I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

 

Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, gồm các đối tượng sau:

 

1) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần (gọi tắt là doanh nghiệp cổ phần hóa).

 

2) Người quản lý doanh nghiệp cổ phần hóa, gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên; thành viên Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng.

 

3) Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên của doanh nghiệp cổ phần hóa.

 

4) Người được doanh nghiệp cổ phần hóa cử làm đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại các doanh nghiệp khác (gọi tắt là người đại diện vốn) chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác.

 

5) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý doanh doanh nghiệp cấp II (chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các doanh nghiệp khác)

 

II. MUA CỔ PHẦN VỚI GIÁ ƯU ĐÃI

 

1) Các đối tượng nói trên được mua cổ phần với giá ưu đãi tính trên mỗi năm theo thời gian làm việc thực tế trong khu vực nhà nước đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

 

2) Thời gian làm việc thực tế trong khu vực nhà nước được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi là tổng thời gian tính theo số năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) gồm thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp cổ phần hóa và thời gian làm việc thực tế trước đó (nếu có) tại các đơn vị trong khu vực nhà nước (cộng dồn) đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

 

3) Thời gian làm việc thực tế trong khu vực nhà nước được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi sẽ trừ đi:

 

– Thời gian trước đó làm việc tại doanh nghiệp nhà nước khác hoặc đơn vị sự nghiệp của nhà nước đã cổ phần hóa chuyển thành công ty cổ phần và đã được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi của công ty cổ phần đó (nếu có);

 

– Thời gian làm việc khu vực nhà nước đã được BHXH tính để hưởng chế độ lương hưu trí, chế độ nghỉ mất sức lao động hoặc đã được tính để hưởng bảo hiểm xã hội một lần (nếu có).

 

4) Thời gian thực tế làm việc trong khu vực nhà nước tới thời điểm xác định giá trị doanh nghiêp, được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi, là tổng thời gian người lao động:

 

– Làm việc tại doanh nghiệp nhà nước hiện đang tiến hành cổ phần hóa.

 

– Trước đó (nếu có) làm việc tại cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp khác do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trước khi về làm việc tại doanh nghiệp hiện đang cổ phần hóa.

 

5) Thời gian thực tế làm việc trong khu vực nhà nước, bao gồm cả các thời gian được doanh nghiệp đang cổ phần hóa cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ hàng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của Bộ luật Lao động; thời gian hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội; thời gian làm việc tại doanh nghiệp trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp (nếu có) đối với doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp (theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 07/TT-BLĐTBXH).

 

III. GIÁ ƯU ĐÃI BÁN CỔ PHẦN VÀ ĐIỀU KIỆN HẠN CHẾ CHUYỂN NHƯỢNG

 

1) NgườI lao động tại doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc các đối tượng nêu trên được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước với giá bán ưu đãi 1 cổ phần là 6.000 đồng (bằng 60% mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).

 

2) Số cổ phần được mua với giá ưu đãi, người lao động phải giữ và không được chuyển nhượng trong vòng 03 năm kể từ sau khi nộp tiền mua cổ phần ưu đãi.

 

IV. MUA THÊM CỔ PHẦN

 

1) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, nếu thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp trong thời hạn ít nhất là 03 năm (kể từ ngày doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu) sẽ được mua thêm theo mức 200 cổ phần/1 năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần và được mua tối đa không quá 2.000 cổ phần /một người lao động.

 

2) Lao động là chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, được mua thêm theo mức 500 cổ phần/1 năm cam kết làm việc tiếp trong doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần, tối đa không quá 5.000 cổ phần/một người lao động giỏi.

 

3) Mỗi một người lao động thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sử dụng và có cam kết làm việc lâu dài cho doanh nghiệp, chỉ hưởng quyền mua thêm cổ phần theo một trong hai mức xác định nói trên.

 

4) Các trường hợp khác, người lao động có nhu cầu mua thêm cổ phần ngoài tiêu chí được mua thêm theo quy định trên, thì thực hiện đăng ký mua đấu giá công khai như các nhà đầu tư khác.

 

V. GIÁ BÁN CỔ PHẦN MUA THÊM VÀ ĐIỀU KIỆN HẠN CHẾ CHUYỂN NHƯỢNG

 

1) Giá bán cổ phần cho người lao động mua thêm là giá khởi điểm được cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt được công bố trong phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp.

 

2) Số cổ phần người lao động được mua thêm theo giá khởi điểm chỉ được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông (được chuyển nhượng) sau khi kết thúc thời gian cam kết làm việc lâu dài tại doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần.

 

3) Trường hợp nếu công ty cổ phần cho người lao động thôi việc, mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đã cam kết và đúng theo quy định của Luật lao động, thì số cổ phần người lao động mua thêm với giá khởi điểm sẽ được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông (được chuyển nhượng). Trường hợp người lao động có nhu cầu bán lại cho doanh nghiệp số cổ phần này thì doanh nghiệp đã chuyển thành công ty cổ phần có trách nhiệm mua lại với giá sát với giá giao dịch trên thị trường.

 

4) Trường hợp nếu người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đã cam kết thì phải bán lại cho công ty cổ phần toàn bộ số cổ phần đã được mua thêm với giá sát với giá giao dịch trên thị trường nhưng không vượt quá giá khởi điểm đã mua tại thời điểm cổ phần hoá doanh nghiệp.

 

VI. PHÂN CHIA CÁC QUỸ

 

1) Chia Quỹ khen thưởng:

 

Đối tượng chia số dư quỹ khen thưởng còn lại tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là người lao động. Thời gian được tính để chia là số tháng làm việc tại doanh nghiệp tính từ thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng vào doanh nghiệp cổ phần hóa đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó quy định cụ thể các thời gian được tính (kể cả thời gian làm việc tại doanh nghiệp trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách); người lao động được chia phần còn lại số dư bẳng tiền quỹ khen thưởng.

 

2) Chia Quỹ phúc lợi:

 

Đối tượng chia số dư quỹ phúc lợi còn lại tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là người lao động và người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên. Thời gian được tính để chia là số tháng làm việc tại doanh nghiệp tính từ thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng vào doanh nghiệp cổ phần hóa đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, trong đó quy định cụ thể các thời gian được tính (kể cả thời gian làm việc tại doanh nghiệp trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách); người lao động, người quản lý, kiểm soát viên được chia phần còn lại số dư bẳng tiền quỹ phúc lợi.

 

3) Chia Quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp:

 

Đối tượng chia số dư Quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là người  quản lý doanh nghiệp và kiểm soát viên. Cụ thể người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên tại doanh nghiệp cổ phần hóa gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên; thành viên chuyen trách Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc; Phó Tổng giám đốc; Kế toán trưởng và Trưởng ban kiểm soát; Kiểm soát viên. Người quản lý doanh nghiệp và kiểm soát viên trong doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng số dư bằng tiền quỹ thưởng của người quản lý tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp và được chia số dư bằng tiền quỹ thưởng tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Phương án chia quỹ thưởng của người quản lý phải được chủ sở hữu phê duyệt.

 

VI. PHƯƠNG ÁN SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

 

1) Xây dựng phương án sử dụng lao động căn cứ thực trạng lao động của doanh nghiệp cổ phần hóa và phù hợp nhu cầu lao động theo phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn 3 – 5 năm tiếp theo sau khi cổ phần hóa.

 

2) Phương án sử dụng lao động phải đưa vào nội dung phương án cổ phần hóa. Thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ là Tổng Công ty nhà nước và các doanh nghiệp cấp II (công ty con) thì phải hướng dẫn từng doanh nghiệp cấp II xây dựng phương án sử dụng lao động thuộc doanh nghiệp mình.

 

3) Theo phương án cổ phần hoá trong đó căn cứ nội dung về sắp xếp lao động, doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện phương án sắp xếp lại lao động, dự kiến số lao động tiếp tục làm việc tại công ty cổ phần, số lao động mới cần phải tuyển dụng thêm và hướng giải quyết số lao động dôi dư không thể bố trí được, trong đó có phân loại, lập phương án hỗ trợ kinh phí đào tạo, đào tạo lại để bố trí việc làm mới trong công ty cổ phần, hoặc sẽ giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, mất việc theo quy định của pháp luật về lao động.

 

VII. GIẢI QUYÊT LAO ĐỘNG DÔI DƯ

 

1) Chính sách đối với lao động dôi dư và người quản lý doanh nghiệp dôi dư:

 

– Theo phương án sử dụng lao động, nếu người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người được cử làm đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại các doanh nghiệp khác mà không bố trí được việc làm tại công ty cổ phần, sẽ được hưởng chính sách trợ cấp thôi việc, mất việc đối với lao động dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động.

 

– Theo phương án sử dụng lao động, nếu người quản lý doanh nghiệp cổ phần hóa mà không bố trí được việc làm tại công ty cổ phần, sẽ do cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định bố trí công việc. Trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm thì được hưởng chính sách như chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về lao động.

 

2) Chính sách đối với người quản lý doanh nghiệp cấp II (công ty con) dôi dư:

 

Theo phương án sử dụng lao động, nếu người quản lý doanh nghiệp cấp II mà không bố trí được việc làm tại công ty cổ phần, sẽ do Hội đồng thành viên xem xét, quyết định bố trí công việc. Trường hợp đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm thì giải quyết chính sách theo quy định của pháp luật về lao động.

 

   Biên tập Tổ Thường trực Cổ phần hóa