I.QUAN HỆ NGA – THỔ NHĨ KỲ THÊM RẠN NỨT


Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, chiếc máy bay bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không phóng từ máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ ở địa điểm cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ khoảng 4km. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn đang tranh cãi về việc máy bay Nga bị bắn hạ khi đang ở không phận Syria hay đã vi phạm vùng lãnh thổ trên không của Thổ Nhĩ Kỳ. Trên thực tế, trước khi vụ việc xảy ra, vùng biên giới trên không và trên bộ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria luôn trong tình trạng căng thẳng.

 


Động cơ của Ankara


Thứ nhất, với việc gây ra một rắc rối “nho nhỏ”, Thổ Nhĩ Kỳ có cớ để thúc đẩy việc thiết lập vùng cấm bay tại biên giới với Syria và một vùng đệm ở miền Bắc Syria. Thiết lập một vùng cấm bay là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thực hiện từ năm 2012 nhằm tạo một khu vực đặc biệt an toàn để phục vụ các hoạt động hỗ trợ hậu cần và quân sự cho phiến quân chống Chính quyền Assad ở vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria. Tháng 6/2012, sau khi một máy bay do thám của Thổ Nhĩ Kỳ bị hệ thống phòng không Syria ở biên giới bắn hạ, Ankara đã triển khai những quy định mới, khẳng định không quân nước này sẵn sàng đánh chặn và tấn công các máy bay vi phạm không phận của mình. Sau khi Mỹ và liên quân triển khai can thiệp quân sự tại Syria, tầm ảnh hưởng của Chính quyền Damascus ngày càng suy yếu, đỉnh điểm là ông Assad chỉ còn nắm trong tay chưa đến 1/3 lãnh thổ Syria. Song, mọi chuyện đã thay đổi khi Nga quyết định can thiệp vào Syria. Trong chuyến thăm Brussels (Bỉ) vào tháng 10/2015, Tổng thống Erdogan đã thảo luận với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về việc thiết lập một vùng cấm bay và vùng an toàn dọc biên giới với Syria. Tuy nhiên, Nga đã phản đối mạnh mẽ yêu cầu này và cho rằng đây là điều trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như luật pháp quốc tế.


Thứ hai,Thổ Nhĩ Kỳ nhận thấy rằng, hành động quân sự của Nga tại Syria đang làm xáo trộn các quân bài và chiến lược Syria của ông Erdogan. Moscow và Ankara không có chung quan điểm về tương lai của Tổng thống Assad, cũng như về mục tiêu thực sự của Nga tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại việc Nga nhúng tay quá sâu vào cuộc nội chiến Syria sẽ càng khiến vấn đề người tị nạn trở nên phức tạp. Thổ Nhĩ Kỳ đang là nơi lưu trú của khoảng 1 triệu người Syria chạy trốn khỏi nghèo đói và xung đột. Với sự can thiệp của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục là nơi trung chuyển của nhiều đối tượng do vị trí địa lý đặc thù.


Sự trả đũa của Nga


Theo sắc lệnh Tổng thống được đăng trên trang web của Điện Kremlin ngày 28/11, các biện pháp cấm vận kinh tế sẽ bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2016. Theo đó, Nga sẽ cấm nhập khẩu nhiều loại hàng hóa cụ thể từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sắc lệnh cũng khuyến cáo các công ty du lịch Nga hạn chế bán tour đi Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời ngưng tất cả các chuyến bay thuê bao giữa hai nước. Chế độ miễn visa của Nga dành cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ không còn hiệu lực. Các doanh nghiệp Nga sẽ bị cấm ký hợp đồng mới người lao động Thổ Nhĩ Kỳ. Các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại


Nga sẽ bị tăng cường kiểm soát vì lý do an ninh. Sắc lệnh còn tuyên bố “các tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ bị hạn chế khả năng hoạt động ở Nga.


Lệnh cấm vận đã một lần nữa cho thấy thái độ cứng rắn không nhượng bộ của Tổng thống Putin. Điều Moscow yêu cầu rất rõ ràng: Ankara phải xin lỗi công khai, thừa nhận đã bắn rơi máy bay Nga trên không phận Syria. Trong khi đó, người Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn từ chối đưa ra lời xin lỗi như yêu cầu. Mặc dù Tổng thống Tayyip Erdogan đã có những động thái thiện chí nhằm tháo gỡ căng thẳng, như cho biết ông “rất buồn và hối tiếc” vì vụ máy bay Nga bị bắn rơi. 


Giới phân tích cho rằng, căng thẳng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể leo thang lên mức quân sự. Nếu Moscow và Ankara xảy ra xung đột quân sự, NATO cũng sẽ bị kéo vào. Bởi vậy, hậu quả của những hành động quân sự là rất khó lường và cực kỳ nguy hiểm. Do đó, giới lãnh đạo hai bên sẽ kiềm chế ở mức hành động trả đũa ngoại giao và thương mại. Tuy nhiên, càng để lâu, tổn thất với hai bên sẽ càng nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng bế tắc giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đôi bên sẽ cần những nhượng bộ nhất định.


II. THỔ NHĨ KỲ TRÊN BÀN CỜ CHIẾN LƯỢC MỸ – NGA


Nhìn rộng hơn, với vị thế địa chính trị quan trọng, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm trong các cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga trong suốt thập kỷ qua. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga ngày 24/11 như một hệ quả tất yếu trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc là Mỹ và Nga đối với quốc gia này, cũng như những khác biệt của các bên liên quan trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Trung Đông.


Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hiện nay là di sản của những đế chế từng xung đột với nhau trong suốt hơn ba thế kỷ để tranh giành Biển Đen và vùng Caucasus (Kavkaz). Nga hiểu rất rõ vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến lược ngăn chặn sự hình thành của một mặt trận chống Nga do Mỹ và phương Tây đang xúc tiến tại châu Âu sau cuộc chiến tại Gruzia năm 2008, và những năm gần đây, giữa hai nước đôi khi vẫn hình thành mối quan hệ liên minh, dù không chắc chắn và đầy thực dụng.


Theo các chuyên gia, hiểu rõ một Thổ Nhĩ Kỳ nghèo nàn về năng lượng luôn phải coi Nga là nhà cung cấp chính, Kremlin đã sử dụng triệt để ưu thế này để tăng cường ảnh hưởng và lôi kéo thành viên này của NATO với mục tiêu ít nhất là không thể hiện lập trường chống Nga.


Một “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ đã hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XXI với những hợp tác kinh tế quy mô, trong đó có một đường ống dẫn dầu dưới biển được xây dựng năm 2003. Đến năm 2014, Nga trở thành đối tác xuất khẩu số một của Thổ Nhĩ Kỳ. Du lịch cũng là lĩnh vực gắn kết hai nước, khi du khách Nga chiếm số lượng lớn nhất trong thị phần du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2013 đến nay.


Ngoài ra, hai nước cũng có nhiều dự án đáng chú ý khác như kế hoạch xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ của Rosatom, với trị giá lên tới 20 tỷ USD, cũng như đàm phán xây dựng đường ống dẫn dầu mới để đưa dầu của Nga tới châu Âu mà không cần đi qua Ukraine.


“Kỷ nguyên vàng” trên thực tế đã chấm dứt khi Nga quyết định can thiệp quân sự vào Syria với mục đích bảo vệ chế độ của Tổng thống Basha al-Assad, người mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ bằng mọi giá.


Dù không trực tiếp lên tiếng chỉ trích Nga nhưng trong giai đoạn đầu chiến dịch không kích của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ luôn tỏ thái độ ủng hộ quan điểm của Mỹ và phương Tây, cho rằng Nga chủ yếu ném bom vào các lực lượng nổi dậy “ôn hòa” và chỉ làm cho tình hình Syria thêm xấu.


Toan tính của Mỹ


Tuy là một thành viên của NATO nhưng thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị Mỹ và các nước phương Tây nghi kỵ vì có quan hệ kinh tế và năng lượng thân thiết với Nga. Chính vì những nghi ngờ này, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã bị rạn nứt vào năm 2003, khi các liên kết khăng khít hơn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập.


Đầu tháng 3/2003, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho phép Mỹ sử dụng lãnh thổ của mình làm bàn đạp tấn công Iraq. Sau khi ông Saddam Hussein bị lật đổ, Iraq rơi vào hỗn loạn, cả khu vực trở nên bất ổn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến giới chức nước này thường xuyên phản đối chính sách của Mỹ tại khu vực Trung Đông.


Tháng 10/2007, quan hệ hai bên trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết coi việc giết hại hàng trăm ngàn người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến I là “diệt chủng”.


Đến đầu năm 2011, cuộc nội chiến ở Syria bùng phát đã trở thành cơ hội không thể tốt hơn để Mỹ tranh giành vị thế của Nga và thiết lập lại ảnh hưởng của mình tại quốc gia này.


Theo ông Yves Boyer, phó giám đốc quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris, hiểu rõ tham vọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ với khu vực Trung Đông, Mỹ đã tận dụng triệt để cuộc chiến tại Syria để kéo Thổ Nhĩ Kỳ về đúng quỹ đạo của một đồng minh NATO thực sự.


Theo một báo cáo của Reuters năm 2012, được sự hỗ trợ của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đã thiết lập một căn cứ quân sự bí mật cùng với các đồng minh Arab Saudi và Qatar để viện trợ quân sự và liên lạc trực tiếp với các phiến quân nổi dậy Syria từ một thành phố gần biên giới hai nước.


Giới phân tích nhận định, các cường quốc phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đã thực sự ủy nhiệm cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở bàn cờ Trung Đông, với trọng điểm là chiến trường Syria “Thổ Nhĩ Kỳ đang thao túng tình hình tại Syria dưới sự chỉ đạo của Mỹ trong kế hoạch nhằm lật đổ Tổng thống Assad. Mong muốn tạo một vùng đệm hay hành lang an toàn tại Syria của Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn là điều bí mật kể từ năm 2012, khi cuộc chiến Syria mới bùng nổ”.


Đến tháng 6/2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngầm vạch ra một vùng đệm sâu 8 km bên trong lãnh thổ Syria sau khi tên lửa phòng không Syria bắn hạ một chiếc máy bay trinh sát Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép không quân coi các mục tiêu đi vào phạm vi vùng đệm là “kẻ địch”.


Sai lầm chiến lược


Thổ Nhĩ Kỳ tuy giữ vai trò tuyến đầu trong chiến lược của Mỹ tại Trung Đông, trên thực tế hai nước vẫn tồn tại nhiều bất đồng về quan điểm trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và không thể đạt được mối quan hệ liên minh hoàn hảo. Gần đây, giới chức Mỹ thường xuyên đặt câu hỏi về quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong mục tiêu tiêu diệt IS, khi những mối quan hệ mờ ám của nước này với phiến quân dần bị vạch trần.


Mỹ công khai thể hiện quan điểm trái ngược với Thổ Nhĩ Kỳ khi liên tục hỗ trợ lực lượng người Kurd tại Syria, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi lực lượng này là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia.


Trong bối cảnh đó, các nhà quan sát cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã có những động thái làm hòa với Nga nhằm phản đối quyết định của Mỹ. Thế nhưng, Nga cũng bất chấp những lời cảnh báo từ Thổ Nhĩ Kỳ, liên tục tiến hành các đợt không kích vào lực lượng phiến quân người Turk được Ankara hậu thuẫn ở gần biên giới Syria.


Giới chuyên gia nhận định: Hoàn cảnh này đẩy Tổng thống Erdogan vào trạng thái “bị bỏ rơi”, và quyết định bắn hạ máy bay Nga được coi như một lời cảnh báo của người bị đẩy vào đường cùng muốn thể hiện vai trò và tiếng nói của mình. Tuy nhiên, quyết định này của Tổng thống Erdogan là một sai lầm chiến lược, và có vẻ như người Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cảm nhận được hệ quả tai hại của việc không giữ được thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc.


Với việc bắn hạ máy bay Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đẩy mình vào thế “tiến thoái lưỡng nan”khi không thể thách thức thêm quyền lực của Nga, đồng thời có nguy cơ đánh mất thêm những lợi ích mà nước này vẫn ra sức bảo vệ. Với lý do bảo vệ chiến đấu cơ Nga, Tổng thống Putin đã ra lệnh điều hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 tới Syria, khiến giấc mơ về một vùng đệm ở biên giới của Ankara hoàn toàn phá sản.


Mỹ và NATO cũng không mạnh mẽ ủng hộ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn hợp tác sâu rộng hơn với Nga trong cuộc chiến chống IS. Nhiều chuyên gia và học giả Mỹ còn lên án hành động bị coi là “khiêu khích” này của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng “Ankara đã tính toán nước cờ sai lầm nghiêm trọng và sẽ phải trả giá đắt cho hành động phiêu lưu giữa hai cường quốc trong thời gian qua”.


(nguồn Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng Thành phố tổng hợp từ

Thông tấn xã Việt Nam và các báo)