Hình ảnh hàng chục ngàn người đổ ra đường – như một dòng thác lũ – phản đối đảo chính tràn ngập trên các trang báo và truyền hình phương Tây cho thấy sức mạnh của cuộc “chiến tranh nhân dân”. Việc người dân Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó nhiều người từng quay lưng với chính phủ, phản đối cuộc đảo chính quân sự vì coi đây là hành động vi phạm dân chủ, đã làm dấy lên những kỳ vọng rằng ông Erdogan sẽ chớp lấy khoảnh khắc này để hàn gắn những rạn nứt chính trị và đoàn kết quốc gia.

 

 

Tuy nhiên, thay vì đoàn kết quốc gia, Chính quyền Erdogan đã lập tức sử dụng cuộc đảo chính như một cái cớ để tiến hành một cuộc thanh trừng nội bộ quy mô chưa từng có. Gần 9.000 quan chức, binh sĩ quân đội bị tình nghi liên quan đến âm mưu đảo chính bị sa thải trong khi 6.000 đối tượng bị bắt giữ. Ngoài ra, nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ đang nhân cơ hội này mở rộng cuộc đàn áp sang cả những người bị cho là thù địch với chính phủ. Ngoài quân đội, chính phủ cũng cách chức hàng nghìn thẩm phán, buộc 1.577 trưởng khoa ở các trường đại học từ chức, thông báo thu hồi giấy phép của hơn 21.000 giáo viên làm việc tại các cơ sở tư nhân, mặc dù những người này có vẻ không đóng vai trò gì trong vụ đảo chính. Thái độ không khoan nhượng của Tổng thống Erdogan còn được thể hiện rõ trong đề xuất của ông về việc sẽ áp dụng lại án tử hình vốn đã bị bãi bỏ vào năm 2004 như một phần trong nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Tuyên bố trên đã khiến không chỉ dư luận trong nước mà cả các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc.

Lợi bất cập hại

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu cuộc thanh trừng này không nhanh chóng dừng lại, chính Tổng thống Erdogan sẽ phải đối mặt với không ít thách thức bởi ông đang làm suy yếu quân đội và bộ máy của mình hơn bao giờ hết. Việc sa thải và tống giam các sĩ quan chỉ huy chiến đấu cũng như các sĩ quan phụ trách hậu cần có nguy cơ đẩy quân đội vào tình trạng vô tổ chức. Các kế hoạch đào tạo sẽ bị đảo lộn vì các cuộc diễn tập định kỳ bị hoãn hoặc hủy bỏ. Tâm lý hoài nghi sẽ lan rộng. Việc lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự sẽ trở nên khó khăn hơn do chính phủ cải tổ các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát.

Theo các chuyên gia quân sự, các cuộc thanh lọc, trừng phạt sẽ tác động đến tầng lớp ưu tú, uy tín nhất trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.  “Đương nhiên, cuộc thanh lọc làm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu đáng kể. Dưới lưỡi dao trừng phạt là các tướng lĩnh và đô đốc giỏi nhất của đất nước này, những nhà quân sự chuyên nghiệp. Mà lúc này thượng tầng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại đang rất cần đến những chuyên gia như vậy”.

Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối phó với đảng Công dân người Kurd (PKK) cũng như đang sa lầy tại Syria và Iraq. Một quân đội bị suy yếu sẽ khiến Ankara không còn nhiều công cụ để xử lý những cuộc chiến này. Tình trạng thiếu gắn kết của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm phức tạp thêm những nỗ lực tại khu vực của các quốc gia khác. Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của Mỹ phụ thuộc nhiều vào Thổ Nhĩ Kỳ vì ở đây có căn cứ cho các chiến dịch không quân của Mỹ. Washington cũng dựa vào Thổ Nhĩ Kỹ để cắt đứt các tuyến hậu cần cho IS.

Trên lý thuyết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ là một trong những lực lượng mạnh nhất khu vực. Song, trên thực tế binh sĩ có tinh thần chiến đấu không cao và thường bất mãn. Những điểm yếu này thường được che giấu nhờ số lượng quân khổng lồ, trang thiết bị hiện đại, song vụ đảo chính bất thành vừa qua đã phơi bày tất cả. Sẽ phải mất vài năm để các lực lượng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ hồi phục. Song tình trạng bất ổn tại khu vực sẽ chỉ càng nghiêm trọng hơn, và Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần đóng một vai trò trong nỗ lực kiềm chế tình trạng hỗn loạn đó nhằm mục đích củng cố vị thế của mình tại khu vực. Rõ ràng, Tổng thống Erdogan phải thận trọng hơn trong các quyết sách của mình để tránh biến đất nước ở “ngã tư quốc tế” nối hai bờ Á – Âu này trở thành chảo lửa của xung đột.

Nguy cơ khủng hoảng kinh tế

Âm mưu đảo chính quân sự có thể trở thành khủng hoảng kinh tế kéo dài đối với Thổ Nhĩ Kỳ do các ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài và những vấn đề trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, điều này phần lớn phụ thuộc vào Tổng thống Tayyip Erdogan và Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara vẫn còn một cơ hội nữa để tránh được kịch bản xấu nhất.     

Âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gây ra lo ngại cho giới đầu tư đối với sự ổn định chính trị, tính bền vững của nền kinh tế và hệ thống tài chính. Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh được là một trong những nước có các chỉ số tốt nhất trong số các thị trường đang phát triển. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 4,5% trong năm 2015, trong khi đó, thị trường cổ phiếu trong năm nay đã tăng hơn 15%, vượt qua tất cả các thị trường mới nổi khác. 

Năm 2016, dự báo kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đạt mức tăng trưởng 4%. Tuy nhiên, tình hình bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy lo sợ, đặc biệt những nhà đầu tư đến từ Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Ankara đang thảo luận khả năng áp dụng án tử hình sau vụ đảo chính bất thành và đe dọa hủy hoại sự ổn định tài chính của nước này.     

– Khủng hoảng ngân hàng: Theo hãng tin Reuters, Ankara đã tạm ngưng hoạt động Bank Asya, ngân hàng lớn thứ 6 của Thổ Nhĩ Kỳ, có 180 chi nhánh trên khắp cả nước. Đây được coi là một quyết định chính trị. Theo giới truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, Bank Asya có mối liên hệ chặt chẽ với phong trào của Giáo sĩ Fethullah Gulen – người bị Tổng thống Erdogan cho là đứng sau âm mưu đảo chính bất thành, và được kiểm soát bởi những môn đệ của vị giáo sĩ này.

Ankara đã bắt đầu can thiệp bằng “lời nói” để nhanh chóng trả lại niềm tin cho thị trường và giới đầu tư. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành cuộc họp khẩn với các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận những biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ âm mưu đảo chính đối với thị trường. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cam kết cung cấp cho các ngân hàng tính thanh khoản không giới hạn để ngăn chặn những vấn đề có thể xảy ra trên thị trường. Tuy nhiên, các nguồn lực thanh khoản của Thổ Nhĩ Kỳ bị hạn chế. 

– Ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài:Một trong những hậu quả tiêu cực từ âm mưu đảo chính bất thành không chỉ là sự bất ổn tỷ giá đồng nội tệ mà còn làm trầm trọng hơn những đánh giá của các hãng xếp hạng tín nhiệm, làm giảm tính hấp dẫn đầu tư của Thổ Nhĩ Kỳ. Dự báo nguồn tiền đầu cơ sẽ rút khỏi thị trường Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016, có thể coi đó là đỉnh điểm cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, vốn đã xuất hiện đã nhiều năm nay tại nước này. Tuy nhiên, vấn đề dòng tiền đầu tư gây ra khá nhiều tranh cãi, tất nhiên nhiều nhà đầu tư quyết định vẫn tiếp tục duy trì số vốn đầu tư của mình cho đến khi tình hình bình ổn trở lại. Tuy nhiên, điều này phần lớn phụ thuộc vào những hành động và sự nhanh nhạy phản ứng của ông Erdogan. Sự giảm sút đầu tư trong năm nay có thể ở mức 10-15%, nhưng trước hết sẽ khiêm tốn hơn, chuyên gia Gorsheneva nhận định. 

– Thị trường du lịch:Dòng khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ chưa chắc sẽ được phục hồi trong năm nay. Mặc dù cách đây không lâu khi ông Erdogan đưa ra lời xin lỗi với Nga, nhiều người đã kỳ vọng các bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được lấp đầy du khách Nga. Sau âm mưu đảo chính quân sự, đường vận tải hàng không giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tạm ngưng hoạt động. Người Nga tạm thời bị mất cơ hội bay đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng bất cứ hãng hàng không nào. Không chỉ du khách Nga ngừng đến Thổ Nhĩ Kỳ mà người Đức (nước có số lượng khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ nhiều nhất) cũng không còn mặn mà. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với tình trạng số lượng khách du lịch xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Vụ đảo chính bất thành xảy ra đúng mùa du lịch làm tiêu tan hy vọng ngành công nghiệp không khói, vốn đóng góp tới 6,6% GDP cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhanh chóng phục hồi sau khi Moskva và Ankara đồng ý nối lại quan hệ.

 (nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố)