Từ ngày 20 đến ngày 22/3, đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Lê Hồng Sơn, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn, cùng gần 200 gương điển hình thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tham gia hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin”. Chương trình do Thành ủy TPHCM tổ chức.
Trong sáng 20/3, đoàn làm lễ báo công, dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm quan Khu di tích lịch sử cấp quốc gia – Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Long Đức, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Với lòng thành kính, niềm biết ơn vô hạn, đoàn đại biểu TPHCM kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Thay mặt các gương điển hình, đồng chí Trần Thị Thu Trang, Bí thư Đảng ủy Phường 7, quận Bình Thạnh báo cáo với Bác về kết quả thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong năm 2023 tại TPHCM.
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, năm 2023 tại TPHCM đã tiếp tục có 148 mô hình mới, cách làm hay, 118 nội dung đột phá, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả. Thành ủy TPHCM tổ chức biểu dương 118 tập thể, 184 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Đây là những tập thể và cá nhân đã được bình chọn từ hàng ngàn tấm gương học tập và làm theo Bác từ cơ sở thuộc nhiều lĩnh vực với những việc làm thiết thực; không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo, hàng ngày âm thầm cống hiến và hy sinh, lặng lẽ và tận tụy, góp phần xây dựng bầu không khí xã hội tích cực, đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển.
“Trước anh linh Người, chúng con xin hứa sẽ không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; không ngừng nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cuộc sống và công tác; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, xây dựng TP mang tên Bác có chất lượng sống tốt, ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không ngừng chung sức phấn đấu để sớm đạt mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” – đồng chí Trần Thị Thu Trang bày tỏ.
Được biết năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, để bày tỏ lòng kính yêu, quân dân xã Long Đức đã tiến hành xây dựng đền thờ Bác ngay trong tầm bom pháo của kẻ thù. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 10/3/1970.
Sau gần 10 tháng làm việc bất chấp bom đạn, sự càn quét, đánh phá của địch, quân và dân xã Long Đức đã chung sức, đồng lòng hoàn thành Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính thức khánh thành vào đúng ngày 30 Tết Nguyên đán năm 1971. Trong 5 năm từ lúc khởi công xây dựng cho đến ngày 29/4/1975, Mỹ – ngụy đã tổ chức hàng trăm cuộc càng quét vào khu vực Đền thờ và chúng đã có ba lần thực hiện được ý đồ đốt đền. Ba lần giặc đốt Đền thì ba lần quân dân Long Đức lại dựng Đền lên, lần sau khang trang hơn lần trước.
Ngày 30/9/1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, trở thành biểu tượng tình cảm, niềm tự hào của nhân dân Trà Vinh đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Tháng 4/2012, Khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được xây dựng công trình nhà sàn Bác Hồ, do Trung tâm Ứng dụng Trưng bày – Bảo tàng Hồ Chí Minh thiết kế hạng mục phục chế.
Hiện nay, khuôn viên của Đền thờ có diện tích 5,3 hecta gồm nhiều hạng mục quan trọng. Cùng với hạng mục chính là ngôi Đền thì còn có những hạng mục quan trọng khác là nhà trưng bày, nhà sàn… lần lượt được xây dựng để trở thành nơi giáo dục lịch sử, lưu giữ văn hóa và phát triển du lịch.
Nguồn Trang Thông tin điện tử Thành ủy TP. Hồ Chí Minh