Chính sách “xuất khẩu dân chủ”
Khi cuộc chiến Iraq nổ ra năm 2003, với việc loại bỏ Saddame Hussein, Mỹ và các nước đồng minh châu Âu tuyên bố, họ ra giải phóng Iraq khỏi chế độ độc tài, mang lại một nền dân chủ mới, một nền an ninh mới cho quốc gia vùng Vịnh này. 10 năm sau, tình trạng bạo lực và số lượng các vụ đánh bom ở Iraq gia tăng ở mức báo động, khiến quốc gia này chưa bao giờ có được một ngày bình yên. Tình trạng chia rẽ giữa các phe phái Sunni, Shiite và Kurd trong Chính phủ Iraq càng khiến tình hình an ninh trở nên khó kiểm soát.
Thế nhưng, phương Tây không dừng ở Iraq. Chính sách “xuất khẩu dân chủ” tiếp tục được áp dụng tại Trung Đông, Tây Á, Bắc Phi mà đỉnh điểm là làn sóng Mùa xuân Ảrập năm 2011. Dưới sự hậu thuẫn của phương Tây, các phong trào biểu tình tại đây đã đưa đến sự sụp đổ của hàng loạt chính quyền Hồi giáo. Tất nhiên, đó cũng chính là những chế độ bị phương Tây coi là cái gai cần bị loại bỏ như Moamer Kaddafi tại Libya, Hosni Mubarak tại Ai Cập… và cả là Bashar Al Assad tại Syria.
Tuy nhiên, khi “xuất khẩu dân chủ” sang các nước Trung Đông, Bắc Phi, phương Tây cũng đồng thời xuất khẩu chiến tranh và bất ổn. Các nước trước đây từng tung hô, cổ súy cuộc cách mạng dân chủ giờ đây phải đối mặt với bất ổn về chính trị, suy yếu về kinh tế và sự nổi dậy của các lực lượng phiến quân; đối mặt với tình trạng mâu thuẫn giữa chính phủ, quân đội với các lực lượng dân chủ, mâu thuẫn giữa lực lượng phi tôn giáo và tôn giáo, mâu thuẫn trong nội bộ các giáo phái, sắc tộc. Khó khăn kinh tế càng khiến tình hình an ninh trở nên hỗn loạn hơn trong khi cơ chế bảo đảm an ninh ở hầu hết các nước đã sụp đổ. Bất ổn về chính trị và khoảng trống về an ninh cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho các lực lượng thánh chiến như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bén rễ và phát triển.
Và cái giá phải trả
Khi bị dồn vào đường cùng, người dân nơi đây không còn lựa chọn nào khác là rời bỏ quê hương, chạy trốn chiến tranh, đói nghèo. Và các quốc gia bên kia bờ Địa Trung Hải, nơi có chế độ đãi ngộ tốt, xã hội ổn định và văn minh, là điểm đến mơ ước. Nếu bất ổn, loạn lạc là cái giá mà các nước Trung Đông, Bắc Phi phải trả cho chính sách “xuất khẩu dân chủ” của Mỹ và một số nước châu Âu, thì giờ đây những bất ổn từ cuộc khủng hoảng người tị nạn từ những nước này chính là cái giá mà phương Tây phải trả.
Tổng thống Séc Milos Zeman và Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây tuyên bố dòng người tị nạn đổ xô đến châu Âu thời gian gần đây chính là hệ quả của việc các nước phương Tây can thiệp quân sự ở Iraq, Libya và Syria. Nên cả về lý và tình, Mỹ, châu Âu đều phải gánh vác trách nhiệm lớn trong vấn đề này.
Tình hình thực tế cho thấy làn sóng người tị nạn đang trở thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng không kém cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu phải đối mặt. Bầu không khí hiền hòa trên bãi biển của các nước ven bờ Địa Trung Hải bị phá vỡ. Tình trạng người tị nạn xâm chiếm các khu vực công cộng, xin ăn, trộm cướp xuất hiện… Ngoài ra, mối lo ngại bất ổn về an ninh khi có thể có các phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người di cư, nguy cơ bị tranh giành cơ hội việc làm đang khiến cho không ít lực lượng theo chủ nghĩa bài ngoại, bài nhập cư tại các nước châu Âu trỗi dậy. Châu Âu sẽ khó tránh khỏi nguy cơ xung đột giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng. Cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa soạn tờ báo trào phúng Charlie Hebdo hồi đầu năm 2015 khiến cho các nước thành viên EU phải thận trọng hơn trong vấn đề xử lý người tị nạn. Đối diện với hiện thực xã hội là tỷ lệ sinh thấp và dân số lão hóa, một khi các nước EU nới lỏng kế hoạch tiếp nhận người châu Phi có dân số trẻ thì xu thế Hồi giáo hóa địa phương do những người di cư bất hợp pháp chủ yếu theo đạo Hồi sẽ lan rộng khắp EU. Điều này sẽ tạo thành sự mỉa mai ý thức hệ lớn nhất và cuộc khủng hoảng văn minh nghiêm trọng nhất đối với xã hội châu Âu.
Xét một cách công bằng, mấu chốt của việc giải quyết vấn đề người tị nạn chạy sang châu Âu không nằm ở chỗ châu Âu phải mở cửa cho người tị nạn mà ở chỗ phải trả lại hòa bình trên quê hương họ. Bởi chỉ có bình yên và thịnh vượng ở các nước láng giềng, các lục địa láng giềng thì châu Âu mới mong bình yên.
(Nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp
từ Thông tấn xã Việt Nam và các báo)