Báo động về an ninh

Chỉ tính riêng tuần cuối cùng của tháng 4/2016,  giới chức Venezuela đã phải giải quyết khoảng 30 vụ biểu tình lớn nhỏ; đập phá cửa hàng, cướp bóc, hôi của xảy ra tại nhiều thành phố. Có những ý kiến cho rằng, các cuộc biểu tình này một phần là do người dân phẫn nộ với tình trạng thiếu hụt năng lượng và cắt điện kéo dài, khiến sinh hoạt và sản xuất bị đình trệ. Trong khi một số quan chức thì cho rằng những đối tượng này thuộc các tổ chức chống đối chính phủ, với âm mưu lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.

 

 

Tình trạng cướp bóc và hôi của vẫn xảy ra bất chấp một loạt các biện pháp tiết kiệm điện của Chính phủ. Ngày 2/5 vừa qua, Chính phủ Venezuela đã quyết định đổi múi giờ, đẩy sớm lên 30 phút thành GMT-4 nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt điện. Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu nhân viên của các cơ quan nhà nước chỉ làm việc 2 ngày/tuần để giảm tối đa lượng điện tiêu thụ, đồng thời tiến hành cắt điện luân phiên trong vòng 40 ngày tại nhiều khu dân cư.

Hạn hán nghiêm trọng tại Venezuela kể từ năm 2010 đã khiến lượng nước trong hồ chứa tại đập Guri xuống thấp, khiến quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất Nam Mỹ và lớn thứ 5 trên thế giới này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện năng nghiêm trọng do thủy điện cung cấp tới 70% lượng điện của Venezuela.

Khủng hoảng bủa vây

Không chỉ thiếu điện, Venezuela trước mắt đang bị 6 nguy cơ đe dọa: kinh tế lạm phát ở mức 300%; nguy cơ vỡ nợ do công khố kiệt quệ vì giá dầu giảm; tình trạng thiếu điện và các nhu yếu phẩm ngày càng nghiêm trọng; nạn tham nhũng và tội ác tràn lan khiến dân chúng phẫn nộ và hoang mang; hành chính công tê liệt không giải quyết nổi các nhu cầu xã hội, nhất là y tế và thuốc men.

Sau một chu kỳ thịnh vượng dài nhất từ một thế kỷ qua, dự trữ ngoại tệ của Venezuela đang từ 29 tỷ USD năm 2012, rơi xuống còn 15 tỷ  USD năm 2015. Nợ nước ngoài của Caracas lên tới 250 tỷ USD. Chính quyền của Tổng thống Maduro đã phải chi ra tới 27 tỷ USD chỉ để trả tiền lãi cho các chủ nợ trong năm 2015. Tổng sản phẩm nội địa giảm mạnh trong hai năm liên tiếp (-3,9% năm 2014 và -5,7% năm 2015). 95% thu nhập quốc gia và 45% ngân sách nhà nước lệ thuộc vào dầu hỏa đã giảm mất gần 70% trong 2 năm qua. Tài chính và kinh tế của Venezuela điêu đứng theo. Bội chi ngân sách của Venezuela tương đương từ 18 – 20% GDP.

Không chỉ phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, Venezuela đang lâm vào bế tắc chính trị khi phe đối lập kiểm soát thế đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 12/2015. Tình trạng chung sống chính trị khó khăn giữa một Tổng thống và một Quốc hội thuộc hai phe đối lập đã khiến quốc gia này không thể thống nhất được các giải pháp cải cách và cứu vãn kinh tế. Vì vậy, một kịch bản đầy màu sắc Nam Mỹ vẫn có thể xảy ra dù với xác suất thấp, đó là quân đội có thể sẽ lại đảo chính.

Không thể đổ lỗi cho giá dầu

Các chuyên gia cho rằng, cuộc khủng hoảng của Venezuela có nguồn cội sâu xa hơn nhiều, chứ không chỉ đơn thuần là do khủng hoảng dầu mỏ. Vì một nước lân cận là Mexico cũng có sản lượng dầu rất lớn là hơn 2 triệu thùng/1ngày như Venezuela, nhưng Mexico không lâm vào khủng hoảng dù hiện nay xuất khẩu dầu thô chỉ chiếm 5% của tổng sản lượng nội địa của nước này trong khi đó tại Venezuela vẫn là 22,5%, hơn gấp 4 lần.

Thực ra nguy cơ khủng hoảng đã xuất hiện một lần vào năm 2000, nhưng cố Tổng thống Hugo Chavez vẫn theo đường lối cố hữu: Tăng chi tiêu ngân sách để gây ấn tượng tăng trưởng, tiếp tục quốc hữu hóa nhiều khu vực sản xuất và kiểm soát giá cả làm lệch lạc bài toán kinh tế. Khi được Hugo Chavez chọn làm người kế nhiệm từ năm 2014, Nicolas Maduro vẫn theo đuổi đường hướng kinh tế đó trong khi thiếu uy tín chính trị như vị tiền nhiệm và quốc gia này bắt đầu gặp khó khăn khi nguồn thu lớn nhất cho ngân sách là dầu thô bị sụt giá mất 2/3 kể từ 2011.

Sau khi lên nắm quyền năm 1999, Tổng thống Hugo Chavez theo đuổi hai chủ trương kinh tế gọi là Chavismo: Quốc hữu hóa bộ máy sản xuất, nhất là năng lượng và công nghiệp nặng và cung cấp các dịch vụ xã hội cho dân nghèo, như y tế giáo dục và tiện ích công cộng với giá cực rẻ, gần như miễn phí. Trong thời gian nguồn năng lượng dồi dào, chính sách này đã mang lại cho ông Chavez sự ủng hộ và yêu mến của dân chúng. Tuy nhiên, hậu quả của mô hình Chavismo là tình trạng quản lý kém hiệu quả do không có tính cạnh tranh, nuôi dưỡng nạn tham nhũng và các quyết định sử dụng tài nguyên lãng phí. Khi đó, chính quyền không tính ra phí tổn thật của các sản phẩm và tin là với lượng dầu thô vô tận từ lòng đất, quốc gia sẽ có tiền thanh toán mọi sự. Khi giá dầu thô sụt giảm nghiêm trọng, các vấn nạn kinh tế bắt đầu nảy sinh.

 

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)