Nhân kỷ niệm 12 năm Ngày thành lập Tổng Công ty (02/11/1995 – 02/11/2007), xin được mạnh dạn có đôi điều trao đổi về vấn đề quan trọng này.
Chúng ta đều biết văn hóa doanh nghiệp là sự tổng hòa của các quan niệm giá trị, tiêu chuẩn đạo đức, triết lý và ý tưởng kinh doanh, quy phạm hành vi, phương thức quản lý và quy tắc chế độ được toàn thể thành viên trong doanh nghiệp chấp thuận, tuân theo. Như vậy cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là tinh thần doanh nghiệp và quan điểm về giá trị doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp lấy việc phát triển toàn diện con người làm mục tiêu cuối cùng, vì vậy là yếu tố tối quan trọng của đời sống thực tiễn doanh nghiệp. Sự phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong nhiều năm gần đây đã chứng tỏ rằng, doanh nghiệp muốn đứng vững được trong sự cạnh tranh gay gắt của thị trường thì nhất thiết phải tiến hành xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, tác giả Mai Hải Oanh cho rằng, trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, văn hóa doanh nghiệp Việt nam có 4 đặc điểm nổi bật là tính tập thể – tính quy phạm – tính độc đáo và tính thực tiễn.
Đối chiếu 4 đặc điểm trên với điều kiện và tình hình thực tế của Tổng Công ty Thương mại Sài gòn (sau đây gọi tắt là TCT), chúng ta có thể nhận thấy :
– Về “tính tập thể Satra” :
Kể từ khi có quyết định thành lập (02/11/1995) cho đến nay, có thể nhận định rằng bản thân các thành viên Satra đều có tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Đây chính là truyền thống đoàn kết của Satra. Một vài ví dụ điển hình : Ngày 29/10/2002 đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) thuộc Công ty Vàng bạc đá quý Thành phố (SJC) – một doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Thương mại Sài gòn. Chỉ sau 02 ngày vận động, Công ty và Tổng Công ty đã quyên góp được 01 tỷ đồng để sử dụng cho công tác giải quyết chính sách, cứu trợ cho các nạn nhân. Hoặc vào dịp Tết Nguyên đán 2006, Công đoàn Tổng Công ty đã vận động được trên 600 triệu đồng để giúp đỡ cho người lao động của Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (Cofidec) có tiền lo việc tàu xe về quê ăn Tết cổ truyền của dân tộc với gia đình,… Vì vậy có thể nói tính tập thể, lòng nhân ái chính là một chuẩn mực đạo đức do toàn thể người lao động của Satra vun đắp nên.
– Về “tính quy phạm Satra” :
Hiện nay trong phạm vi nội bộ của Satra Group thì văn bản có giá trị pháp lý cao nhất chính là Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Thương mại Sài gòn theo mô hình Công ty Mẹ-Công ty con, được ban hành theo Quyết định số 6282/QĐ-UBND ngày 12/12/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Dưới văn bản này là hàng loạt các văn bản quy phạm nội bộ khác như Quy chế quản lý Tài chính của TCT (được phê duyệt theo Quyết định số 3279/QĐ-BTC ngày 03/10/2006 của Bộ Tài Chính), Quy chế về mối quan hệ công tác trong TCT (được ban hành theo Quyết định số 158/QĐ-TCT ngày 11/5/2007 của Tổng Giám đốc TCT), Quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị Công ty Mẹ (được ban hành theo Quyết định số 153/QĐHĐQT-TCT ngày 04/5/2007 của Chủ tịch Hội đồng quản trị TCT),…
Với hệ thống các văn bản quy phạm nội bộ tương đối đầy đủ như trên, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa cá nhân và tập thể ở từng doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác (trong cùng Satra Group), giữa doanh nghiệp là Công ty con hoặc Công ty liên kết với Công ty Mẹ,… thì các bên đều có thể cùng phát huy tinh thần văn hóa Satra để có thái độ lắng nghe, giải quyết tất cả các tranh chấp thông qua phương pháp hòa giải.
– Về “tính độc đáo Satra” :
Trả lời câu hỏi được đặt ra : Tính độc đáo, tính đặc thù riêng có của Satra (phải hoàn toàn khác biệt so với tính đặc thù của các doanh nghiệp khác) là gì sẽ không dễ dàng và có thể có nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau. Đó có phải là truyền thống “tương thân, tương ái” như trên đã nêu ? Đó có phải là tính độc lập trong suy nghĩ và hành động, biết khao khát tìm kiếm những con đường đi mới của riêng mình để đạt đến sự thành công ?…
Có lẽ đây chính là vấn đề sẽ được trao đổi, tranh luận nhiều nhất trong quá trình xây dựng nội dung của đề cương văn hóa Satra trong thời gian tới.
– Về tính “thực tiễn Satra”:
Thực tiễn luôn là tiêu chuẩn của chân lý! Văn hóa Satra sẽ phát huy vai trò của nó trong quá trình phát triển của Satra, đồng thời chính thực tiễn phát triển của Satra là tiêu chuẩn chính xác nhất để “kiểm định” sức sống, sức cuốn hút và lan tỏa của văn hóa Satra và để giúp cho mọi thành viên trong đại gia đình Satra biết thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho văn hóa Satra ngày càng hoàn thiện hơn, cả về nội dung và hình thức.
Khi tiến hành nghiên cứu xây dựng những nội dung của văn hóa Satra, cần chú ý một số vấn đề mang tính nguyên tắc chung. Đó là : Phải quan niệm lấy con người Satra làm gốc (chương trình phát triển nguồn nhân lực không thể chỉ chú trọng việc đào tạo những người sẽ được làm Giám đốc hay những chuyên gia giỏi mà còn phải chú ý đến việc đào tạo đội ngũ những người thợ giỏi, những người buôn bán giỏi) – Phải quan niệm hướng tới khách hàng và thị trường (nhất là thị trường xuất khẩu) – Phải tăng cường về đạo đức, quan tâm đến vấn đề an sinh cho doanh nghiệp và xã hội, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.
Ngoài ra cũng cần phải giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa văn hóa Satra với văn hóa của từng doanh nghiệp cụ thể (văn hóa Bình Điền phải mang đậm tính sôi nổi, hào phóng của miền đất Nam bộ – nơi cung cấp toàn bộ nguồn nguyên liệu thủy sản và cây trái cho chợ đầu mối lớn nhất cả nước; văn hóa TAX phải thể hiện tính chuyên nghiệp và hiện đại của một Trung tâm thương mại quốc tế tại vị trí khu đất có giá trị “kim cương” của Thành phố,…). Đây thực chất là mối quan hệ biện chứng của cặp phạm trù triết học cái chung và cái riêng : Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng. Cái riêng chỉ tồn tại trong mối quan hệ đưa đến cái chung. Cái chung sâu sắc hơn cái riêng, cái riêng phong phú hơn cái chung. Lê nin cũng đã cho rằng “bất cứ cái riêng nào cũng không gia nhập đầy đủ vào cái chung”, vì vậy cần phải rất lưu ý vấn đề này.
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 12 năm Ngày truyền thống thành lập TCT (02/11/2007), Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Minh nhấn mạnh : “Từ năm 2008 phải có kế hoạch xây dựng và triển khai cụ thể các nội dung và thiết chế của văn hóa doanh nghiệp – văn hóa Satra và coi đây là hành trang quan trọng không thể thiếu để cùng đồng hành trên bước đường hội nhập và phát triển của Satra Group”. Vấn đề là từ nhận thức đến hành động luôn có một khoảng cách! Chúng ta đã có chuyển biến trong nhận thức về văn hóa doanh nghiệp nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, chúng ta vẫn chưa có hành động cụ thể nào để xây dựng và nuôi dưỡng nền văn hóa ấy. Đó quả là điều rất đáng tiếc!
Nhưng dù sao thì như ông bà ta thường nói : chậm còn hơn không! Tôi cho rằng phải khẩn trương giao nhiệm vụ cụ thể về xây dựng văn hóa doanh nghiệp – văn hóa Satra cho một bộ phận, một tổ chức nhất định và cho những con người nhất định. Đồng thời phải xác định đó là nhiệm vụ chung của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Với tình hình thực tế hiện nay thì phải chăng tốt nhất là giao nhiệm vụ này cho Nhóm giải pháp 7 của Đảng ủy Tổng Công ty chịu trách nhiệm chính ? Trong quá trình thực hiện, có thể thuê các tổ chức/cá nhân tư vấn chuyên nghiệp trong lĩnh vực này đảm nhận một số phần công việc, nhưng theo tôi thì tốt nhất vẫn là chúng ta “tự mình làm cho mình”!
Làm sao để có được một phong trào hành động sôi nổi trong việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp – văn hóa Satra của đội ngũ người lao động Satra, mà có thể (và cần phải) phát huy được vai trò xung kích của thế hệ trẻ Satra do Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của Tổng Công ty lãnh đạo – những chủ nhân tương lai của Satra ? Trả lời đúng câu hỏi này thì đoàn tàu Satra (mà dẫn đầu là chiếc tàu Công ty Mẹ) mới hoàn toàn có thể vững vàng tiến bước trong mọi điều kiện và hoàn cảnh “sóng to, gió lớn” của hoạt động sản xuất – kinh doanh trên thị trường trong nước và quốc tế, và khi đó thì khẩu hiệu hành động chung “Satra-Tự tin vươn xa cùng bè bạn” mới sớm trở thành hiện thực.
Một vài ý kiến trên đây chắc chắn còn chưa đầy đủ và hoàn chỉnh về mối quan tâm lớn của các thành viên trong đại gia đình Satra. Nếu có thiếu sót, xin mong được lượng thứ.
Nguyễn Minh Hùng Chánh Văn phòng TCT