I. NƯỚC PHÁP VÀ NHỮNG CUỘC KHỦNG BỐ NĂM 2015

Ngày 7/1/2015: Hai anh em người Pháp gốc Algeria Said và Cherif Kouachi đã xả súng bắn chết 12 người tại trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris. Trong số những nạn nhân thiệt mạng  có 5 họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Pháp là Charb, Cabu, Tignous, Wolinski, Honoré cùng nhà phân tích kinh tế Bernard Maris.

 

 

Charlie Hebdo vốn là mục tiêu của những thành phần cực đoan trên khắp thế giới do tuần báo này chuyên đưa nội dung châm biếm về tôn giáo, đặc biệt về những kẻ sùng đạo. Năm 2013, Tổ chức al-Qaeda ở bán đảo Ảrập đã đưa ra danh sách những đối tượng bị truy nã (sống, hay chết) vì tội ác chống lại Hồi giáo, trong đó có các nhà biếm họa của Charlie.

Tháng 6/2015: Hai kẻ tấn công khủng bố đã xông vào một nhà máy khí đốt ở thị trấn Saint-Quentin-Fallavier thuộc tỉnh Isère miền Đông Nam nước Pháp. Chúng chặt đầu một người và làm bị thương nhiều người khác. Nghi phạm chính là Yassine Salhi (35 tuổi) sau đó đã bị bắt giữ. Tại hiện trường vụ tấn công, cảnh sát đã tìm thấy một lá cờ đen có in những những viết tiếng Ảrập. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi đây là một vụ tấn công khủng bố.

Tháng 8/2015: Một âm mưu khủng bố trên chuyến tàu cao tốc Thalys đi từ Amsterdam đến Paris đã được chặn đứng nhờ các hành khách là thủy quân lục chiến Mỹ đi nghỉ hè. Hung thủ vũ trang một khẩu Kalashnikov, một súng ngắn tự động, 9 băng đạn súng máy và một con dao. Nghi phạm là người gốc Morroco, bị cơ quan chống khủng bố nước này xếp vào giới Hồi giáo cực đoan, và đã đi Syria trước khi đến Pháp.

Ngày 13/11/2015: Hàng loạt vụ khủng bố kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của hơn 150 người và làm hàng trăm người bị thương khiến cả thế giới bàng hoàng. Những kẻ khủng bố được trang bị súng trường Kalashnikov và lựu đạn đã tấn công vào 6 địa điểm trong thành phố Paris như bảo tàng nghệ thuật Louvre, Trung tâm Pompidou, khu mua sắm Les Halles và nghiêm trọng nhất là nhà hát Bataclan nơi hơn 100 người thiệt mạng.

II. CHIẾN LƯỢC BÀNH TRƯỚNG TOÀN CẦU CỦA IS

Với các vụ tấn công kinh hoàng tại Paris tối 13/11 vừa qua, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dường như đang quyết tâm trở thành một lực lượng thánh chiến có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu, đủ sức bành trướng và vươn xa hơn phạm vi “caliphate”- vương quốc Hồi giáo mà chúng tự dựng lên.

Bằng cách này, IS có thể đạt được rất nhiều mục đích mà một trong số đó là gia tăng thanh thế và thu hút thêm nhiều tân binh. Bên cạnh đó, chúng còn có thể khoét sâu hơn sự chia rẽ giữa cộng đồng người Hồi giáo và phi Hồi giáo tại châu Âu, đẩy phương Tây vào tình thế ngặt nghèo khi buộc phải cân nhắc có dấn thân hay không vào những xung đột mà IS coi là một cuộc thánh chiến Hồi giáo tại Syria và Iraq. 

Diễn ra ngay sau khi IS tuyên bố đặt bom khủng bố máy bay dân sự Nga ở Ai Cập và tiến hành các vụ đánh bom liều chết ở Liban và Thổ Nhĩ Kỳ, các vụ tấn công ngay giữa trung tâm thủ đô Paris phản ánh thực tế là tổ chức cực đoan này đã có bước chuyển hướng quan trọng sang cách tiếp cận mang tính toàn cầu, và nhiều chuyên gia dự đoán điều này sẽ còn tiếp tục trở nên rõ ràng hơn. Bilal Saab, nhà nghiên cứu cấp cao phụ trách mảng An ninh Trung Đông thuộc Trung tâm An ninh Quốc tế Brent Scowcroft, nhận định: “Chúng muốn phát đi thông điệp rằng đây là một cuộc chiến mở, không bị giới hạn trong các vùng chiến sự ở Iraq và Syria”. 

Điều mà người ta vẫn nghĩ về IS là lực lượng cực đoan này chủ yếu tập trung vào các kẻ thù trong khu vực – cụ thể là Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cộng đồng người Hồi giáo Shi’ite, những người mà chúng cho là dị giáo. Nhưng trong thực tế, các nhóm chân rết của tổ chức này đã tiến hành nhiều vụ tấn công tại Trung Đông và Bắc Phi. Bên cạnh đó, nhiều vụ tấn công trong khu vực hiện cũng được cho là do các phần tử trung thành với IS tiến hành. 

Tuy nhiên, những vụ giết người hàng loạt trên khắp thế giới – và hiện nay là ngay ở trái tim châu Âu – cho thấy bản chất và phạm vi hoạt động của tổ chức này đã thay đổi. Hơn thế nữa, với những bí ẩn và khả năng lẩn trốn của các tay súng, hiện vẫn chưa rõ vì sao IS lại chọn thời điểm này để vươn bàn tay vấy máu ra toàn cầu.

Các nhà phân tích nhận định, do IS đã nhận thấy tình hình đang có bước ngoặt quan trọng khi Nga quyết định can thiệp vào cuộc chiến ở Syria hai tháng trước đây. Mặc dù hầu hết các cuộc không kích của Nga là nhằm vào quân nổi dậy ôn hòa, với mục đích củng cố sức mạnh cho Chính quyền Damascus, Tổng thống Vladimir Putin vẫn luôn khẳng định IS là mục tiêu của chiến dịch này. Sau khi các nỗ lực “nửa vời” của liên minh do Mỹ dẫn đầu không hề phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống IS, sự can thiệp của quân đội Nga thời gian qua có thể đã trở thành một nhân tố khiến cuộc chơi thay đổi.

Các vụ tấn công ở nước ngoài giúp IS truyền bá thông điệp IS là lực lượng có nhiều ảnh hưởng và đủ sức thay thế al-Qaeda, tổ chức khủng bố từng tuyên bố vai trò lãnh đạo phong trào thánh chiến Hồi giáo toàn cầu song đang mất dần thanh thế trong những năm gần đây.

Ông Hassan Hassan, một nhà nghiên cứu làm việc tại viện Chatham House ở London, đồng tác giả cuốn sách “ISIS: Bên trong Đội quân Khủng bố” cho rằng, IS đang triển khai song song hai chiến lược, vừa tích cực xây dựng “caliphate”, vừa thể hiện bản thân là “nhà lãnh đạo toàn cầu của lực lượng thánh chiến Hồi giáo”, thay thế al-Qaeda. 

Giới quan sát đánh giá rằng, các vụ tấn công giết người hàng loạt mà IS tiến hành là nhằm tới nhiều mục tiêu khác chứ không đơn thuần chỉ là phô trương sức mạnh. Có ý kiến nhận định tổ chức này đang tìm cách gia tăng các cuộc tranh cãi về Hồi giáo tại châu Âu, và từ đó, tìm cách chiêu mộ thêm các tân binh xuất thân từ chính lục địa này. Không chỉ vậy, có thể điều mà IS làm cũng là để bù đắp những thiệt hại mà chúng đang phải hứng chịu tại Syria và Iraq.

Trong nhiều tháng qua, IS đã bị đánh bật khỏi nhiều vùng lãnh thổ chiếm đóng. Chiến sự tại những vùng mà IS chiếm được tại Iraq và Syria đang có dấu hiệu “bão hòa”, và IS cũng không có nhiều lãnh thổ để hoành hành như trước. Điều này đã khiến chúng quyết định dành thời gian, công sức và các nguồn lực để hoạt động ở bên ngoài. Có ý kiến khác cho rằng, IS trở nên điên cuồng hơn là do những lo ngại về các hoạt động ngoại giao gần đây nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Syria, cuộc xung đột đã góp phần nuôi dưỡng các phần tử cực đoan.

Theo các chuyên gia, IS đang tìm cách vượt qua các rào cản an ninh quốc tế để tiến hành nhiều hơn các vụ tấn công tương tự. Hisham al-Hashimi, chuyên gia về IS, : “Chiến thuật của chúng sẽ ngày càng tinh vi hơn, và các mục tiêu cũng sẽ lớn hơn, chúng muốn một cuộc tấn công quy mô, tác động tới mọi khía cạnh xã hội, những gì diễn ra tại Paris vừa qua mới chỉ là điểm khởi đầu”.

III. TẠI SAO LÀ NƯỚC PHÁP?

Nhằm vào giá trị biểu tượng

Năm 2009, khi chi nhánh al-Qaeda ở Maghreb, Bắc Phi (Aqmi) tuyên bố nước Pháp “kẻ thù số một”, cố vấn bộ Nội vụ Pháp đã nhận định: “khủng bố nhằm vào chúng tôi không phải bởi những gì nước Pháp đã làm, mà vì những gì nước Pháp biểu tượng”. Với những kẻ khủng bố cực đoan, một nước Cộng hòa thế tục – cái nôi của tự do, dân chủ chính là biểu tượng rõ ràng nhất của quỷ Satan – kẻ thù của chúng. Nỗi hận thù đối với các giá trị thế tục của nước Pháp ngày càng gia tăng trong 10 năm qua khi Chính quyền Paris lần lượt ban hành lệnh cấm học sinh mang mạng che mặt đến trường năm 2004, cấm mặc áo chùm đầu ở nơi công cộng năm 2010 và mới nhất là việc ủng hộ hôn nhân đồng giới năm 2013.

Nhằm vào nước Pháp, các tổ chức cực đoan cũng âm mưu biến nơi đây thành chiến trường của lòng thù hận. Bằng cách reo rắc nỗi kinh hoàng trong cộng đồng, những kẻ khủng bố đang tìm cách thổi bùng lên ngọn lửa thù hận, mâu thuẫn sắc tộc, bài ngoại, làm bất ổn an ninh, chính trị của nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung, từ đó càng tuyển mộ được nhiều thành viên.

Xu hướng cực đoan hóa

Một trong những nguyên do quan trọng khác khiến Pháp luôn là mục tiêu tấn công là vì cộng đồng Hồi giáo tại nước đông nhất châu Âu (4,7 triệu người chiếm 7,5% dân số) và ngày càng bị cô lập, bài xích và phân biệt đối xử. Mohamed Merah – kẻ xả súng máu lạnh giết chết 7 người ở Toulouse 2012 – lớn lên vùng ngoại ô nghèo khó nước Pháp, hắn phạm tội từ thời niên thiếu và bị bắt vào tù. Sau khi được thả, năm tháng trong tù đã biến hắn chính thức thành một chiến binh Jihadis. Mehdi Nemouche – hung thủ vụ thảm sát 4 người tại Brussels vào tháng 5/2014 cũng là một đối tượng nguy hiểm được nuôi dưỡng với ý nghĩ gia nhập tổ chức khủng bố sau thanh chắn trại giam.

Ở Pháp, có đến 70% tù nhân là người Hồi giáo, trong khi tại Anh và xứ Wales, con số này chỉ chiếm 14%. Sau vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, nước Pháp lại càng gặp khó khăn hơn trong việc quản lý phạm nhân người theo đạo Hồi. Rachida Dati – cựu Bộ trưởng Tư pháp – thừa nhận Pháp không đủ khả năng để có thể dập tắt ngọn lửa niềm tin theo đạo cực đoan của những thanh niên phạm tội sau những tấm song sắt.

Nước Pháp cũng có số lượng chiến binh gia nhập IS lớn nhất châu Âu. Theo một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng nước này, hiện có tới 1.700 công dân Pháp đứng trong hàng ngũ thánh chiến, cao gấp đôi so với Anh, Đức hay Bỉ. Sau khi được huấn luyện, những chiến binh này được gửi trở lại Pháp để tiến hành những cuộc tấn công độc lập. Trong bất kỳ cuộc tấn công nào trong thời gian vừa qua, cảnh sát đều tìm thấy mối liên hệ với lực lượng thánh chiến ở Syria.

Trả thù cho các cuộc can thiệp quân sự

Kể từ vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo, đã xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng nỗi đau nước Pháp gánh chịu hôm nay là cái giá phải trả cho “sự chệch hướng của chủ nghĩa chiến tranh” của Tổng thống Hollande, dẫn đến hàng loạt các cuộc can thiệp quân sự bên ngoài nước Pháp suốt 5 năm qua. Pháp là một trong những nước tích cực nhất trong châu Âu trong chiến dịch chống các phần tử Hồi giáo cực đoan. Hơn 10.000 lính Pháp cho đến thời điểm hiện tại được điều ra nước ngoài, tham gia chiến dịch chống khủng bố, trong đó có hơn 3.000 người tham chiến tại Tây Phi, 2.000 người ở Trung Đông và 3.200 người ở Iraq. Một trong những kẻ tấn công vào nhà hát Bataclan tại Paris đã hét lên: “Điều này dành cho Syria”. Nhưng ai cũng đều biết rằng hắn ta có thể trả thù không chỉ cho Syria, mà còn cho lực lượng “thánh chiến” tại Mali, Libya hay Iraq.

Cuộc chiến của lính Pháp tại Mali chống lại nhóm khủng bố al-Qaeda vào năm 2013 được coi là trận mấu chốt trong việc làm suy yếu sức mạnh của nhóm phiến quân. Hai tuần trước, một thủ lĩnh của Aqmi đã kêu gọi những kẻ ủng hộ đứng lên tấn công nước Pháp để trả thù “cho sự hiện diện quân đội của nước này trong khu vực chúng kiểm soát”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp tuần trước cũng thông báo nước này sẽ triển khai thêm tàu sân bay tại vịnh Persic để hỗ trợ không kích chống IS tại Iraq.

Lỗ hổng an ninh

Trong khi đó, dư luận đặt vấn đề an ninh Pháp có lỗ hổng khiến nước này bị nhiều vụ tấn công khủng bố trong năm 2015, kể cả vụ xả súng ở tòa báo Charlie Hebdo hồi đầu năm. Nước Pháp cấm hầu hết các loại súng nên hầu như không có chuyện sở hữu hợp pháp 1 khẩu tiểu liên như AK-47 mà các hung thủ đã sử dụng ở Paris đêm 13/11. Vậy bọn khủng bố lấy súng ở đâu ra?

Chính phủ Pháp và Liên minh châu Âu (EU) đều thừa nhận họ đối mặt với tình trạng buôn bán vũ khí trái phép ồ ạt qua biên giới. Vũ khí sử dụng trong vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo được cho là tuồn từ bên biên giới Bỉ. Hàng chục năm xung đột trong các cuộc chiến ở Balkan đã biến biên giới Bỉ – Pháp trở thành khu vực lý tưởng để vận chuyển mua bán các loại vũ khí không rõ nguồn gốc với giá rẻ một cách kinh ngạc.

Năm 2009, cảnh sát Pháp đã thu giữ hơn 1.500 khẩu súng bất hợp pháp và 2.700 khẩu năm 2010. Số súng bất hợp pháp có mặt ở Pháp mỗi năm đã tăng lên với tỷ lệ 2 con số. Thêm vào đó, Europol (Cảnh sát châu Âu) cho biết ở một số khu vực thuộc EU, có thể mua 1 khẩu Kalashnikov hoặc súng phóng rocket với giá khoảng 300 – 700 euro. Phần nhiều số súng này được buôn bán từ Nga qua các nước Balkan vào EU, trong đó có Pháp.

Cựu ủy viên cảnh sát New York, Bernard Kerik, gọi các vụ khủng bố ở Paris là sự thất bại trong công tác tình báo, bởi rõ ràng cuộc tấn công đêm 13/11 đòi hỏi một kế hoạch chi tiết và sự chuẩn bị dài ngày. Thêm vào đó, trang mạng của lực lượng đặc biệt chuyên thông tin quân sự tình báo SOFREP dẫn nguồn tin riêng nói cảnh sát quốc gia Pháp đã gặp gỡ cảnh sát liên bang Đức vài tuần trước để chia sẻ thông tin bí mật về một âm mưu khủng bố quy mô lớn ở Paris.

IV. BÓNG MA KHÁC BAO TRÙM NƯỚC PHÁP

Trong khi bóng ma khủng bố và nỗi sợ hãi vẫn bao trùm Thủ đô Paris, một bóng ma khác đang hiện hữu rõ nét hơn: sự thù hận, chia rẽ và làn sóng bài ngoại dâng cao trong lòng xã hội Pháp.

Nước Pháp những ngày này đang sống trong một không khí sợ hãi bao trùm. Khắp quảng trường Cộng hòa, tràn ngập những giọt nước mắt, những ánh nhìn phẫn nộ xen lẫn sợ hãi. Bầu không khí hoảng hốt bao trùm quảng trường sau đêm định mệnh thứ 6 ngày 13.

Người dân bị ám ảnh bởi cảm giác không nơi đâu còn an toàn, sợ hãi khi nhìn thấy bất kỳ một người đàn ông vũ trang, hay nghe xướng lên một cái tên Hồi giáo… Sợ hãi đang khiến họ trở nên hoài nghi hơn và cả thù hận hơn. Điều này có nguy cơ thổi bùng lên mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa phương Tây và Hồi giáo vốn tồn tại âm ỉ trong lòng xã hội Pháp. Tâm lý chống Hồi giáo đã trở thành một phần trong ý thức của một bộ phận người dân, và ngày một gia tăng kể từ sau vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo hồi đầu năm nay.

Hiện nước Pháp tập trung cộng đồng Hồi giáo đông nhất Tây Âu, với nhiều thành phần khác nhau. Theo giới quan sát, vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris tối 13/11 mà thủ phạm là những đối tượng khủng bố Hồi giáo cực đoan sẽ khiến cho cuộc sống của người Hồi giáo tại Pháp gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Sự ám ảnh bị chia tách bởi tôn giáo, sở thích và nền văn hóa với người bản địa sẽ khiến cho sự hòa nhập của người nhập cư vào xã hội Pháp gặp nhiều khó khăn hơn. Nguy hiểm hơn, khi các cộng đồng người Hồi giáo cảm thấy bị chối bỏ, họ càng sống cô lập và càng dễ chuyển sang tư tưởng cực đoan ở ngay trong lòng một nước Pháp bị chia rẽ. Sự phân hóa về kinh tế – xã hội giữa các tầng lớp dân cư cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến một bộ phận lao vào chủ nghĩa cực đoan. Chính các rắc rối vẫn tồn tại trong xã hội sẽ bị các nhóm cực đoan, khủng bố tận dụng để kích động và lôi kéo dân nhập cư, thất nghiệp, bị gạt ra bên lề xã hội, từ đó sản sinh ra những “quái vật” như IS.

Chủ nghĩa bài ngoại lên ngôi

Thời gian qua, làn sóng người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu đã khiến xu hướng bài ngoại có dấu hiệu gia tăng. Không ít người cho rằng biên giới mở cửa giữa 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng các chính sách kinh tế của khối này đã và đang tạo điều kiện cho các vụ khủng bố. Việc một kẻ khủng bố có quốc tịch Syria vào Pháp từ Hy Lạp càng củng cố mối lo ngại rằng, các nhóm khủng bố như IS có thể trà trộn vào số 800.000 người di cư ồ ạt đổ về “lục địa Già” trong năm nay và Pháp và châu Âu đang phải trả giá cho chính sách nhân đạo của mình.   

“Nước Pháp cần phải loại trừ người Hồi giáo cực đoan và kiểm soát lại đường biên giới”, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp (FN) Marine Le Pen tuyên bố ngày 14/11. Quan điểm chống nhập cư và Hồi giáo cực đoan của FN có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri sau vụ khủng bố kinh hoàng ở Paris. Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy bà Le Pen nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 12/2015 và có thể là nhân tố chính trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.

Tuy nhiên, cách tiếp cận bài ngoại mà một số lực lượng chính trị ở Pháp và châu Âu đang áp dụng đối với cộng đồng người nhập cư, nhất là người Hồi giáo, vô hình đã gieo mầm cho lòng hận thù, trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan và khủng bố phát triển.

Nước Pháp sau ngày 13/11/2015 sẽ tiếp tục đứng dậy và cho thấy họ không bao giờ chịu khuất phục trước những kẻ khủng bố. Nhưng nước Pháp cũng cần phải tỉnh táo để tránh rơi vào “vòng luẩn quẩn” của những vụ trả đũa lẫn nhau, càng làm kích động tâm lý bài ngoại, làm gia tăng sự chia rẽ và căng thẳng trong xã hội và kéo theo những hệ lụy xấu hơn.

V. TẠM GÁC BẤT ĐỒNG, CHỐNG KẺ THÙ CHUNG

Quan hệ Nga – Mỹ

Chuỗi tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris, Pháp là lời nhắc nhở mạnh mẽ đối với Mỹ và Nga, rằng muốn tiêu diệt kẻ thù chung là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hai bên phải gạt bỏ mâu thuẫn để cùng tìm cách chấm dứt cuộc nội chiến Syria.

Bên lề Hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi (G20) đang diễn ra tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc đối thoại ngắn. Hai bên đã trao đổi quan điểm về 2 vấn đề chính, một là tình hình Syria, hai là khủng hoảng Ukraine. Trong đó vấn đề được quan tâm nhất là giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến Syria. Hai bên thống nhất rằng, mục tiêu chiến lược của Nga và Mỹ đều là tiêu diệt IS, tuy nhiên vẫn còn khác biệt trong chiến thuật thực hiện vấn đề này. Về phía Mỹ, Nhà Trắng cho biết: “Tổng thống Obama và ông Putin đều thống nhất về sự cần thiết cho một cuộc chuyển giao quyền lực chính trị do người dân Syria chủ trì, điều vốn dựa vào kết quả đàm phán giữa chính quyền Damacus và phe đối lập sau khi cả 2 bên ngừng bắn”. Hai nhà lãnh đạo đều thể hiện sự ủng hộ đối với tiến trình chuyển tiếp vừa được vòng đàm phán Vienna thứ 3 về Syria đã được thông qua. Về vấn đề Ukraine, cả 2 nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh sự ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận Minsk.

Dù cuộc gặp chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, nhưng đây là cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Nga – Mỹ kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích Syria vào tháng 9/2015.

Cuộc gặp giữa ông Obama và Putin diễn ra một ngày sau khi vòng đàm phán Vienna thứ 3 về Syria thông qua tiến trình chuyển tiếp tại Syria. Theo đó, Liên hợp quốc (LHQ) đồng ý sẽ triệu tập hội nghị với đại diện của Chính phủ Syria và các phe nhóm đối lập vào ngày 1/1/2016. Trong thời hạn 6 tháng, tức hạn cuối vào ngày 14/5/2016, các bên ở Syria phải thống nhất được về thỏa thuận ngừng bắn, bắt đầu tiến trình soạn thảo và ban hành Hiến pháp mới. Trong vòng 18 tháng, tức hạn cuối vào ngày 14/5/2017, các cuộc bầu cử dân chủ sẽ được LHQ tổ chức tại Syria theo quy định của Hiến pháp mới. Ngoài ra, đại diện 17 nước tham gia hội nghị Vienna cũng thống nhất đưa IS vào danh sách bị không kích ngay cả khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.

Theo giới phân tích, việc 2 nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và Nga chịu ngồi lại đối thoại cho thấy hai bên đã nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải hợp tác chống IS sau chuỗi tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris. Giống như tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo chung công bố kết quả hội nghị Vienna, vụ tấn công ở Paris cho thấy “không quan trọng chúng ta ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad hay phản đối Chính phủ của ông, IS vẫn là kẻ thù chung”. Trong bối cảnh mới này, rất có thể cả Mỹ và Nga sẽ đi đến thỏa thuận đánh dấu sự lùi bước của đôi bên, liên quan đến bất đồng lớn nhất là tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria.

Quan hệ Nga – Pháp

Nga và Pháp, hai quốc gia từ lâu bất đồng trong vấn đề Syria, đã có những bước tiến nhằm đạt tới một mặt trận quân sự thống nhất chống lại nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm trả đũa cho vụ thảm sát ở Paris và vụ rơi máy bay chở khách ở Ai Cập.

Sau thảm sát Paris, “xích lại gần Nga” đã trở thành một trọng tâm trong phản ứng của phương Tây trước tình trạng bạo lực leo thang và tầm với ngày càng xa của IS. Theo ông Thomas Gomart, Giám đốc Viện nghiên cứu Quan hệ đối ngoại Pháp, nhận định “Có lẽ còn quá sớm để nói về một liên minh, nhưng có thể nói đó là sự hợp tác”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đưa ra triển vọng có thể đạt một thỏa thuận ngừng bắn ở Syria trong thời gian tới, cho phép dồn tổng lực vào cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, để Mỹ và Nga tạm gác sang bên sự thiếu tin tưởng lẫn nhau sẽ là một thách thức.

Những dấu hiệu ấm lên trong quan hệ giữa Putin với phương Tây xuất hiện khi nền kinh tế Nga chìm trong suy thoái do tác động của lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp lên Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea ly khai từ Ukraine. Thị trường chứng khoán Nga tăng 2,7% trong phiên giao dịch ngày 17/11/2015, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2015, khi các nhà đầu tư tin rằng sự cô lập kinh tế nhằm vào Nga có thể sớm giảm xuống.

(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam, các báo và tạp chí)