Chủ nghĩa dân tộc phát triển mạnh ở châu Âu và châu Á

Các hàng rào hạn chế người nhập cư sẽ tiếp tục được dựng lên ở châu Âu. Đảng Nước Anh độc lập (UKIP) đang cạnh tranh mạnh mẽ không chỉ về tỷ lệ ủng hộ mà cả về mặt thành viên với đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron. Các đảng chống người nhập cư và dân tộc chủ nghĩa cũng đang mạnh lên ở Pháp (đảng Mặt trận dân tộc), Italy (đảng 5 sao), Thụy Điển (đảng Dân chủ) và Phần Lan (đảng Phần Lan chân chính). Ngay cả ở Đức, chủ trương phản đối sử dụng đồng euro thu hút không ít người ủng hộ. Năm 2015 dự báo sẽ là giai đoạn tiếp tục khó khăn của nhiều nền kinh tế châu Âu nếu châu Âu vẫn theo đuổi các biện pháp cấm vận với Nga. Khi chính người bản địa còn không có việc làm, tâm lý phản đối người nhập cư sẽ càng mạnh. Khái niệm “người nhập cư” ở đây không chỉ là người đến từ các châu lục khác mà cả công dân từ các nước châu Âu kém phát triển hơn.



 


Nếu ở châu Âu vấn đề bắt nguồn từ kinh tế, thì chủ nghĩa dân tộc ở châu Á là phản ứng tất nhiên trước thái độ gây hấn của Trung Quốc với hầu hết các nước láng giềng. Do đó, sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở châu Á đáng lo ngại hơn ở châu Âu bởi nó hiện thực hóa thành những cuộc chạy đua vũ trang. Nhật Bản đã giải thích lại Hiến pháp để có quyền phòng vệ tập thể và sẽ tiếp tục có nhiều bước đi củng cố sức mạnh lực lượng vũ trang trong năm nay. Các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc như Philippines tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh quân đội. Ấn Độ tập trung nghiên cứu các vũ khí chiến lược mới, khiến người láng giềng không mấy hòa thuận là Pakistan cũng chạy đua để không thua kém. Do thế cân bằng và sự phụ thuộc lẫn nhau trong thế giới hiện đại, kịch bản xấu nhất của cuộc đua vũ trang này sẽ không là những cuộc chiến lớn. Tuy nhiên, xung đột cục bộ hoàn toàn có thể xảy ra.


Đồ thị hình sin của giá dầu


Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, với Ảrập Xêút là nhân tố tác động chính, sẽtiếp tục không giảm nguồn cung, một phần để gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ, mặt khác gây áp lực với Iran. Tất cả những điều này sẽ làm giá dầu tiếp tục giảm.



 


Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khiến giá dầu có thể tăng trở lại. Giá dầu thấp ảnh hưởng lớn đến các nước có nguồn thu chính từ dầu. Trong ngắn hạn, các quốc gia có thể chấp nhận đánh đổi điều này với những lợi ích nhất định về kinh tế hay chính trị. Nhưng về lâu dài, Ảrập Xêút hay Mỹ đều sẽ phải cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên. Thêm nữa, bất ổn nhiều khả năng sẽ gia tăng tại Trung Đông trong năm 2015.


Bên cạnh đó, tăng trưởng toàn cầu, dẫn đầu là Mỹ và Nhật Bản đều được dự báo sẽ tăng, ít nhất bắt đầu từ nửa cuối năm 2015. Sản xuất phục hồi sẽ lại kéo giá dầu lên. Trước khi con người tìm ra nguồn nhiên liệu thay thế, giá dầu sẽ không thể xuống thấp lâu dài. Điều mà giới phân tích quan tâm là trong giai đoạn ngắn ngủi giá dầu chạm đáy, điều gì sẽ xảy ra tại các quốc gia gặp nhiều khó khăn như Nga, Iran hay Venezuela? 


Ảnh hưởng của Mỹ thu hẹp


Thực tế thì từ sau chiến tranh Lạnh, Mỹ khó có được một chính sách ngoại giao mạch lạc. Washington có tham vọng bá chủ, tâm lý đương nhiên của một quốc gia có ưu thế về mọi mặt. Tuy nhiên, do toàn cầu hóa, khó có quốc gia nào làm chủ được tình hình ở bất cứ đâu khi mà có quá nhiều yếu tố đan xen phức tạp. Mỹ có mặt ở Trung Đông, ở châu Á và cấm vận Nga. Kết quả: chủ nghĩa cực đoan đe dọa không chỉ Trung Đông mà chính nước Mỹ và đồng minh, Trung Quốc dần thay thế Mỹ ở châu Á, còn Nga không có dấu hiệu nhượng bộ.



 


Khó khăn trong nước và thất bại ngoại giao là điều kiện thuận lợi để chủ nghĩa dân tộc thắng thế. Chủ nghĩa dân tộc cánh tả muốn cắt giảm chi tiêu quốc phòng để tập trung cho các chương trình phúc lợi. Trong khi đó, chủ nghĩa dân tộc cánh hữu muốn chính phủ thống nhất hơn và phản đối liên quan đến các cuộc xung đột không thể tránh nếu muốn đóng vai trò người bảo vệ hòa bình thế giới. Khi thắng lợi ngoại giao khó đạt được mà lại ít được đánh giá cao, Tổng thống Barack Obama sẽ muốn tập trung vào các vấn đề nội bộ hơn. Sự phục hồi khá chắc chắn của nền kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp ổn định và lương thực tế có chiều hướng tăng là điều giữ tỷ lệ ủng hộ ông Obama không xuống quá thấp, ưu thế đáng kể trong cuộc chiến tại Nghị viện với đảng Cộng hòa. Dự báo trong năm 2015, Mỹ sẽ bớt tham gia trực tiếp vào những xung đột trên thế giới.


Chảo lửa Trung Đông đe dọa sôi trào


Trước hết là xu hướng cứng rắn hơn của những “người chơi chính” trong khu vực. Bầu cử Knesset (Nghị viện) Khóa 20 của Israel sẽ diễn ra vào ngày 17/3, nhiều khả năng phe diều hâu sẽ chiếm đa số trong Nghị viện mới. Có thể Nghị viện mới sẽ thông qua sửa đổi Hiến pháp tuyên bố Israel là quốc gia Do Thái, bất chấp thực tế ¼ dân số là người Ảrập. Xu hướng gây áp lực với Israel của thế giới Ảrập và châu Âu dễ có có tác dụng ngược làm Tel Aviv cứng rắn hơn với Palestine. Trong kịch bản xấu nhất, mâu thuẫn tích tụ từ năm 2014 và những năm trước đó, cùng sự bế tắc của triển vọng hòa bình có thể làm bùng nổ một cuộc nổi dậy trong năm 2015.


Áp lực mạnh mẽ từ lệnh cấm vận và giá dầu xuống thấp đang khiến Iran có phần nhún nhường trước phương Tây, nhưng phe bảo thủ ở Tehran đã bắt đầu mất kiên nhẫn. Dù các bên ở Libya đã chấp nhận đàm phán, nhưng tiến trình này sẽ khó mang lại kết quả ổn định và lâu dài. Ngược lại, đàm phán không có kết quả có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.


Chiến dịch không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của liên quân do Mỹ lãnh đạo đã chặn được đà mở rộng của tổ chức này tại khu vực. Tuy nhiên, bị dồn ép, IS càng trở nên nguy hiểm khi quay lại với chiến thuật tấn công khủng bố. Để tranh giành ảnh hưởng, al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác cũng sẽ hành động ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong phạm vi hẹp hơn, tại Syria, sẽ có những nhóm nổi dậy chọn liên kết để tránh bị IS thâu tóm, rất có thể đẩy cuộc chiến đã bước sang năm thứ 4 này vào “thế chân vạc” và triển vọng đạt được hòa bình càng trở nên xa vời.

(nguồn từ Thông tấn xã Việt Nam)