chênh lệch cao kỷ lục 21% hồi cuối tháng 4, khoảng cách giữa đảng Bảo thủ và Công đảng đã dần thu hẹp, và tới sát thời điểm bầu cử, kết quả thăm dò cho thấy đảng Bảo thủ chỉ dẫn trước Công đảng khoảng 3%.

 

Kêu gọi bà May từ chức

 

Sau khi kết quả chính thức được công bố, nhiều nghị sỹ Công đảng và những người ủng hộ đã nhanh chóng kêu gọi bà May từ chức. Thủ lĩnh Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn còn không ngại ngần khi tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng thành lập chính phủ thiểu số, thậm chí thẳng thừng kêu gọi Thủ tướng May từ chức khi mà uy tín của đảng Bảo thủ giảm sút rõ rệt.

 

Trong khi đó, bà Nia Griffith, người được cho là nhiều khả năng sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Công đảng, cũng khẳng định bà May không còn có đủ tư cách để tiếp tục lãnh đạo đất nước sau quyết định sai lầm của mình. Áp lực tiếp tục đè nặng lên Thủ tướng Anh sau khi hai cố vấn cấp cao của bà là Nick Timothy và Fiona Hill, đồng Chánh văn phòng nội các của Thủ tướng May, từ chức do phải chịu hàng loạt chỉ trích từ trong chính nội bộ đảng Bảo thủ, cho rằng chiến dịch tranh cử kém hiệu quả khiến đảng này mất thế đa số tại Quốc hội.

 

Nhiều tờ báo vốn ủng hộ Thủ tướng Anh nay cũng đồng loạt đăng tải những bài viết chỉ trích sai lầm của bà. Một số bài viết còn nhận định nếu bà May không nhận thức được rằng đó là một nước cờ sai lầm, mà vẫn tiếp tục cố chấp với vị trí này thì điều bà ấy nhận được là chính đảng của bà ấy sẽ tìm cách tổ chức một cuộc bầu cử để thay thế bà.

 

 

Nếu bà May buộc phải ra đi, đây sẽ là lần thứ hai trong vòng một năm nước Anh phải chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo sau khi một thủ tướng của đảng Bảo thủ đánh cược sự nghiệp chính trị của mình để chịu lấy “cay đắng” khi kêu gọi một cuộc bỏ phiếu quy mô toàn quốc.

 

Mặc dù đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP – đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland) đã nhất trí ủng hộ chính phủ thiểu số của Thủ tướng Theresa May một cách không chính thức để có thể thành lập chính phủ liên minh, song điều này đồng nghĩa với việc bà May sẽ phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ đảng để tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo, và nếu có đủ số thành viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống, việc bà May ra đi sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. 

 

Tương lai Brexit và đồng bảng Anh

 

Đồng bảng đã rớt giá mạnh, giảm tới 2,5%, do những mối quan ngại về sự bất ổn đối với kinh tế Anh và tiến trình đàm phán Brexit.

 

 

Sau kết quả bầu cử ngày 8/6 không như mong đợi, việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May vượt lên trên các đảng khác song không đạt đủ 326 ghế cần thiết tại Hạ viện để tự thành lập chính phủ đã khiến bà May không có được sự hậu thuẫn vững chắc trong quá trình đàm phán Brexit như bà mong muốn khi quyết định bầu cử sớm, mà còn dẫn tới khả năng cuộc đàm phán Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), với liên minh này có thể không diễn ra vào ngày 19/6 như kế hoạch đã định. 

 

Trước mắt, khi chỉ thời hạn bắt đầu đàm phán với EU liên quan đến Brexit không còn nhiều, Thủ tướng May có thể yêu cầu EU tạm hoãn lại việc này để nước Anh có thời gian thành lập chính phủ mới. Người phụ trách đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, cảnh báo rằng điều này khiến các cuộc đàm phán vốn đã phức tạp sẽ càng trở nên khó khăn hơn, trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hy vọng cuộc đàm phán diễn ra đúng thời hạn. 

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng việc thành lập một chính phủ liên minh cũng không phải hoàn toàn bất lợi cho tiến trình Brexit, bởi với một chính phủ liên minh, lập trường của Anh trong quá trình đàm phán rời EU có thể mềm mỏng hơn và cơ hội nước Anh sẽ ở lại Khu vực thị trường chung châu Âu cũng lớn hơn. Điều này được thể hiện phần nào qua diễn biến trên thị trường tiền tệ và tài chính Anh trong ngày 9/6.

 

Ngay sau khi cuộc bầu cử sớm cho kết quả Quốc hội “treo”, đồng bảng đã rớt giá mạnh, giảm tới 2,5%, do những mối quan ngại về sự bất ổn đối với kinh tế Anh và tiến trình đàm phán Brexit, song triển vọng một Brexit “mềm” hơn với chính phủ liên minh lại giúp đồng bảng mạnh lên. Giới phân tích cho rằng, trước mắt đồng bảng sẽ dao động mạnh, nhưng trong dài hạn, triển vọng Brexit “mềm” hơn sẽ có lợi cho kinh tế Anh và giúp đồng bảng đi lên. 

 

Thủ tướng May tuyên bố bà sẽ không từ chức nhưng có thể việc bà thôi giữ chức vụ này chỉ là vấn đề thời gian. Vậy ai sẽ là người lên thay và người đó sẽ ủng hộ Brexit “cứng” hay “mềm” hay một lập trường nào khác. Giới phân tích cũng cho rằng không loại trừ khả năng Chính phủ Anh sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác vào cuối năm nay. 

 

Điều này rất có thể sẽ làm gia tăng rủi ro chính trị lên đồng bảng. Các chuyên gia tiền tệ dự báo trong bối cảnh hiện nay, nhiều khả năng đồng bảng sẽ giảm gần xuống ngưỡng 1,20 USD đổi 1 bảng, song cũng có thể một Brexit “mềm” hơn sẽ giúp đồng tiền này tăng lên trên ngưỡng 1,3 USD.

 

(Nguồn Trung tâm thông tin công tác tư tưởng Thành phố)